“Học đi đôi với hành” từ lâu đã trở thành một phương pháp học tập khoa học, hiệu quả. Tuy nhiên, rất nhiều bạn vẫn còn quá coi trọng việc học, trong khi bỏ qua việc hành. Vì thế, trong bài văn nghị luận học đi đôi với hành dưới đây, chúng tôi sẽ làm rõ những lý do vì sao cần phải áp dụng phương pháp học tập này.
Nghị luận học đi đôi học hành
Xem thêm:
Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn đối với cuộc sống con người
Nghị luận xã hội học đi đôi với hành ngắn gọn
Học là một quá trình tiếp thu những kiến thức với tư thế chủ động, tích cực. Bạn có thể học từ nhiều nguồn khác nhau, từ sách vở, từ thầy cô, bố mẹ, bạn bè… Những kiến thức ấy nào chỉ là lý thuyết trong sách giáo khoa, mà nó còn là vô vàn giá trị văn hóa, đạo đức của xã hội, cộng đồng.
Người ta cần học để phát triển và hoàn thiện chính mình, từ đó mới có thể đem lại những thành tựu đáng tự hào cho đất nước. Song song với việc học là quá trình “hành”, tức là đưa lý thuyết áp dụng vào thực tiễn. Điều đó sẽ giúp ta kiểm tra, xác nhận với chính bản thân và tạo ra kết quả ngay khi vừa tiếp thu kiến thức vào thực tiễn.
Một ví dụ đơn giản nhất liên quan đến vấn đề học và hành chính là khi nấu ăn. Để nấu ăn ngon, bạn cần đọc sách, tìm trên internet hoặc nhờ đến hướng dẫn của người thân. Đồng thời, bạn cần phải bắt tay vào nấu để tạo nên thành quả, từ đó đúc kết kinh nghiệm cho chính bản thân. Quá trình lặp lại việc nấu ăn và dần điều chỉnh cho đến khi đạt được kết quả tốt nhất chính là việc áp dụng thành công phương pháp “học đi đôi với hành”.
Thế nào là học đi đôi với hành
Trong mọi khía cạnh, mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh thì phương châm “học đi đôi với hành” vẫn luôn chứng minh được vị thế và sức mạnh của mình. Đặc biệt, chúng ta - những con người đang sống trong thế kỷ 21 - cần phải hội nhập bởi những bước tiến vượt bậc. Nhưng muốn theo kịp thời đại, ta cần sử dụng những con đường tắt để rút ngắn khoảng cách.
Chính vì thế mà bạn không thể không áp dụng đến phương pháp “học đi đôi với hành”. Nói một cách đơn giản là bạn cần vừa học vừa làm, sai ở đâu sửa ở đó cho đến khi thành công với những lý thuyết mình đã học được.
“Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành và tất cả các ngành khác đều phải: lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động.”- Hồ Chí Minh.
Nếu như mọi người đều có cơ hội học tập như nhau, vậy tại sao kết quả lại khác nhau? Kiến thức trong một bài toán đều được truyền đạt đến cả lớp học, nhưng tại sao có người giải được, cũng có người vò đầu bứt tai khi gặp một bài tương tự?
Tạm bỏ qua những yếu tố khác, thì chênh lệch ấy đều do sự thực hành của riêng mỗi người tạo ra. Cả hai bạn cùng chăm chú nghe giảng, nhưng người lập tức áp dụng kiến thức ấy vào làm bài tập chắc chắn sẽ nắm vững bài và điểm cao hơn so với bạn chỉ nghe qua mà không vận dụng. Hoặc một người biết rõ cách gảy đàn, nhưng chẳng bao giờ qua dây đàn thì có được gọi là nghệ sĩ không? Và họ có tạo ra cho đời ca khúc êm ái nào không?
Xem thêm:
Dàn ý nghị luận xã hội về căn bệnh vô cảm
Như vậy, mọi lý thuyết đều sẽ là lý thuyết chết nếu ta không thực hành và áp dụng nó vào thực tế. Đặc biệt, lý thuyết sẽ chỉ là một phần nhỏ so với những gì bạn nhận được từ việc thực hành, đó là kinh nghiệm và là bài học rút ra qua mỗi lần thực hành thất bại để đi đến thành công.
Mỗi một lần bạn tiếp thu kiến thức và dùng kiến thức ấy áp dụng vào thực tế, bạn sẽ thêm một lần cải thiện kỹ năng tư duy của mình. Cùng với đó, việc lặp đi lặp lại quá trình thực hành cho đến khi thành công sẽ đem lại cho bạn nhiều bài học đáng giá.
Một người học pha chế dù bỏ cả chục triệu học xong một khóa học và nhận giấy chứng nhận nhưng lại chẳng hề động tay vào làm thử sẽ chẳng thể nào tạo ra một món nước ngon được. Ngược lại, cũng một người học pha chế, nhưng người ấy luôn áp dụng bài học vào những món nước. Qua nhiều lần thất bại và rút kinh nghiệm, người ấy có thể tạo nên món nước uống không chỉ ngon mà còn là công thức do chính mình tạo ra.
Nghị luận xã hội về vấn đề học đi đôi với hành
Nền giáo dục Việt Nam còn khá nhiều điều bất cập. Trong đó, vấn đề chỉ chăm chú vào lý thuyết mà không chú trọng thực hành chính là một trong những lý do khiến học sinh Việt Nam dù rất giỏi nhưng lại luôn thụ động trong mắt bạn bè quốc tế.
Chúng ta có thể dễ dàng học thuộc bài, làm hàng ngàn bài toán khó nhằn, nhưng lại vô cùng yếu kém về kỹ năng, chẳng hạn như kỹ năng tin học, kỹ năng giao tiếp hay kỹ năng làm việc nhóm. Tuy nhiên, cũng chớ vì coi trọng thực hành mà bỏ qua những kiến thức liên quan đến lý thuyết. Một người học lý thuyết rồi mới thực hành sẽ đem lại kết quả tốt đẹp và nhanh chóng hơn so với một người gà mờ, chả biết gì chỉ đăm đăm vào làm. Như thế thì làm đâu sai đó vì chẳng có cái nền nào trong đầu cả.
Chính vì thế, học phải đi đôi với hành. Bạn không thể quá coi trọng một cái mà coi khinh một cái. Ấy thế mà, dẫu biết rõ sự cần thiết của việc học đi đôi với hành, nhưng bên cạnh những tấm gương làm rạng danh đất nước, vẫn còn bộ phận không nhỏ những người chỉ đăm đăm học theo kiểu đối phó.
Họ học cho có, học vẹt, thậm chí sẵn sàng mất hàng giờ liền để đọc thuộc cả quyển sách, chỉ với mục đích thi được điểm cao. Nhưng mà bạn ơi, hãy thử nghĩ xem, nếu bạn học như thế, sau một môn học bạn sẽ nhận lại được gì ngoài những con điểm cao trông “đẹp mắt”? Trong khi nếu bạn vừa học vừa thực hành, bạn sẽ chẳng mất bao nhiêu công sức để ôn bài mà vẫn có thể nhận được điểm cao - xứng đáng với những gì bạn đã bỏ ra?
Đáng buồn hơn cả là, thói quen học hành kém cỏi ấy khiến cho đất nước ta chỉ toàn những cái đầu lười tư duy. Rồi mai sau, Việt Nam sẽ ra sao nếu người ta chỉ đăm đăm học vì thăng quan tiến chức mà không phải vì trau dồi bản thân, đất nước sẽ ra sao khi mọi người sẵn sàng bỏ tiền ra thuê người học hộ? Để rồi, người học hộ thì kiếm được mấy chục ngàn rẻ bạt bằng cách đánh đổi mấy tiếng vô ích, còn người thuê thì cũng chẳng học hay hành được chữ nào.
Có thể nói, “học đi đôi với hành” là một phương châm học chẳng hề lỗi thời. Chúng ta nên coi nó là kim chỉ nam cho ngành giáo dục của đất nước. Từ đó, có thể đào tạo nên các thế hệ tương lai tài giỏi và làm rạng danh đất nước. Riêng thế hệ học sinh chúng ta, việc học đi đôi với hành càng trở nên quan trọng. Vì thế, hãy luôn nắm vững phương pháp học đúng đắn này, để mai sau góp sức cho sự phát triển của nước nhà.
Đó là bài văn mẫu nghị luận học đi đôi với hành mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng bài viết CungHocVui sẽ hữu ích và giúp đỡ bạn trong quá trình học tập!
Copyright © 2021 HOCTAP247