Phân tích bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương
Rất nhiều lần trên đường đời tấp nập, Hồ Xuân Hương đã bước những bước sải phóng túng, nổi loạn bất chấp kích thước chật hẹp của một thời kỳ phong kiến suy tàn. Con người ấy đã xông xáo, khát khao đi tìm một tình yêu, một hạnh phúc cho chính cuộc đời mình và đã không tìm gặp được. Biểu đồ tình duyên, đồ thị của cuộc kiếm tìm hạnh phúc của Xuân Hương nhiều lần đứt đoạn, nhiều lần sụp xuống chới với. Nhưng ở chỗ mà bao cô gái đã hụt hẫng, tình yêu của Xuân Hương khởi đầu bằng điểm người nữ sĩ hớn hở mở xuân lòng để đón xuân đời: “Sáng mồng một lòng thẹn tạo hóa, mở toang ra cho thiếu đón xuân vào” cho đến khóc ông phủ Vĩnh Tường thì mất hút. Xuân Hương làm gì, nghĩ gì trong suốt chặng đường còn lại, không ai trả lời được.
Một lần muộn chồng, hai lần làm lẽ. Ba bài Tự tình của Hồ Xuân Hương là những lời tự giãi bày cảnh ngộ buồn chán của người. Xuân Hương đã công khai cái tôi của mình. Đặt cái - tôi - công - khai - Xuân - Hương vào không khí “dùng dằng” của văn chương “vô ngã”, “phi ngã” sẽ thấy cái tôi đó “đứng chéo” nối loạn nhập vào một lộ trành nối loạn chung của bao cái tôi khác của Nguyễn Du, Phạm Thái. Xuân Hương khao khát một tình yêu đúng nghĩa, nhưng tình yêu đó khép lại khi cuộc đời làm lẽ mở ra. Thơ Xuân Hương - ba bài Tự tình - nói nhiều đến một tình yêu chăn gối có lẽ vì vậy.
Bài “tự tình thứ nhất” mở đầu bằng âm thanh “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom”. Bài “Tự tình thứ ba” lại là một chiếc bách chơ đầy tâm trạng:
“Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh”
Bài thơ “Tự tình thứ hai” riết róng trong một dồn nén “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”. Đêm thâu, một khách má hồng lặng lẽ uống tràn ly cạn, đội trên đầu một vầng trăng khuyết như một vương miện sứt mẻ để trút ngược cả nỗi ngao ngán đến thật thà, hồn nhiên đến dữ dội vào tận sâu thẳm.
Không phải tiếng trống Tràng thành “lung lay bóng nguyệt”, cũng không phải là tiếng trống cộc lốc đến cô đơn “Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng” làm giật mình kẻ đang nhớ bạn phương trời. Là cả một chuỗi tiếng trống đô hồi liên tiếp nhau chạy từ rất xa lại nhỏ dần:
Đêm khuya văng vắng trống canh dồn.
Ít nhất cũng là canh ba. Tiếng trống động làm chỏi ra cái tĩnh trơ trọi bất động của con người. “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Cảnh buồn nhưng không gợi thương cảm nhờ cách nói cứng cỏi rất Xuân Hương. Không phải kiếp hồng nhan, phận hồng nhan, mà lại cái hồng nhan rất cụ thể, rất có thể, rất rạo rực. Cái xuân xanh đã qua nhưng cái xuân tình còn đó. Đem điểm huyệt cái một mình, đặt nó vào sự rộng thoáng của ngoại giới “với nước non” - câu thơ Xuân Hương cứ rạo rực, bứt tung một niềm khát khao giao cảm. Thơ Xuân Hương nhắc nhiều đến ba chữ “với nước non” (Bánh trôi nước, Hỏi trăng), có khi biến dạng thành “với non sông” (Dỗ người đàn bà khóc chồng chiết. Đá ông chồng bà chống) cùng vì một niềm khát khao ấy.
Vầng trăng bóng xế, chén rượu hương đưa. Có hương, có nguyệt nhưng chưa đủ thành Xuân Hương - Có Nguyệt! Nhưng phóng túng đến đỉnh, say thì má hồng kia đã ít nhiều mang dáng dấp ngang tàng của một Xuân Hương “Bầu dốc giang sơn say chấp rượu”. Xuân Hương không say rồi tỉnh mà “say lại tỉnh”, không “Dục pha thành sầu dụng tửu binh” được! Xuân Hương làm ta chạnh nhớ một Thúy Kiều “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh - Giật mình, mình lại thương mình xót xa”. Trăng xưa còn đó nhưng chỉ là một mảnh thượng huyền khuyết tật chưa tròn đã xế. Đã vầng trăng bóng xế rồi, lại còn “khuyết”, lại nhấn thêm: “chưa tròn”. Người nữ sĩ đó đang chua chát, tư lự ngắm nhìn thân phận mình từ nhiều góc độ và sững sờ phát hiện không một cái gì trong đời mình viên mãn cả.
Độc ẩm trong đêm, đối thoại với vầng trăng khuyết và một tiếng trống dập dồn truy đổi, tìm về với phần khuyết còn lại của mình. Buồn thay cho nàng!
Cảnh trong “Tự tình” cũng ngang tàng như trong những bài khác của Xuân Hương- Nó không chịu nổi cái ước lệ, quy phạm, mẫu mực một thời. Nếu như ở “Tự tình thứ nhất”. Xuân Hương chưa có dịp phô hết tài nghệ miêu tả theo kiểu cắt sống động từng mảng thiên nhiên đang tươi rói, đang cựa quậy bứt phá để đi tìm sự giao cảm, đi tìm phần còn lại của mình, thì “Tự tình thứ hai” lại phô diễn tuyệt vời với tài hoa lạ lẫm đó. Thử đọc lại:
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”.
Cảnh kỳ lạ phi thường!
Một người đã từng làm ngơ ngác thi đàn xưa nay khi viết: “Gió giật sờn non khua lắc cắc — Sóng dồn mặt nước vỗ long bong” hoặc “Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc - Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo” tất phải hạ bút: “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám - Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”. Có mặt đất, chân mây nhưng không phải “Chân mây mặt đất một màu xa xa”. “Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”, dù văn rất hay, của Nguyễn Du. “Mặt đất”, “chân mây” của Xuân Hương rất thực, rất sống, rất cụ thể, rất Xuân Hương. Đã “xiên” còn “xiên ngang” đã “đâm” còn “đâm toạc”, cái gì là ra cái nấy, nói cái gì là nói đến kỳ cùng! Xuân Hương là nhà thơ của động từ, nhưng động từ cực mạnh. Cảnh của Xuân Hương không phải là cánh để mà vẽ vì nó là cảnh của không gian ba chiều dính với sự sống đang phập phồng, đang bứt phá để đi tìm chính bản chân sự sống. Đó là thứ cảnh dộng. Động từ trong tâm động ra. Là tâm cảnh.
Khép lại lời Tự tình là nỗi niềm đã được gọi tên. Không phải là nỗi đau bị ruồng rẫy “Năm canh vắng lần nương vách quẻ” của nàng cung nữ, không là nỗi cô đơn thấm thía của người chinh phụ “Biếng cầm kim, biếng đưa thoi", cũng không phải là nỗi truân chuyên đọa đày buộc Kiều “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Đó là nỗi đau ngán ngẫm về cảnh lẽ mọn; “Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại – Mảnh tình san sẻ tí con con”. Đó là nỗi đau ngán ngẫm của một người bị lâm vào thế phải chia sẻ cái không – thể - chia - sẻ được. Ăng-ghen có lý: “Bản chất của tình yêu là không bao giờ chia sẽ”.
Chờ đợi và chán ngán, chờ đợi đến chán ngán. Xuân Hương đã hy vọng quá nhiều, trao gởi quá nhiều vào cuộc đời, nhưng cuộc đời đã lướt qua “Người Cổ Nguyệt” một cách lạnh lùng. Và thời gian qua cần cho mọi điều - trừ tình yêu và nhan sắc. Ta hiểu vì sao giọng Xuân Hương cố giấu nhưng vẫn trầm xuống nghèn nghẹn: “xuân lại lại”. Mới ngày nào rạng rỡ trong “đón xuân vào”, giờ này ủ ê thấy xuân “lại lại”. Câu thơ giấu nổi buồn thiu trong cái nhăn mặt gượng cười. Xuân Hương chỉ còn có một mảnh tình, một mảnh tình đã được — hay có khi còn bị - “san sẻ”, “được chăng hay chớ”, “có cũng không” nên duy sót lại “tí con con”. Quả là cực lòng người mà buồn tênh cả lòng ta.
Bài thơ “Tự tình thứ hai” không có được cái hổn hển đầy phẫn nộ của Làm Lẽ. “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, không có những câu chữ lắt láo bắt một nền văn chương trang nhã, bác học phải đỏ mặt như ở “Tự tình thứ ba”. Là một thông điệp của chính Xuân Hương cho Xuân Hương trong phút phân thân, phút bùi ngùi nổi loạn cái - tôi - đa - tình chịu nhiều thiệt thòi, o ép. Xuân Hương đã sống hết mình với cái tôi đó, không phải che mặt vì nó, không phái kiêng cữ một điều gì. Xuân Hương đã sống với tất cả niềm quí trọng đến da diết, niềm mỏi mong đến khắc khoải cuộc sống (chao ôi nào có phải cuộc sống nhân hậu tốt đẹp gì cho cam...). Khi cuộc sống bất như ý, bà không van xin nó. Xuân Hương đã cùng cái tôi của mình và đoàn quân ngôn ngữ khởi nghĩa để đi tìm một hạnh phúc, đi nhận diện một mùa xuân, đi tìm một vầng trăng cho riêng mình. Với Tự tình hai và các bài thơ còn lại, Xuân Hương không chỉ Việt Nam hóa, bình dân hóa thơ Đường (như nhận định sâu sắc của giáo sư Nguyễn Lộc và nhà thơ Xuân Diệu) mà có lẻ bà còn Xuân Hương - hóa thơ Đường. Lỡ mặc một chiếc áo quá chật trong thơ và cả ngoài đời, Xuân Hương cứ bức bối đi tìm một cách thể hiện thoái mái nhất, làm nên cái độc đáo, phi thường.
Xuất phát từ cảnh ngộ cá biệt, Người Cô Nguyệt căm ghét chế độ đa thê, trở thành người có công đầu trong văn học phong kiến vào việc góp phần đào tróc gốc chế độ đó. Dù xuất phát rất riêng nhưng đi rất đúng hướng, thơ Xuân Hương đã hội nhập vào trào lưu nhân đạo nửa cuối thể kỷ mười tám nửa đầu thế kỷ mười chín, mang lại cho trào lưu nhân văn này một cách mới đầy sinh lực. Thơ Xuân Hương là thơ không nước mắt dù những chuyện riêng, chung trong thơ Người đều đầy nước mắt. Một mặt, sống rất thực với đời, mặt khác do cá tính quá mạnh, ở chỗ đời khóc thì Xuân Hương lại cười, đời tuyệt vọng thì Xuân Hương hăm hở đi tiếp dù “một cõi đi về” trong thơ Xuân Hương không khỏi có lúc lốm đốm những bước mỏi mệt.
Lời Tự tình buồn. Nhưng sợ rằng ta thật thà ghi nhận Xuân Hương buồn, Xuân Hương khổ thì biết đâu với cá tính và phong cách ấy, Xuân Hương lại chẳng trách cứ “Nín đi kẻo thẹn với non sông”, lại bắt ta “Muốn sống đem vôi quét trả đền”! Con người đó lạ lắm, đứng trên đời, trên cả một cơ chế phong kiến già nua. Xuân Hương đã biết quá nhiều điều. Xuân Hương có biết điều này chăng: một phần trăng còn lại Người cổ Nguyệt sục sạo, nổi loạn đi tìm nhưng không hạnh ngộ; hai vành nguyệt khuyết đó đã đoàn viên trong một ngày đời nhân hậu. Tấm lòng son Xuân Hương còn đó, là chứng tích cho một thời kỳ không có mùa xuân trong chính những con người rào rạt hương xuân.
Không dám khóc Người!
Copyright © 2021 HOCTAP247