Trang chủ Lớp 2 Tiếng việt Lớp 2 SGK Cũ Chủ điểm: Em Là Học Sinh Tuần 1 Tập đọc: Có công mài sắt, có ngày nên kim - Tiếng Việt 2

Tuần 1 Tập đọc: Có công mài sắt, có ngày nên kim - Tiếng Việt 2

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Hướng dẫn đọc

- Cách đọc:

+ Biết ngắt nghỉ hơi hợp lí sau dấu chấm, dấu phẩy và giữa các cụm từ.

+ Đọc đúng các kiểu câu. Phân biệt được lời dẫn chuyện và lời nhân vật.

+ Đọc trôi chảy và bước đầu biết đọc bài với giọng chậm rãi, vui vẻ, thích thú.

- Nghĩa các từ khó:

+ Ngáp ngắn ngáp dài: ngáp nhiều vì buồn ngủ, mệt hoặc chán nản.

+ Nắn nót: (viết hoặc làm) cẩn thận, tỉ mỉ.

+ Nguệch ngoạc: (viết hoặc vẽ) không cẩn thận.

+ Mải miết: chăm chú làm việc, không nghỉ.

+ Ôn tồn: nói nhẹ nhàng.

1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi

Câu 1: (SGK trang 5) Lúc đầu, cậu bé học hành thế nào?
- Lúc đầu, cậu bé rất mau chán việc học: mỗi khi cầm quyển sách, cậu chỉ đọc vài dòng là ngáp ngắn ngáp dài, rồi bỏ dở. Lúc tập viết, cậu chỉ nắn nót được mấy chữ đầu, rồi lại viết nguệch ngoạc, rất xấu.

Câu 2: (SGK trang 5) Cậu bé thấy bà cụ đang làm gì?

- Cậu nhìn thấy bà cụ tay cầm thỏi sắt mài mải miết vào tảng đá ven đường. 

Câu 3: (SGK trang 5) Bà cụ giảng giải như thế nào?

- Bà cụ giảng giải cho cậu: mỗi ngày mài thỏi sắt sẽ nhỏ đi một tí, sẽ có ngày nó thành kim. Cũng giống như cậu bé, mỗi ngày học một ít sẽ có ngày thành tài.

Câu 4: (SGK trang 5) Câu chuyện này khuyên em điều gì?

- Câu chuyện này khuyên em: làm việc gì cũng phải kiên trì, nhẫn nại, không ngại khổ thì mới thành công.

Lời kết

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn văn bản "Có công mài sắt, có ngày nên kim".

+ Nắm được nghĩa các từ khó trong văn bản.

+ Hiểu nội dung và ý nghĩa của câu chuyện "Có công mài sắt, có ngày nên kim".

- Các em có thể tham khảo thêm bài học Kể chuyện: Có công mài sắt có ngày nên kim để chuẩn bị cho bài học tiếp theo được tốt hơn.

Copyright © 2021 HOCTAP247