Đề 1:
Sáng hôm ấy, tiết trời thật đẹp. Bầu trời trong xanh, những đám mây trắng nhởn nhơ bay, không khí thật trong lành, ấm áp. Vậy mà bà tôi vẫn bắt tôi mặc áo len và mang thêm một chiếc trong cặp. Có lẽ bà đã biết trước thời tiết sẽ thay đổi, bà bảo: “Rét nàng Bân đấy cháu ạ! Đừng có chủ quan!”. Tôi vâng lời bà và rảo bước tới trường.
Đến giờ ra chơi, nhìn ra cửa sổ, tôi nhìn thấy phía cuối chân trời có đám mây đen xám đang tiến lại gần. Trời bắt đầu nổi gió bấc. Trong lớp, cô giáo đã đóng hết cửa mà cái rét vẫn cứ ùa về, len lỏi vào từng góc lớp. Cả lớp ai cũng mặc áo ấm, riêng bạn Phương chỉ mặc phong phanh một chiếc áo mỏng. Người bạn lạnh ngắt, đôi môi nhợt nhạt. Cô giáo lo lắng, gọi điện về nhà bạn nhưng không ai nghe máy. Tôi chợt nhớ ra trong cặp mình còn một chiếc áo len. Tôi lấy chiếc áo và nói: “Thưa cô … em … “. Cô giáo bước lại gần tôi và xoa đầu nói: “Con ngoan lắn!”. Cô cầm lấy chiếc áo rồi đưa cho Phương. Bạn ấy mặc áo vào, người đỡ run, đôi môi dần đỏ hồng trở lại. Một lúc sau, tôi quay xuống nhìn bạn, thì thấy bạn mỉm cười rất tươi. Đến cuối giờ, tôi đang đứng trên sân trường đợi mẹ đến đón thì một cánh tay vỗ nhẹ và tay tôi. Tôi giật mình quay lại, thì ra là bạn Phương. Phương nói: “Cảm ơn cậu nhiều nhé!”.
Đó là một kỉ niệm đẹp của tôi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã làm được một việc tốt, dù là bé nhưng lại đem lại niềm vui cho người khác và cho chính mình. Từ đấy, tình bạn của chúng tôi càng thêm gắn bó.
Đề 2:
Không còn nghi ngờ gì nữa, khi đứng trước tình hình khó khăn, tôi đã thấy rõ tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam. Tất cả vì cái chung mà cho đi, hy sinh cái riêng của mình. Mỗi người dân tùy thuộc vào điều kiện của mình đã có những hành động thiết thực chia sẻ, giúp đỡ những người còn khó khăn, yếu thế.
Ngoài ra, những nghĩa cử đẹp trong cộng đồng đã cho thấy lòng tốt và sự sẻ chia luôn hiện hữu. Thật cảm động với những dòng chữ "Ai cần cứ đến lấy", "Nếu khó khăn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác"... xuất hiện khắp nơi trong thời gian TP HCM và cả nước phòng chống dịch Covid-19. Những việc làm này làm lay động hàng triệu trái tim Việt hướng về sự tử tế, về lòng sẻ chia và trên hết là nghĩa tình đồng bào ruột thịt sẵn sàng nhường cơm sẻ áo giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
Dịch Covid-19 còn giúp chúng ta thấy rõ hạnh phúc đến từ những điều rất giản đơn và gia đình luôn là nơi chốn đi về của những yêu thương. Đôi khi chỉ cần một câu hỏi thăm của con trẻ, vài cuộc trò chuyện ấm áp vào những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, bất lực… cũng khiến nhẹ lòng.
Dịch Covid-19 còn dạy chúng ta bài học về tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan, việc chuẩn bị cho những điều không hay luôn thực sự cần thiết. Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ nên đừng chờ đợi cho đến khi có tình trạng cấp bách mới bắt đầu nghĩ đến lập phương án dự phòng. Hãy biết cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân thật tốt, có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của ngành y và luôn sẵn sàng tinh thần trước mọi biến thiên của cuộc sống.
Mặc dù dịch Covid-19 gây ra nhiều hậu quả nặng nề nhưng ở góc nhìn tích cực, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những bài học. Đó là mọi người đều biết rằng lo lắng và căng thẳng hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe tổng thể, cả về thể chất và tinh thần. Vì thế, dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn tại nhà, làm những công việc yêu thích… sẽ giúp bạn cân bằng lại nhịp sống.
Đề 3:
Sau gần 2 năm chống chọi, chưa bao giờ dịch COVID-19 lại bùng phát mạnh như lúc này. Trong vòng xoáy của dịch, những câu chuyện, những tình huống xử lý vừa có lý, vừa có tình của các chiến sỹ Công an khi đang thi hành công vụ với người dân đang gặp khó khăn, khiến nhiều người xúc động. Đây hẳn là những câu chuyện đẹp, nhân ái sẽ đọng lại trong tâm trí người dân về hình ảnh người chiến sỹ CAND khi mùa dịch đi qua.
1.Những con số bệnh nhân mắc COVID–19 cứ tăng, thậm chí xuất hiện hàng nghìn ca bệnh một ngày khiến TP Hồ Chí Minh trở thành điểm nóng nhất của cả nước. Đây là một thành phố đông dân nhất, là đầu tàu kinh tế, dịch bệnh đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội tại nơi này. Trong bối cảnh đó, CBCS Công an TP – lực lượng nòng cốt trong phòng, chống dịch bệnh, luôn có mặt tại các vị trí: Chốt phong tỏa, chốt kiểm dịch, tham gia tổ điều tra dịch tễ, tuần tra kiểm soát trên đường…Đặc biệt, từ ngày 26/7, TP Hồ Chí Minh yêu cầu người dân không ra đường sau 18h nếu không có việc cấp thiết, nên trong đêm khuya khoắt, chỉ có những người chiến sỹ Công an và những người được phân công phối hợp thức làm nhiệm vụ…
Hình ảnh những anh dân phòng, chiến sĩ công an, quân đội trực chốt co ro trong đêm mưa lạnh giá đã nhận được sự thấu hiểu và tình cảm của người dân. Câu chuyện tại chốt kiểm soát Cầu Dừa, đường Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành, quận 12 vào ngày 30/7 là một ví dụ. Theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT – TT, Công an quận 12 chia sẻ với phóng viên Báo CAND, trong khi một tổ công tác đang làm nhiệm vụ, có một phụ nữ đến gửi hai bức thư, là của bé Quang Minh – Ngọc Vân con chị. Đọc những dòng chữ nắn nót, viết trên giấy kẽ ô ly học sinh tiểu học, các anh rất cảm động. Không chỉ nội dung, mà hình thức biểu cảm trên bức thư với hình trái tim, máy bay, quốc kỳ… đều rất sinh động. Nội dung bức thư như sau:
Con chào cô chú!
Trời mưa to quá, các cô chú có khỏe không? Con tên là Quang Minh. Ngày hôm nay con muốn cùng mẹ mang đồ cho các chú nhưng mẹ con bảo: “Lúc này ở nhà là yêu nước. Hãy chấp hành lời kêu gọi của Chính phủ và thực hiện 5K”. Con biết các chú vất vả. Nhiều ngày các chú đứng ở chốt nắng mưa vất vả (Tất cả để Tổ quốc bình yên). Cố lên các chú nhé. Giặc Covi (COVID-19) rất nguy hiểm. Con tin rằng với sự đồng lòng với toàn dân Việt Nam, chúng ta sẽ chiến thắng, chiến thắng!!!
...Ngày đó sẽ không xa, các chú sẽ về với gia đình, cuộc sống trở lại bình thường để chúng ta xây dựng, kiến thiết Tổ quốc Việt Nam thân yêu!!!
Thân chào các chú. Con yêu các chú.
Quang Minh – Ngọc Vân”
Sau khi nhận được bức thư của hai bé Quang Minh – Ngọc Vân, Trung úy Nguyễn Hoài Nam đã “hồi âm” lại bằng một bức thư cũng đầy thú vị, tình cảm. Thư được viết trên nền giấy A4 với những hình ảnh sinh động như: Chú Công an; xe Cảnh sát; chốt kiểm soát có các lực lượng: Công an, y tế, người dân… đang hoạt động. Nội dung thư như sau:
“Cô chú chào bé Quang Minh – Ngọc Vân,
Cô chú rất cảm động khi nhận được lá thư của con, con hẳn là em bé ngoan. Cô chú rất khỏe mạnh, mạnh mẽ, để góp sức chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo vệ nhân dân và đồng bào Việt Nam và có cả bé Quang Minh – Ngọc Vân nữa.
Các con có người mẹ thật tuyệt vời, mẹ dặn các con như vậy là rất đúng: “Ở nhà lúc này là yêu nước, chú ý thực hiện 5K nhé”. Cô chú cũng rất nhớ gia đình và người thân nhưng cô chú sẽ ở lại đây, tại các chốt kiểm soát này, cùng đoàn kết và hưởng ứng lời kêu gọi cả nước chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta nhất định sẽ đầy lùi và chiến thắng đại dịch COVID-19.
Chúc bé Quang Minh – Ngọc Vân luôn ngoan, học giỏi, vâng lời thầy cô, cha mẹ, các con là những mầm xanh, những nụ hoa tươi mới sẽ tô thắm đất nước Việt Nam mình tươi đẹp hơn.
Cảm ơn các con.
Thân chào bé Quang Minh – Ngọc Vân”
Ngoài bì thư, chú Công an còn gửi lời nhắn rất “cute”: “Lưu ý: Xịt khuẩn trước khi mở ra”.
Bức thư ngọt ngào của hai cháu bé, những dòng “hồi âm” dễ thương của các chú Công an khi diễn biến dịch bệnh phức tạp như một làn gió mát, xua bớt âu lo, tạo thêm năng lượng tích cực để tiến đến ngày đẩy lùi dịch bệnh.
2. Trong quá trình thực thi công vụ phòng, chống dịch, các chiến sỹ CAND đã đón nhận được tình cảm quý mến của người dân. Và cũng trong quá trình này, họ đã có những việc làm, hành động ngoài chức trách, phận sự gây xúc động. Đó là, sáng 14/7, các đồng chí Đội CSGT, Công an huyện Phong Điền (Cần Thơ) đang cùng phối hợp các lực lượng chức năng đảm bảo phòng, chống COVID -19 thì thấy bà cụ lưng còng khó nhọc mang theo túi măng ra chợ bán.
Trung tá Nguyễn Văn Ân và Đại úy Lê Hoàng Nghiệm liền lại hỏi thăm. Khi biết bà cụ 85 tuổi, đi chợ bán măng nhà trồng, lấy tiền mua thuốc, các anh đã mua hết măng, rồi đưa cụ đi mua thuốc và đưa về nhà cách đấy 2km. Hành động ân nghĩa của các anh khi giúp đỡ bà cụ được người dân ủng hộ. Chủ hiệu thuốc đã không lấy tiền khi các anh đưa cụ vào mua; người dân quanh chợ nhìn thấy hình ảnh ấm áp này đã ghi lại, đăng tải trên mạng xã hội…
Cách hành xử của người chiến sỹ CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh trong tình huống gặp phải vào ngày 30/7 khi đang làm nhiệm vụ xử lý người ra đường khi không cần thiết cũng thật đặc biệt. Khi đó, tổ công tác yêu cầu hai người đi xe máy theo hướng TP Hồ Chí Minh – Đồng Nai dừng lại để kiểm tra. Sau khi biết người em trai mới tốt nghiệp đại học đang chờ xin việc, người chị là sinh viên, do chỉ còn 200.000đ, không đủ mua thực phẩm nên họ phải đi xe máy về quê Phú Yên, chiến sĩ CSGT đã xử lý rất có lý, có tình. Anh không phạt họ, giải thích không được đi xe cá nhân về quê mà liên hệ với địa phương để được đưa về, đồng thời anh đã biếu họ 500.000 đồng để chi dùng tạm khi quay lại nhà trọ.
Ngoài các cá nhân là chiến sỹ Công an, tổ công tác riêng lẻ hỗ trợ người dân khi họ gặp khó khăn trong quá trình làm nhiệm vụ, thời gian qua, nhiều tập thể, đơn vị Công an đã chung tay giúp người dân trong mùa dịch. Đó là, Công an tỉnh Bắc Giang hỗ trợ người dân thu hoạch vải đang chín rộ; Công an tỉnh Nghệ An cấy lúa khi cả làng đi cách ly; Công an tỉnh Đắk Lắk tặng xăng cho người dân về quê bằng xe máy… Đây là những việc làm vô cùng đẹp đẽ, nhân ái, để lại ấn tượng tốt trong cộng đồng.
3.Trong cuộc sống thường nhật, đã có nhiều hành động đẹp, nghĩa cử đẹp của người dân, của các tổ chức, doanh nghiệp, người chiến sỹ. Đó là các hoạt động cứu giúp người mắc bệnh hiểm nghèo, học sinh nghèo vượt khó, đồng bào gặp thiên tai, hiến máu nhân đạo. “Lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Những lúc khó khăn, hành động đẹp này càng nhiều và trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 những việc làm chân thiện, tử tế đó càng được nhân lên. Đội ngũ nhân viên y tế cống hiến hết mình vì người bệnh; các tổ chức từ thiện nấu cơm, phát nhu yếu phẩm; các cấp chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang ngày đêm chống dịch... Trong bài viết nhân Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1946 – 19/8/2021), tôi chỉ điểm qua vài câu chuyện, tình huống đẹp mà CBCS Công an trong cuộc chiến chống “giặc COVID” đã làm như một lời chúc mừng gửi đến họ.
Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 8 - Năm thứ ba ở cấp trung học cơ sở, học tập bắt đầu nặng dần, sang năm lại là năm cuối cấp áp lực lớn dần nhưng các em vẫn phải chú ý sức khỏe nhé!
Nguồn : ADMIN :))Copyright © 2021 HOCTAP247