Trang chủ Ngữ văn Lớp 8 Viết bài văn thuyết minh về chiếc nón lá Việt...

Viết bài văn thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam. gợi ý: dàn bài: I. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu chung về chiếc nón lá Việt Nam (vật dụng quen thuộc trong đờ

Câu hỏi :

Viết bài văn thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam. gợi ý: dàn bài: I. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu chung về chiếc nón lá Việt Nam (vật dụng quen thuộc trong đời sống, gắn bó với người dân, gợi lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam,...). II. Thân bài: 1. Hình dáng: hình chóp 2. Cấu tạo của nón lá: - Thân nón: gồm khung có 16 nang vành và phần lá bên ngoài. - Quai nón: dây mảnh buộc qua nón để cố định. 3. Nguyên vật liệu làm nón Việt Nam: - Lá lợp: lá non (lá cọ, lá nón, lá buông, lá cối,...). - Nang nón, vành nón: tre, nứa,... - Vật liệu khâu nón: sợi guộc, dây cước,... - Vật liệu trang trí: nilon, sợi len, tranh ảnh,... - Quai nón: vải lụa, vải nhung, các loại vải khác,... 4. Quy trình làm nón lá: - Xử lí lá: ủi phẳng nhiều lần, phơi khô, làm mềm, cắt tỉa lá... - Làm khuôn: vót tre nứa, uốn cong , tạo dáng, cố định nang,... - Lợp và khâu nón: lắp lá lên khuôn, dùng cước hoặc guộc khâu theo 16 nang vành, ... 5. Công dụng của nón lá: - Che nắng, che mưa. - Trang trí, làm đẹp. - Làm đạo cụ trong văn nghệ, ca múa,... - Thể hiện nét độc đáo riêng trong văn hóa. 6. Ý nghĩa của chiếc nón lá Việt Nam: - Nón lá là vật quen thuộc và có ích cho con người. - Gắn bó với đời sống lao động và đời sống tinh thần của người dân Việt. - Biểu trưng cho nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc. III. Kết bài: Khái quát lại suy nghĩ, nhận định của bản thân về chiếc nón lá Việt Nam (vai trò, giá trị,...). Lời khuyên, lời kêu gọi (gìn giữ nón lá, gìn giữ nét đẹp...).

Lời giải 1 :

Từ bao đời nay, chiếc nón lá là đồ vật quen thuộc của các bà, các mẹ, các chỉ không chỉ có công dụng như một thứ để che chắn nắng hàng ngày mà còn là một món phụ kiện làm tăng thêm nét duyên dáng, nữ tính cho người phụ nữ.

Nói về nón lá, chúng ta đều biết nón lá đã xuất hiện từ rất sớm trong dòng lịch sử của dân tộc, bằng chứng là hình ảnh chiếc nón đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh từ những năm 2000-3000 trước công nguyên. Và đến ngày nay, nón lá vẫn là một sản phẩm thủ công được duy trì tại những làng nghề nổi tiếng như Dạ Lê (Hương Thủy), Đồng Di (Phú Vang), Phủ Cam (Huế). Những nơi này đã trở thành điểm du lịch hút khách cũng chính bởi sản phẩm thủ công tinh tế mà chúng sản sinh ra - nón lá. Nón lá được làm từ lá dừa hoặc lá cọ. Lá dừa phải là lá khô, được xử lí đặc biệt tuy thế người ta vẫn chuộng lá có hơn vì chỉ lá cọ mới tạo nên chiếc nón lá hoàn mĩ nhất. Lá cọ được chọn phải là non vừa với gân lá xanh và màu lá trắng. Sau khi được hơ trên bếp than và phơi sương khoảng 4 tiếng, nón lá sẽ có màu trắng xanh và hiện rõ vân lá màu xanh nhẹ. Tiếp đến công đoạn chằm nón, người thợ phải chằm bằng sợi cước dẻo thật đều tay, sau đó cố định nón bằng nan tre đã uốn khéo thành vòng tròn, cuối cùng cố định chóp nón. Việc còn lại, chỉ cần quét vài lớp dầu bên ngoài lớp lá để nón thêm bóng đẹp và cài thêm dải lụa làm quai đeo để nón thêm duyên dáng là ta đã có một chiếc nón lá thành phẩm hoàn mĩ. Và để giữ gìn sự hoàn mĩ ấy, ta chỉ nên dùng nón khi trời nắng, tránh nước và khi không dùng đến thì để ở những nơi râm mát.

Như đã nói, nón lá vừa có tác dụng che mưa che nắng vừa có tác dụng thẩm mỹ, tô điểm cho vẻ yêu kiều của người phụ nữ. Hình ảnh người nông dân cày sâu cuốc bẫm trên những cánh đồng rộng lớn với chiếc nón lá che ở trên đầu từ lâu đã không còn xa lạ. Hay hình ảnh những người lao động, những dì bán nước cùng ngồi tại gốc đa đầu làng, tay phe phẩy chiếc nón để làm dịu mát những ngày hè oi ả cũng đã vô cùng quen thuộc ở nông thôn xưa. Nay, đất nước hiện đại hơn, chiếc nón ít xuất hiện trong cuộc sống đô thị đời thường nhưng lại đi vào những điệu múa truyền thống, những vở kịch, những câu hát dân ca. T ta còn dùng nón lá để là vật làm duyên cho những chiếc áo dài thướt tha duyên dáng và những bộ áo tứ thân, áo bà ba mềm mại dịu dàng. Không chỉ có vậy, nón lá còn trở thành quà tặng mang đậm truyền thống văn hóa dành cho khách du lịch nước ngoài, trở thành món đồ lưu niệm lưu giữ những nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Thậm chí trong những lần lãnh đạo các nước đặt chân, chiếc nón lá cũng trở thành món quà đầy ý nghĩa thể hiện lòng hiếu khách của người dân Việt Nam.

Bởi những công dụng thiết thực cùng những ý nghĩa vô vùng sâu sắc của chiếc nón lá, ta cần duy trì nghề làm nón và những làng nghề làm nón lâu đời. Bằng cách ấy, ta không chỉ bảo tồn được một vật dụng đẹp đẽ hữu ích mà còn lưu giữ được nét đẹp văn hóa nước nhà.

Thảo luận

-- ko chép mạng

Lời giải 2 :

Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên.
(Bài thơ đan nón- Nguyễn Khoa Điềm)

Từ bao đời nay, cùng với tà áo dài thướt tha- biểu trưng cho vẻ đẹp dịu dàng, đậm chất nữ tính thì chiếc nón lá là hình ảnh truyền thống giúp tăng thêm vẻ đẹp e lệ, đằm thắm cho người phụ nữ Việt Nam. Những gì tinh tế, dịu dàng, chất phác của con người Việt, của văn hóa Việt hiện hữu trong những hình ảnh đó. Bởi vậy, chiếc nón là và tà áo dài mới đi vào đời sống, mới đi vào văn chương, thơ ca một cách tự nhiên đến vậy.

Không ai biết rõ về thời gian ra đời chính xác của chiếc nón lá mà chỉ biết rằng chiếc nón lá đã có mặt từ rất lâu đời trong đời sống văn hóa- tinh thần của người dân Việt Nam. Nhắc đến nón lá, người ta sẽ nghĩ ngay tới mảnh đất mộng mơ, có tà áo dài và nụ cười duyên của cô gái Huế. Huế cũng chính là nơi đã sản sinh ra những làng nghề làm nón từ rất lâu đời và nổi tiếng như làng Đồng Di, Lang dạ Lê, đặc biệt là làng nón Phủ Cam. Chiếc nón lá còn là một biểu tượng lịch sử lâu đời, được ưu ái khắc trên một số hiện vật lịch sử quý báu như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn.

Một chiếc nón lá của các bà, các mẹ sẽ có hình chóp nhọn. Cấu tạo của một chiếc nón lá gồm ba phần đó là vành nón, chóp nón và quai nón. Chóp nón chính là phần nhô cao lên hình tròn, tạo nên một khuôn đứng hình chóp, tiếp theo là phần thân nón với sự đan xen của nhiều lớp lá khác nhau và các vòng nan nón tạo nên những vòng tròn có đường kính to dần xuất phát từ chóp nón. Phần thứ ba là phần vô cùng quan trọng đó là phần quai nón, phần quai nón thường được làm bằng một sợi vải nhung có kích thước vừa phải để buộc từ bên này sang bên kia, giúp giữ chắc nón trên đầu người đội để không bị rơi xuống dù trong bất kì hoạt động nào của người sử dụng.

Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam

Có bao giờ bạn thắc mắc rằng để làm ra những chiếc nón lá đẹp và bền thì người nghệ nhân cần sử dụng những nguyên liệu gì và những công đoạn để làm nên những sản phẩm tinh tế đó như thế nào hay chưa? Vâng, người ta thường bảo làm ra một chiếc nón lá cần cả một tấm lòng, tâm huyết của người nghệ nhân là hoàn toàn chính xác. Bởi từ công đoạn tuyển chọn nguyên liệu làm nón cũng cần rất nhiều sự tỉ mỉ, kỳ công.

Người nghệ nhân phải tỉ mỉ chọn những chiếc lá cọ có màu xanh, bóng bẩy, có nổi gân để lợp nón , những cây nứa rừng làm vòng nón cho dẻo và bền. Ngoài ra còn có dây cước, sợi guột để khâu nón cho thật chắc. Thêm vào đó để tô thêm nét đẹp, độ thẩm mĩ cho chiếc nón lá là ni lông, sợi len, tranh ảnh trang trí lên thân nón.
Để làm một chiếc nón lá phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công tinh tế, trải qua bàn tay khéo léo, sự tâm huyết của những người nghệ nhân làm nón. Để cho ra những chiếc nón lá bền và đẹp mắt, người thợ phải lấy từng chiếc lá nón, làm cho phẳng, xếp lớp từ 24-25 lá một lớp rồi xếp trên khuôn nón.

Sau đó, làm 16 vòng nón bằng cật nứa, chuốt thật tròn và đều để cho thật dẻo. Tiếp theo đến công đoạn khâu nón, những chiếc lá được đặt lên khuôn, dùng sợi cước khâu theo 16 vòng để hoàn thành sản phẩm. Khâu xong phải hơ nón bằng hơi diêm sinh cho những sợi cước bám thật chắc vào thân nón. Và những chiếc nón sau khi được hoàn thành còn được các nghệ nhân quét một lớp dầu bóng để làm tăng độ bền và độ thẩm mỹ cho người sử dụng . Có thể kể đến các làng nghề, khu vực làm nón nổi tiếng ở Việt Nam: Huế, Quảng Bình có các làng nón nổi tiếng: làng Chuông – Hà Tây, làng nón Phủ Cam ở Huế.

Chiếc nón lá là một vật dụng giúp che nắng, che mưa và tô điểm cho nét đẹp người phụ nữ Việt Nam thêm đằm thắm, dịu dàng. Chiếc nón lá còn có thể dùng để múa hát trong những bài dân ca Bắc Bộ hay những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Những du khách nước ngoài khi đến với đất nước Việt Nam xinh đẹp thường bị thu hút, ấn tượng bởi hình ảnh người con gái Việt Nam duyên dáng, dịu hiền trong tà áo dài thướt tha và chiếc nón lá.

Có thể nói rằng chiếc nón lá có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống lao động của người nông dân Việt Nam, chúng ta không khó để bắt gặp các bà, các mẹ đội trên đầu những chiếc nón lá để đi ra đồng mỗi buổi sáng tinh mơ, nó giúp che mưa, che nắng và tiện lợi bởi sự nhỏ gọn và có độ nhẹ vừa phải khi đội trên đầu.

Hơn thế nữa đối với đời sống văn hóa tinh thần, nón lá còn là một biểu tượng đặc trưng giúp làm tôn lên nét đẹp dịu dàng, e lệ, thướt tha của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc nón lá cùng với tà áo dài thướt tha đã đưa nét đẹp Á Đông đi xa hơn tới khắp nơi trên thế giới, mà cho dù ở nơi đâu, phương trời nào, mỗi khi thấy hình ảnh người phụ nữ trong tà áo dài cùng chiếc nón lá, hai chữ “Việt Nam” lại được ngân vang thật trìu mến.

Ngày nay cho dù đã có rất nhiều vật dụng che nắng, che mưa như mũ bảo hiểm, mũ vành hay ô ra đời dần dần có thể thay thế cho nón, nhưng hình ảnh chiếc nón lá vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa- tinh thần của người Việt Nam. Nón lá đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của đất nước Việt Nam xinh đẹp, một biểu tượng dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ Á Đông.

Chúc bạn học tốt .

Bạn có biết?

Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.

Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự 8

Lớp 8 - Năm thứ ba ở cấp trung học cơ sở, học tập bắt đầu nặng dần, sang năm lại là năm cuối cấp áp lực lớn dần nhưng các em vẫn phải chú ý sức khỏe nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Copyright © 2021 HOCTAP247