Từ cội nguồn sinh dưỡng , nhà thơ đã mượn lời nói với con để tái hiện truyền thống quê hương qua hình tượng người đồng mình . Ở đây, người cha hiện lên như một cầu nối giữa truyền thống quê hương với con . Mỗi nét truyền thống của người đồng mình đều là một phẩm chất mà con cần tiếp nối .
Trước hết ,cha mong con tiếp nối truyền thống nhẫn nại,bền lòng vì chí lớn của con người quê hương:
Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc.
Không gian sống của người đồng mình là trên đá, trong thung, điều kiện sống còn nghèo đói, cực nhọc nhưng cũng vì thế mà họ càng khẳng định được bản lĩnh sống của riêng mình . Hai câu thơ Cao đo nỗi buồn và Xa nuôi chí lớn ngắn gọn, nhịp điệu dứt khoát diễn tả tính cách,tầm vóc của con người quê hương: luôn vượt lên trên mọi nỗi buồn để nuôi chí lớn . Từ phẩm chất này, người cha tâm sự : Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn . Có nghĩa là, hoàn cảnh sống sau này có thể thay đổi,mọi chuẩn mực của ngày hôm qua có thể không thích hợp với hôm nay và ngày mai nhưng người cha vẫn muốn con mình kế tiếp truyền thống cha ông, bền lòng nuôi chí . Dẫu quê hương còn nghèo nhưng Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói . Điệp ngữ" không chê" nhẹ nhàng mà sâu nặng, đó là lời nhắn nhủ với con về đạo lí ân nghĩa thủy chung . Chưa hết,cha còn mong muốn con Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh . Sông, suối vừa là biểu tượng của sự trong sáng, vừa là biểu tượng của sức mạnh; thác ghềnh là biểu trưng cho những gian nan trong đời . Cha mong con Sống như sông như suối cũng là muốn con luôn sống trong sáng,mạnh mẽ trong bất cứ hoàn cảnh nào,dẫu làm sao thì con vẫn cứ nuôi chí lớn, bình thản đối mặt với mọi thử thách trong đời mà Không lo cực nhọc.
Sau nữa, người cha mong con hãy tiếp nối ý chí,nghị lực của người đồng mình để tự tin bước vào đời:
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
Những câu thơ này lại diễn tả nét đẹp khác của người đồng mình . Họ có thể thô sơ da thịt, nghĩa là mộc mạc, giản dị nhưng về ý chí,nghị lực thì chẳng mấy ai nhỏ bé . Những con người sống trên đá ấy đã bằng chính sức lực của mình, tự đục đá kê cao quê hương . Cũng chính những con người ấy đã làm ra phong tục để tạo cho cộng đồng mình có một gương mặt riêng, không lẫn với ai . Vậy thì, để sống xứng đáng với truyền thống ấy,khi bước vào đời,con cũng Không bao giờ nhỏ bé được / Nghe con . Đó là những câu kết ngắn gọn và chắc nịch, cũng là lời giáo huấn nghiêm khắc, là niềm hi vọng tha thiết mà người cha dành cho con .
Bài thơ có nhan đề Nói với con nhưng một đứa trẻ chập chững tập đi chắc chắn chưa thể hiểu được những điều mà người cha tâm sự trong đó . Vì thế, nói với con cũng là lời nhà thơ tự hứa với chính mình về sự thủy chung,ân nghĩa với quê hương . Đồng thời, nói với con cũng là lời tâm sự mà nhà thơ muốn gửi gắm ở các thế hệ mai sau ý thức bảo tồn, bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống - những giá trị mà cuộc sống hiện đại dễ làm phai nhạt nếu con người không có ý thức xây đắp và vun trồng.
Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!
Nguồn : ADMIN :))Copyright © 2021 HOCTAP247