AN DƯƠNG VƯƠNG
Kho tàng truyện dân gian Việt Nam là nơi đúc kết kinh nghiệm cũng như lưu giữ những giá trị lịch sử, đặc biệt là thể loại truyền thuyết. Ở thể loại này, chúng ta không thể không nhắc tới truyền thuyết "An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy". Bởi đây là một câu chuyện nhắc nhở chúng ta bài học về dựng nước và giữ nước. Không chỉ vậy, nó còn giúp chúng ta tìm hiểu về một vị vua anh minh, tài đức, có tầm nhìn xa trông rộng - An Dương Vương.
An Dương Vương là vị vua có công xây dựng và lập ra đất nước Âu Lạc. Suốt cả cuộc đời của mình, ông đã tạo dựng được những điều lớn lao mà không phải ai cũng có thể làm được. Thế nhưng, vì một chút tự tin thái quá, tin tưởng người con rể - nội gián - con trai của kẻ thù, cùng với sự tự phụ, tự mãn, ông đã khiến sự nghiệp cả đời mình dựng lên sụp đổ và cũng làm tan vỡ cả hạnh phúc của gia đình.
Trước hết, ta thấy ở An Dương Vương là một vị vua có tài có đức, biết trọng dụng người tài, biết nhìn xa trông rộng, có tài thao lược nên nhận được sự ủng hộ của muôn dân và cả thần linh. Nói ông là một vị vua có tài bởi vì chính ông là người đã gây dựng sự nghiệp của mình bằng việc lập ra đất nước Âu Lạc - đất nước mà do ông làm chủ. Mặc dù có nhiều người tài trong xã hội lúc bây giờ nhưng liệu mấy ai có đủ chí khí, tài năng mà đứng lên lãnh đạo để lập ra một đất nước của riêng mình? Nếu không có tài thao lược dẫn dắt, có đức năng hợp lòng dân thì liệu có thể xây dựng được cho mình một đế chế riêng như vậy chăng?
Không chỉ vậy, ông còn tỏ ra là một vị vua có tầm nhìn xa trông rộng. Bởi khi đó, nước ta chỉ là một vương quốc nhỏ ở phía Nam, thường xuyên bị các cường quốc bên cạnh nhòm ngó. Chính vì vậy, ông đã tìm kiếm một vùng đất để xây dựng một thành trì vững chãi chống lại quân thù. Nơi vùng đất ông chọn là vùng Phong Khê, Đông Anh ngày nay, ông lệnh cho quân lính của mình xây dựng một thành trì vững chắc có hình xoáy ốc, bên ngoài đào hào sâu, nhằm chống lại những cuộc tấn công của kẻ thù. Ngoài ra, ông cũng luôn chuẩn bị vũ khí (nỏ thần) để nghênh chiến kẻ thù bất cứ lúc nào. Nếu như không phải là một vị vua anh minh, biết nhìn xa, thì liệu An Dương Vương có thể có được những quyết định đúng đắn như vậy hay không?
Hơn thế, An Dương Vương còn là một người luôn có lòng kiên trì, quyết tâm hoàn thành công việc, dù việc đó có khó khăn đến thế nào đi nữa. Tương truyền, An Dương Vương cho "xây thành ở đất Việt Thường, nhưng hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy", "xây nhiều lần những cứ bị sập đổ, tốn nhiều công sức". Thế nhưng, không nản lòng, ông vẫn tiếp tục cho xây dựng thành trì trên mảnh đất ấy. Nếu như là một người dễ dàng nản chí, chịu thất bại thì liệu sau bao nhiêu lần sập đổ, "tốn nhiều công sức mà không thành", liệu ông có tiếp tục cho xây dựng thành trì tại đó nữa hay không? Phải nói rằng, đây là một vị vua có chính kiến, có lòng kiên trì với công việc chung của đất nước, có trách nhiệm, lo lắng cho an nguy của đất nước. Chính vì thế, ông luôn kiên trì tới cùng với những quyết định của mình và thực hiện tới cùng quyết định ấy.
Không chỉ là một người có lòng quyết tâm sắt đá, ông cũng là người luôn biết trọng dụng người tài, biết trọng kẻ sĩ trong xã hội. Khi xây thành nhiều lần không được, ông đã cho người lập đàn cầu đảo mong thánh thần sẽ tới phù hộ cho công việc của mình. Thế nhưng vẫn không có kết quả, cho tới khi có một cụ già từ phương tây tới cửa thành mà than rằng: " Xây dựng thành này biết bao giờ mới xong được?". Chính vì câu nói này, nhà vua đã vội đón cụ vào trong điện, "vái mà hỏi rằng". Nếu không nặng lòng với non nước, quyết tâm với công việc của mình, trọng người tài giúp ích cho việc nước thì liệu ông - một nhà vua trên cao có phải cúi mình vái một ông già xa lạ hay không? Không chỉ vậy, sau khi nghe tin sẽ được thánh thần giúp đỡ, ông đã thức dậy "chờ đợi" ở cửa đông. Thân là một vị vua trên cao nhưng luôn hết lòng vì dân vì nước. Đến khi gặp được Cao Lỗ, là một thợ làm cung tiễn giỏi, ông cũng đã đón vào cung, dành cho Cao Lỗ vị trí đặc biệt, giao cho việc chế tạo nỏ thần, cùng giúp ông việc nước. Phải nói, An Dương Vương là một vị vua tài đức, luôn sẵn lòng trọng dụng người giúp ích cho đất nước.
Ông cũng là vị vua có tinh thần cảnh giác cao độ, có ý chí chiến đấu mạnh mẽ cùng tài chỉ huy thao lược, luôn chuẩn bị sẵn sàng cho việc chiến đấu chống kẻ thù. Chính vì vậy, nhiều lần Triệu Đà ở phương Bắc mang quân đánh chiếm Âu Lạc đều bị An Dương Vương đánh bại. Đó chính là kết quả từ việc xây dựng Loa thành kiên cố cùng với việc có tinh thần cảnh giác cao độ và vũ khí sẵn sàng.
Tóm lại ta thấy rằng, An Dương Vương là một vị vua anh minh, có tài thao lược, có tinh thần trách nhiệm cao với đất nước, đồng thời luôn có lòng cảnh giác cao độ với kẻ thù. Chính vì những phẩm chất đó, ông đã được sự ủng hộ của nhân dân và cả thần linh trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước của mình.
Thế nhưng, sau chiến thắng trước kẻ thù mạnh, có được thành trì Loa thành vững chãi cùng vũ khí lợi hại, ông đã mắc phải những sai lầm quan trọng khiến cho mình rơi vào cảnh nước mất nhà tan. Đó là sự tự phụ và mất cảnh giác với kẻ thù. Như chúng ta thấy rằng, sau chiến thắng với Triệu Đà, An Dương Vương đã ngày càng trở nên tự phụ. Ông coi mình có "nỏ thần", một lần bắn ra trăm mũi tên, khiến cho quân giặc khiếp hãi thì chúng sẽ không tấn công Âu Lạc nữa. Chính sự tự phụ ấy đã khiến ông phải trả một cái giá đắt: Đất nước rơi vào tay kẻ thù, gia đình phải ly tán đau đớn. Ông luôn cho rằng có nỏ thần thì quân địch sẽ không dám tiến đánh Âu Lạc mà không hề nghi ngờ, cảnh giác được âm mưu thâm hiểm của kẻ thù. Đến khi quân địch tới chân Loa thành, ông vẫn tự phụ cho rằng: " Đà không sợ nỏ thần hay sao?" mà không hề biết rằng nỏ thần đã bị con rể đánh tráo.
Cũng chính vì lòng tự phụ, tự mãn ấy của bản thân mình, An Dương Vương đã lơi lỏng cảnh giác. Ông đã chấp nhận dễ dàng lời cầu hòa của Triệu Đà mà không hề nghi ngờ âm mưu mà hắn dựng lên phía sau đó. Hơn thế, ông còn chấp nhận gả con gái của mình cho con trai của kẻ thù và còn để hắn ở rể tại Loa thành. Có lẽ sự tự tin thái quá trước kẻ thù, sự mất cảnh giác, những sai lầm liên tiếp ấy chính là những nguyên nhân gây ra sự đại bại của Âu Lạc. An Dương Vương đã mất cảnh giác, lơi lỏng tới mức uống say để kẻ thù có cơ hội đánh tráo cả báu vật quốc gia. Ông đã quá tin tưởng con rể vốn là con trai của kẻ thù mà gây ra thảm kịch cho cả Âu Lạc.
Đến khi nhận ra tình thế không thể cứu vãn, bị giặc đuổi giết, An Dương Vương cũng chỉ biết đường trốn tránh mà không dám suy xét, đương đầu với kẻ thù. Sự tự mãn, tự phụ đã khiến ông mất đi tất cả! Nó khiến ông không nhận ra được mưu kế cũng như không đánh giá đúng thực lực của kẻ thù để rồi phải nhận lấy thất bại nặng nề. Cũng chính sai lầm to lớn ấy của ông khiến ông phải chính tay mình giết chết con gái ruột - người thân ruột thịt của mình. Đây là một hình phạt đau đớn nhất mà ông phải nhận khi đã buông lỏng cảnh giác với kẻ thù, gây nên những cảnh lầm than cho vương quốc. Dù sau này, ông được thần Kim Quy cứu rồi cầm sừng tê tê rẽ nước xuống biển rồi biến mất. Nhưng sự bất tử đó của ông lại đánh dấu sự kết thúc của đất nước Âu Lạc.
Tóm lại ta có thể thấy ở đây, An Dương Vương hiện lên là một vị vua thông thạo việc trị nước, có lòng thương dân, có tài có đức, là một vị vua anh minh sáng suốt. Thế nhưng chỉ vì một phút lơi lỏng cảnh giác với kẻ thù đã khiến ông mất đi tất cả, kết thúc một triều đại do ông dựng xây lên. Đó là bài học to lớn mà ông cha ta muốn truyền lại cho con cháu thời sau: Phải luôn cảnh giác trước kẻ thù xâm lược.
Kết thúc câu chuyện là cái chết của con gái An Dương Vương - Mị Châu. Đó là một kết thúc buồn nhưng đó là hình phạt thích đáng dành cho An Dương Vương khi chính ông đã tự tay đánh mất đất nước của mình. Bằng hình ảnh đi vào bất tử của ông, nhân dân muốn bày tỏ lòng thương tiếc với vị vua tài giỏi, đã có công dựng xây và bảo vệ đất nước, non sông.
NHÂN VẬT TẤM
rong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện cổ tích hay, để lại nhiều bài học sâu sắc và ý nghĩa cho con người về đạo lý, tình người, về phong cách sống, những quan niệm về thiện luôn luôn chiến thắng cái ác, hướng con người đến chữ "thiện" cao đẹp. Truyện Tấm Cám là một trong số những tác phẩm như thế, nhân vật cô Tấm là điển hình cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, vừa đẹp người lại đẹp nết, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn giữ được tính cách nhân hậu, đảm đang, chính vì thế nàng đã có được hạnh phúc sau cùng.
Cuộc đời của cô Tấm được chia ra làm hai phần chính là trước khi vào cung làm hoàng hậu và sau khi vào cung làm hoàng hậu. Và trong cả hai quá trình áy cô Tấm đều gặp rất nhiều khó khăn, vất vả do bàn tay độc ác của mẹ con nhà Cám gây nên. Tấm từ nhỏ đã gặp nhiều bất hạnh, vốn sinh ra trong môt gia đình không mấy khá giả, mẹ mất từ khi Tấm còn nhỏ xíu, cha lại cũng không thương yêu mà vội đi lấy vợ khác, sinh thêm cho Tấm một đứa em là Cám. Kể từ đây cuộc đời Tấm bắt đầu bước vào chuỗi ngày cực khổ không tả xiết, đặc biệt là từ khi cha mất, dì ghẻ lại càng được nước lấn tới hành hạ Tấm, bắt Tấm làm những công việc đồng áng nặng nhọc, còn bản thân mẹ con họ thì ăn trắng mặc trơn.
Tấm trở thành người ngoài ngay trong chính căn nhà của mình, thật bất hạnh biết bao. Thế nhưng Tấm là người chịu thương chịu khó, rất ngoan ngoãn nghe lời mẹ kế, chăm chỉ làm việc, dần dần trưởng thành, trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. lại nết na, đảm đang. Còn ngược lại Cám chỉ biết lười biếng, lại còn hay ghen ghét với chị dù được sống sung sướng. Trong truyện những mâu thuẫn đầu tiên của Tấm và Cám bắt nguồn từ việc dì ghẻ sai hai chị em đi xúc tép, ai xúc được nhiều thì dành cho cái yếm đỏ. Các cô gái trẻ thời xưa thì được cái yếm mới có màu sắc sặc sỡ như thế thì thích lắm, một người vốn hiền lành chẳng tranh giành như Tấm cũng vô cùng ao ước có được cái yếm đỏ ấy. Thế nên Tấm ra sức cần mẫn xúc thật nhiều tép, chẳng mấy chốc mà Tấm đã đầy giỏ, ngược lại cô Cám vì lười lại thêm không khéo léo nên chẳng xúc được con nào. Nhưng vốn là con người láu cá, ranh ma biết tỏng Tấm là người thật thà, lương thiện nên Cám đã lừa Tấm đi gội đầu để trút hết cả tép của Tấm, rồi về và chiếm lấy cái yếm đỏ, theo lô gic thông thường chắc chắn bà dì ghẻ biết được việc làm của Cám nhưng vẫn mắt nhắm mắt mở bởi Cám là con ruột của bà ta, mà có khi cho dù Tấm có mang được giỏ tép về thật thì chưa chắc đã có được cái yếm. Chung quy lại tấm lòng thật thà chất phác của Tấm thật phí phạm cho mẹ con nhà này. Ngược lại cô Tấm sau khi phát hiện mình bị lừa, thì bất lực chỉ biết ngồi khóc mà không thể làm gì hơn, bởi cô hiểu quá rõ hai mẹ con nhà Cám, chắc chắn cô không thể đòi lại công bằng cho mình và lâu dần những chuyện như này đã trở nên quen thuộc với Tấm, Tấm chỉ biết nhẫn nhịn, cô khóc vì thương tấm thân mình bất hạnh, khổ sở chứ không phải vì không được cái yếm đỏ.
Nhưng có lẽ thấu hiểu được tấm lòng của Tấm, nên trời đã phái Bụt xuống chỉ cho Tấm đem con cá bống về nuôi. Mặc dù không biết nuôi để làm gì nhưng với lòng tin vào sự nhân hậu của Bụt, niềm yêu thương động vật, con cá Bống như là niềm an ủi nhỏ nhoi cho sự bất hạnh của Tấm, giúp Tấm nguôi ngoai nỗi buồn và có thêm một người bạn tâm tình mỗi khi Tấm bế tắc. Dù chỉ là một chú cá nhỏ nhưng Tấm dành cho nó rất nhiều tình yêu thương, tựa như đứa em của mình vậy, Tấm vốn không được yêu thương, nên phần cơm ăn cũng ít, nhưng nàng vẫn chia nửa số cơm của mình để chăm Bống, chính vì vậy Bống lớn nhanh như thổi. Những tưởng Bống sẽ theo Tấm bầu bạn mãi mãi, nhưng không ngờ mẹ con Cám đã sớm theo dõi Tấm từ lâu, đang tâm lừa Tấm đi chăn trâu ở đồng xa, rồi ở nhà giết thịt cá Bống. Xét kỹ hai mẹ con Cám không phải chỉ vì ham ăn thịt con cá Bống mà tất cả chỉ vì xuất phát từ lòng ghen ghét đố kỵ, đang tâm hành hạ tinh thần Tấm, nên mới giết đi vật nuôi của nàng, thật sự rất đáng ghét. Cô Tấm thật thà nghe lời đi làm lụng vất vả, tối về thì lại phát hiện cá đã chết, chỉ còn lại cục máu nổi lềnh phềnh dưới giếng, đây quả thực là cú sốc tinh thần cho Tấm, bởi bấy lâu nay Tấm yêu thương chăm bẵm Bống như người thân ruột thịt vậy mà giờ nó lại bị giết hại một cách tàn nhẫn. Cũng như mọi khi Tấm lại gục mặt xuống khóc nức nở, Bụt hiện ra chỉ cho Tấm nhặt lấy xương của Bống bỏ vào lọ chôn ở chân giường. Tấm không hiểu tại sao lại làm vậy, nhưng cô cũng không hỏi mà chỉ lẳng lặng làm theo, một phần vì xót thương Bống, một phần có lẽ Tấm cũng hiểu được rằng lời của Bụt ắt có huyền cơ, không nên tò mò quá nhiều, tò mò sẽ hại chết con mèo. Điều đó càng chính tỏ Tấm là con người ngay thẳng, hiền hòa, một lòng tôn kính và tin tưởng thần phật.
Chính vì tấm lòng lương thiện, tinh thần chịu thương chịu khó nhưng lại gặp phải nhiều trớ trêu bất hạnh, nên cuối cùng Tấm cũng đã được đền đáp. Ngày Vua mở hội chọn Hoàng hậu, Tấm bị ép ở nhà nhặt đậu, lúc này đây thâm tâm người thiếu nữ vừa bất lực vì một công việc lạ lùng ắt chỉ để hành hạ nàng, vừa đau khổ vì đến cả quyền mưu cầu hạnh phúc như những cô con gái khác nàng cũng không có được. Nàng lại gục đầu xuống khóc, Bụt lần nữa hiện ra, sai chim giúp nàng nhặt đậu chỉ nàng đào xương cá lấy đồ đẹp mặc đi dự hội. Ôi thế hóa ra bao nhiêu công sức của Tấm bấy lâu nay cuối cùng cũng đã được đền đáp, Tấm cuối cùng cũng có một lần hạnh phúc rồi. Như ý nguyện Tấm được vua chọn vào cung trở thành mẫu nghi thiên hạ, vua cũng hết lòng yêu thương Tấm vì nàng vừa đẹp người lại đẹp cả nết.
Sau khi đã trở thành hoàng hậu, cuộc đời Tấm đã bước sang một trang mới, nhưng nàng vẫn giữ được cho mình những đức tính tốt đẹp vô cùng, đặc biệt là tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ. Ngày giỗ cha, mặc dù có thể để kẻ hầu người hạ hái cau để cúng, nhưng nàng vẫn tự mình trèo cây để tỏ lòng thành. Đáng tiếc thay tấm lòng ấy của Tấm lại bị chính mẹ con Cám lợi dụng mưu hại Tấm, nhằm thay thế vị trí của Tấm trong cung. Một điểm mới lạ ở nhân vật Tấm là sau khi trở thành hoàng hậu và chết đi, dường như sự mạnh mẽ trong ý thức của Tấm mới có cơ hội thực sự sống dậy. Tấm không còn là người con gái chỉ biết ôm mặt khóc khi gặp khó khăn mà đã trở nên mạnh mẽ, sẵn sàng trả thù, đòi lại công bằng khi bị kẻ khác hãm hại. Tiêu biểu là việc hóa thành chim vàng anh làm bạn với vua, khiến vua yêu thích không rời, mà bỏ mặc Cám, sau đó lại mọc thành cây xoan đào đẹp đẽ, vua yêu thích mắc võng nằm nghỉ ngơi, khiến Cám đố kị không thôi. Đến khi cây bị chặt làm khung cửi, hồn Tấm vẫn hiện về cảnh cáo, đe dọa Cám rằng: "Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị chị khoét mắt ra". Cám sai người đốt khung cửi chỗ tro than đó lại mọc thành cây thị, cây thị có độc một quả, quả ấy là hóa thân của nàng Tấm, như vậy sức sống của nàng Tấm mãnh liệt, không ngừng nghỉ dù nhiều lần bị Cám tàn ác ra tay trừ khử, nhưng cuối cùng nhờ tấm chân tình, sự kiên trì mạnh mẽ, Tấm và hoàng thượng vẫn nhận ra nhau nhờ miếng trầu têm cánh phượng xinh đẹp.
Cuối truyện có nhiều người nhận xét rằng, thực ra Tấm cũng không phải là người nhân từ gì cho cam, cũng độc ác khi cho người dội nước sôi xử chết Cám, một số kết khác thậm chí Tấm còn sai người lấy thịt Cám làm mắm cho dì ghẻ ăn để trừng phạt. Qủa thực đó là những việc vô cùng tàn nhẫn, nhưng xét vào bối cảnh thời phong kiến, việc ra tay trừng trị như vậy là hoàn toàn có thể, đặc biệt Cám đã gây ra biết bao tội lỗi với Tấm, biết bao lần hành hạ trù dập, thậm chí là giết cả chị, rồi tranh cả chồng của chị. Xét về đạo đức quả thật Cám là người vô sỉ, tội chồng tội, bị chết cũng đáng lắm. Nếu như cô Tấm tiếp tục nhân từ không xử chết Cám, thì biết đâu một ngày nào đó người phải chết lại chính là nàng, Tào Tháo từng có câu rất kinh điển: "Nhân từ với kẻ thù chính là tàn nhẫn với bản thân", quả đúng trong trường hợp này.
Như vậy cô Tấm là tổng hòa của những vẻ đẹp và phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, nhân hậu, hiếu thảo, chịu thương chịu khó, nhẫn nhịn. Sau khi trải qua nhiều sóng gió từ một cô gái yếu đuối ngây thơ Tấm đã vùng lên chống lại cái ác, với sức sống mãnh liệt, tình cảm thủy chung son sắt với hoàng thượng. Đồng thời sẵn sàng ra tay trừng phạt kẻ thủ ác. Câu chuyện nhằm hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, răn dạy con người về việc "gieo nhân nào gặp quả ấy", cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác, hướng con người ta sống với những phẩm chất tốt đẹp, tránh xa thói vị kỷ, ghen ghét đố kỵ và ám hại lẫn nhau trong xã hội.
Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 10 - Năm thứ nhất ở cấp trung học phổ thông, năm đầu tiên nên có nhiều bạn bè mới đến từ những nơi xa hơn vì ngôi trường mới lại mỗi lúc lại xa nhà mình hơn. Được biết bên ngoài kia là một thế giới mới to và nhiều điều thú vị, một trang mới đang chò đợi chúng ta.
Nguồn : ADMIN :))Copyright © 2021 HOCTAP247