Nhắc tới cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt trên mảnh đất chữ S dân tộc ta, nếu như Phạm Tiến Duật khắc họa bức tranh lịch sử hiện lên nổi bật với những chiếc xe không kính anh dũng băng băng vượt qua bom rơi, thì nhà văn Lê Minh Khuê lại mang tới cho bạn đọc một nét vẽ mới mẻ về con người lịch sử. Đó những cô thanh niên xung phong phá bom mìn không ngại nguy hiểm trong truyện ngắn "NNSXX", nổi bật là nhân vật Phương Định.
Lấy cảm hứng từ sự ca ngợi những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn thời kì kháng chiến chống Mĩ, tác phẩm được sáng tác năm 1971 - những ngày tháng kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất. Trong tác phẩm, hình ảnh những nữ thanh niên xung phong là nhân vật trung tâm và tỏa sáng trong bức trang kháng chiến chống Mỹ khói lửa. Nổi bật là Phương Định - cô gái Hà Nội làm ở tổ trinh sát mặt đường. Phương Định là một cô gái HN, vốn được sống trong không gian thanh bình yên ả. Tuy nhiên cô gái trẻ vừa rời ghế nhà trường đã tình nguyện xung phong tham gia chiến trường với bao mơ ước và khát vọng thời trẻ.
Trước hết, cô là một cô thanh niên dũng cảm và gan góc, đảm nhiệm một vị trí vô cùng vất vả và nguy hiểm. Cô thuộc tổ trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn. Cô nói về công việc của mình: “Việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Đó là những công việc hết sức nguy hiểm nhưng được cô nói gọn gàng, nhẹ như không, giản dị mà cũng thật anh hùng. Công việc ấy có đủ gian khổ và nguy hiểm, nhưng với Phương Định, được sống và chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc, cô coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và là niềm hạnh phúc của tuổi trẻ. Với công việc căng thẳng, nguy hiểm tới mức “thần kinh căng như chão”, “ tim đập bất chấp cả nhịp điệu”, cô luôn quả cảm, kiên cường, sục sôi lòng yêu nước, đề cao tinh thần trách nhiệm và quên mình vì nhiệm vụ. Phương Định - một cô gái dũng cảm, gan dạ, đối đầu với nguy hiểm mà không hề chùn bước. Nguy hiểm lắm, căng thẳng lắm, vậy mà cô vẫn bình tĩnh, thao tác cẩn trọng, tỉ mỉ, thành thạo theo đúng mệnh lệnh chỉ huy của chị Thao. Chờ quả bom nổ: đây là giây phút căng thẳng nhất. Và trong cô còn có thêm sự lo lắng: nhỡ thuốc mìn không nổ phải chôn lại lần thứ hai trong khi quả bom. đang nóng lên. Nguy hiểm nhân lên nhiều lần. Trong cô đã nghĩ tới cái chết nhưng rất mờ nhạt, chưa bao giờ cái chết trở thành nỗi ám ảnh đến mức cô phải lo lắng, phải trằn trọc. Vì với cô, dù phải hi sinh cô cũng quyết tâm phá bằng được quả bom, cô đã đặt mục đích hoàn thành nhiệm vụ phá bom lên trên cả tuổi xuân, trên cả mạng sống của mình.
Dù gan góc, bản lĩnh, không hề run sợ trước thần chết, nhưng cô cũng là một cô gái trẻ trung và đầy nữ tính. Là cô gái Hà Thành trẻ trung, xinh đẹp, Phương Định mang những nét đẹp duyên dáng, yêu kiều: “một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”; “hai bím tóc dài, mềm mại”; “đôi mắt dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng”, “cái nhìn xa xăm”... Vẻ đẹp của Phương Định đã cuốn hút bao chàng trai, chính cô thừa nhận “Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm tôi...”. Cô cũng có cách cư xử rất ý nhị, kín đáo, kiêu kì của con gái Hà Thành. Phương Định nhạy cảm, biết mình được nhiều anh lính để ý nhưng cô chưa dành tình cảm cho ai, cô không săn sóc vồn vã như những cô gái khác. Vào chiến trường, sống ở nơi cái chết luôn cận kề nhưng lúc nào Phương Định cũng giữ vẹn nguyên những nét đẹp trong sáng của những cô gái mới lớn. Cô thích làm duyên, làm điệu ngay giữa cuộc sống chiến trường khốc liệt, thích ngắm mắt mình trong gương, thích ngồi bó gối mơ màng... Cô thích hát, hay hát, tự bịa cả ra lời hát, hát trong mọi khoảnh khắc như chưa bao giờ nghe thấy bom rơi, đạn nổ:Giữa nơi bom đạn chiến tranh, ở nơi cao điểm khốc liệt, Phương Định lạc quan hát ca để quên đi những căng thẳng và thêm yêu đời, tiếp thêm động lực chiến đấu. Tiếng hát của cô át tiếng bom, át cả đau thương, gian khổ hiểm nguy. Đó là biểu hiện của tinh thần lạc quan, yêu đời và niềm tin yêu cuộc sống.
Phương Định hoạt động nơi chiến trường bên những người đồng đội thân thiết là Nho và chị Thao. Tình đồng chí đồng đội ấm áp nở hoa nơi chiến trường khói lửa. Cô yêu mến, khâm phục tất cả những chiến sĩ cô gặp đêm đêm trên mỗi bước đường ra trận. Cô coi họ là thần tượng, là những người dùng cảm, thông minh và can đảm nhất: “Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.” Họ là động lực tiếp cho cô sức mạnh mỗi khi làm nhiệm vụ phá bom. Đồng hành gần nhất cùng cô đó là hai nữ thanh niên xung phong - Nho và chị Thao. Phương Định tinh tế nhận ra tính cách riêng, vẻ đẹp riêng của từng đồng đội, cô luôn quan tâm, thấu hiểu, lo lắng, chăm sóc chu đáo cho đồng đội khi họ bị thương hay gặp nguy hiểm giống như tình cảm, sự quan tâm của những người thân trong gia đình.
Như vậy, với ngòi bút miêu tả tài hoa và việc xây dựng tình huống truyện, ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, truyện ngắn đã xây dựng hình ảnh nữ thanh niên xung phong Phương Định tỏa sáng với tinh thần trách nhiệm và lý tưởng sống chiến đấu. Phương Định với lý tưởng sống làm ta liên tưởng tới ngòi bút Nguyễn Thành Long với ngòi bút xây dựng nhân vật trung tâm - anh thanh niên. Anh thanh niên cống hiến cả tuổi xuân của mình làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m. Là người sống có lí tưởng, có cống hiến cho sự phát triển của đất nước và cống hiến một cách thầm lặng. Với công việc anh là người có tinh thần trách nhiệm, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ, làm việc đúng kế hoạch mặc dù thời tiết rất khắc nghiệt. Anh xem công việc như một nghĩa vụ thiêng liêng, một người bạn nên không thấy cô đơn “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình”. Anh ý thức về công việc của mình và lòng yêu nghề khiến anh thấy được công việc thầm lặng ấy có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh đã có suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc và những đóng góp của mình rất nhỏ bé. Anh cảm thấy cuộc sống không cô đơn buồn tẻ vì có một nguồn vui, đó là niềm vui đọc sách mà lúc nào anh cũng thấy như có bạn để trò chuyện. Hai tác phẩm có đề tài phản ánh khác nhau, thể hiện hình tượng nhân vật khác nhau nhưng cùng hướng đến vẻ đẹp chung của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc sống lao động và chiến đấu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giữa những ngày tháng chống Mĩ ác liệt nhất.
Quả thật, nhân vật Phương Định trong "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê là bức chân dung sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam về lý tưởng sống đẹp. Nhân vật Phương Định cùng anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" là những "lá thư, lời nhắn nhủ" của tác giả tới thế hệ trẻ về tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp chung của đất nước.
Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!
Nguồn : ADMIN :))Copyright © 2021 HOCTAP247