Trang chủ Lịch Sử Lớp 10 Nguyễn Ái Quốc và việc thành lập Đảng Cộng Sản...

Nguyễn Ái Quốc và việc thành lập Đảng Cộng Sản Hồ Chí Minh câu hỏi 48938 - hoctapsgk.com

Câu hỏi :

Nguyễn Ái Quốc và việc thành lập Đảng Cộng Sản Hồ Chí Minh

Lời giải 1 :

Cách đây 86 năm, mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu kiếp sống nô lệ, nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên đánh Pháp, nhưng chưa giành được thắng lợi. Trong đêm trường nô lệ, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã rời Cảng Sài Gòn quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước. Khi ấy, người thanh niên yêu nước chỉ nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Người bôn ba qua nhiều nước và nghiên cứu những cuộc cách mạng đã giành thắng lợi tại những nước tư bản phát triển nhất. Người đến cả những nơi bần cùng, khốn khổ nhất ở châu Mỹ, châu Phi, tiếp xúc với nhiều lớp người, thuộc nhiều dân tộc khác nhau để hiểu đúng thực chất hơn về chủ nghĩa tư bản, về sự áp bức dân tộc của thực dân đế quốc. Người rút ra kết luận: Ở đâu cũng có người nghèo khổ như nước mình do sự áp bức, bóc lột vô nhân đạo của giai cấp thống trị. Chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Người khẳng định: Muốn thoát khỏi nô lệ và áp bức bóc lột thì nhân dân lao động toàn thế giới phải cùng đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung.

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã xua tan màn đêm đen tối, đưa ánh sáng đến với các dân tộc thuộc địa, Người đã quyết định quay trở lại nước Pháp, nơi có sự ảnh hưởng rất lớn của cuộc cách mạng này và cũng chính là điểm đến trong xác định ban đầu của Người. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Véc-xây đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tháng 6/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Luận cương của Lê-nin đã gây xúc động lớn, như ngọn đèn trong đêm tối, soi đường cho lãnh tụ vĩ đại của chúng ta. Qua Luận cương, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy sự ủng hộ, tìm thấy chỗ dựa, tìm thấy nguồn sức mạnh để vươn tới cái đích của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã được chỉ rõ là sự chiến thắng của chính quyền Xô viết đối với chủ nghĩa đế quốc thế giới.

Tại Đại hội đại biểu Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18 (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lê-nin sáng lập) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, không những Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với lý luận cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Từ đây, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào Cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vạch phương hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1921 - 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh: cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác – Lê-nin. Người đã viết nhiều bài báo, tham gia nhiều tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam.

Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á - Đông xuất bản tác phẩm “Đường cách mệnh” (tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Đó là sự chuẩn bị về đường lối chính trị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người khẳng định, muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một Đảng lãnh đạo, Đảng có vững, cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi cán bộ đi học tại Trường Đại học Phương Đông (ở Liên Xô trước đây) và Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng ngày càng chín muồi.

Từ ngày 6/1 - 7/2/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Hội nghị thảo luận và thông qua Cương lĩnh của Đảng bao gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng; những văn kiện được thông qua tại Hội nghị chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, phù hợp và đáp ứng đúng nguyện vọng của giai cấp công nhân, các tầng lớp nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Hội nghị thông qua lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng. Sau đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3/2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là ngọn cờ cách mạng đúng đắn, tập hợp và lãnh đạo các lực lượng cách mạng đứng lên tranh đấu vì mục tiêu “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng với những chiến công vang dội. Một mùa Xuân mới đang đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Thảo luận

Bạn có biết?

Lịch sử là môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Đây là thuật ngữ chung có liên quan đến các sự kiện trong quá khứ cũng như những ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về những sự kiện này. Những học giả viết về lịch sử được gọi là nhà sử học. Các sự kiện xảy ra trước khi được ghi chép lại được coi là thời tiền sử.

Nguồn : Wikipedia - Bách khoa toàn thư

Tâm sự 10

Lớp 10 - Năm thứ nhất ở cấp trung học phổ thông, năm đầu tiên nên có nhiều bạn bè mới đến từ những nơi xa hơn vì ngôi trường mới lại mỗi lúc lại xa nhà mình hơn. Được biết bên ngoài kia là một thế giới mới to và nhiều điều thú vị, một trang mới đang chò đợi chúng ta.

Nguồn : ADMIN :))

Copyright © 2021 HOCTAP247