Trang chủ Ngữ văn Lớp 7 Viết bài văn biểu cảm về tác phẩm "Bạn đến...

Viết bài văn biểu cảm về tác phẩm "Bạn đến chơi nhà" theo dàn bài đã cho sẵn bên dưới I. Mở bài - Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ có nhiều bài thơ ha

Câu hỏi :

Viết bài văn biểu cảm về tác phẩm "Bạn đến chơi nhà" theo dàn bài đã cho sẵn bên dưới I. Mở bài - Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ có nhiều bài thơ hay về làng cảnh quê hương - “Bạn đến chơi nhà ” là bài thơ tôi yêu thích nhất trong chương trình ngữ Văn 7. - Bài thơ là một niềm vui mừng khôn xiết, là nụ cười hiền và hóm hỉnh khi đã bấy lâu nay bạn già mới về thăm. II. Thân bài a. Cảm nhận chung về tác phẩm. - Lập ý bằng cách cố tình dựng lên một tình huống khó xử khi bạn đến chơi nhà để rồi hạ một câu kết “Bác đến chơi đây ta với ta” . - Thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật . - Giọng thơ hóm hỉnh , bố cục sáng tạo , không theo luật thể hiện tình bạn đậm đà , thấm thiết , vượt lên trên mọi giá trị của vật chất b. Cảm nhận nội dung, nghệ thuật bài thơ theo bố cục: Câu 1 : “Đã bấy lâu nay bác tới nhà” - Câu thơ là một lời chào hỏi hồ hởi , thân tình . - “Đã bấy lâu nay”: thông báo về sự xa cách lâu ngày - “Bác tới nhà”: niềm vui hân hoan, mừng rỡ.  Ngôn ngữ thơ bình dị , tự nhiên, như lời nói thường mà vẫn toát ra tình cảm mừng vui chân thành của một người bạn. Câu 2 -> 7: Sáu câu tiếp theo từ câu hai đến câu bảy, thơ chuyển giọng: từ vui sang kể và miêu tả. Nhà thơ kể về gia cảnh của mình: “Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa Ao sâu nước cả khôn chài cá Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà Cải chửa ra cây cà mới nụ Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa Đầu trò tiếp khách trầu không có” - Hiếu khách là tập tục tốt đẹp của truyền thống dân tộc. Bạn đến thì phải tiếp đón đàng hoàng. - Tấm lòng mến khách là vẻ đẹp văn hóa của con người Việt Nam. Thế nhưng “Trẻ thời đi vắng, chợ thì xa”. Câu thơ dựng lên một tình huống oái oăm. Lời phân bua kéo dài từ câu hai đến câu bảy, ta nhận thấy có chút lúng túng, áy náy, vừa tế nhị, vừa dí dỏm để thanh minh cho cảnh sống giản dị, thanh bần của nhà thơ. - Sáu câu thơ đầu không một từ Hán Việt, không một hình thức ước lệ mà ý thơ vẫn đẹp như một bức tranh đầy màu sắc (nước biếc, hàng giậu thưa, mùa xanh của cây lá, màu vàng của hoa mướp). - Câu thơ “Đầu trò tiếp khách trầu không có” phải chăng cách nói cường điệu của nhà thơ để tạo một nét duyên, đáng yêu làm nền cho phần kết. - Nhà thơ đã nói rất khéo léo, rất sang trọng về sự nghèo thiếu của mình. Trong nghèo thiếu con người không bi quan, than thở, trái lại vẫn bình thản để giải bày, tìm sự cảm thông chia sẻ. Câu cuối : Thấm thía , trân trọng biết bao trước tình bạn thắm thiết của nhà thơ : “Bác đến chơi đây, ta với ta” - Âm điệu và ngôn từ bỗng thay đổi, thân mật và ngọt ngào . Câu cuối bài thơ đã khẳng định một giá trị chân lí cao đẹp: Tình bạn chân thành vượt qua tất cả. - Cụm từ “ta với ta” trong bài thơ của Nguyễn Khuyến gợi nhớ đến cụm từ “ta với ta” trong bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan: - Về ngôn ngữ, hai cụm từ đó hoàn toàn giống nhau. Nhưng về ý nghĩa thì chúng rất khác nhau. - Đại từ “ta” trong thơ Bà Huyện Thanh Quan dùng để nói chính nhà thơ: một cái tôi riêng lẻ thầm kín buồn lặng, cô đơn. Hai chữ ta nhưng chỉ là một nghĩa. - “Ta” trong thơ Nguyễn Khuyến tuy một âm nhưng lại nói về hai người: nhà thơ và bạn. Nói về hai người nhưng qua một đại từ nhân xưng, cụ Yên Đỗ muốn ca ngợi tình bạn gắn bó, thân mật tưởng không thể tách rời chia đôi. - Rõ ràng tình bạn, tình người là quý nhất, cao hơn của cải vật chất. Kết cấu thơ và cách dùng từ chơi chữ của nhà thơ đất Hà Nam thật tài hoa . Qua đó , Nguyễn Khuyến đã cho em them những nhận thức sâu sắc : tình bạn tự nó đã là một bữa tiệc tinh thần vô giá hơn mọi thứ mâm cao cỗ đầy và hình dung rõ hơn nụ cười nhân hậu đầy hóm hỉnh yêu đời của Nguyễn Khuyến qua câu thơ cuối bài . III. Kết bài - “Bạn đến chơi nhà” là bài thơ hay về tình bạn. Lời thơ thuần Việt giản dị trong sáng, dễ hiểu và dễ thuộc. - Từ tình bạn, bài thơ còn ẩn chứa một triết lí sâu xa: Tình người cao hơn của cải. - Bài thơ tạo một dấu ấn không quên trong lòng tôi và vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Làm giúp mình. Mai thi gòi

Lời giải 1 :

Chào em, em tham khảo gợi ý:

“Từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Khuyến đã gõ vào lòng ta bằng những vần thơ giản dị mà tuyệt vời tinh tế. Ông đưa ta về một vùng quê mộc mạc, đơn sơ mà xiết bao gần gũi: nơi có những ngôi nhà cỏ thấp le te, có “vườn rộng rào thưa”, có nụ cà hoa mướp và những cảnh sắc chung được phát hiện bằng cặp mắt và tâm hồn của một nghệ sĩ bậc thầy” (Bùi Văn Cường). Không những thế, thơ Nguyễn Khuyến còn gõ cửa tâm hồn ta bởi những vần thơ giản dị mà tha thiết về tình bạn. Đọc bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến ta hiểu rằng: “Tình bạn tự nó là một bữa tiệc tinh thần” (Xuân Diệu).

Gấp trang sách, ấn tượng đọng lại trong tâm hồn tôi về bài thơ là vẻ đẹp của những từ ngữ thuần Việt giản dị, hình ảnh thơ trong sáng. Nhưng trong và thanh hơn cả là tấm lòng chân thành của Nguyễn Khuyến đối với bạn. Nhà thơ như muốn nói với chúng ta rằng: tình bạn, tình người cao hơn mọi giá trị vật chất.

Mở đầu bài thơ là tiếng reo vui hồ hởi của nhà thơ khi có bạn đến chơi nhà:

Đã bấy lâu nay bác tới nhà.

Cụm từ “đã bấy lâu nay” mang hàm ý không xác định rõ, nhưng có lẽ đã rất lâu rồi nhà thơ mới được gặp bạn. Trạng ngữ chỉ thời gian đứng ở đầu câu cho ta hiểu về sự xa cách nhớ mong và nỗi xúc động của nhà thơ khi gặp lại bạn. Nhưng tôi thích nhất là đại từ “bác” vì nó vang lên thân mật, kính trọng xiết bao!

Quý bạn thế, nhà thơ muốn tiếp bạn thật trang trọng, hậu hĩnh nhưng ông lại rơi vào một tình huống khó xử:

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Đầu trò tiếp khách trầu không có. 

Ẩn sau từng câu chữ không hiểu sao tôi cứ cảm nhận được cái hóm hỉnh, tự trào của cụ Tam Nguyên. Cái hóm hỉnh gợi lên từ cách dùng những từ ngữ giản dị, dân dã của nhà thơ: chửa, mới, đương,... Cái hóm hỉnh ấy gợi lên từ hoàn cảnh thật trớ trêu: những thức ngon không có, rau dưa chưa đến kì thu hoạch, đến miếng trầu làm đầu câu chuyện cũng không có nốt. Và sự éo le được diễn đạt theo chiều hướng tăng tiến: Những thứ không có được sắp xếp theo trình tự không gian: xa → gần (chợ, vườn, nhà), thấp → cao (ao sâu, cải, cà, bầu, mướp). Thực ra, khi các quan về ở ẩn, cuộc sống của Nguyễn Khuyến có đạm bạc nhưng với cơ ngơi “năm gian nhà cỏ thấp le te” và “Chín sào tư thổ là đất ở - Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà” (Ngày xuân dạy các con) thì đâu đến mức: “Đầu trò tiếp khách trầu không có”. Ắt hẳn đây là cách nói phóng đại, đẩy cái nghèo lên đến tột cùng để nhấn mạnh tình bạn tha thiết, đậm đà.

Đằng sau những câu thơ trình bày hoàn cảnh của tác giả, ta bắt gặp một bức tranh làng quê giản dị, mộc mạc. Vườn rộng xanh mướt. Những cây cải, cây cà lấm tấm biếc xanh. Giàn bầu, giàn mướp đương nụ, đương hoa. Câu thơ mang cái “hồn xanh của vườn tược” hé lộ cho ta một tâm hồn thanh cao, trong sáng của ông quan Tam Nguyên. Hình ảnh Nguyễn Khuyến trong bức tranh quê ấy thật hồn hậu, ông sống chan hòa với thiên nhiên vườn Bùi chốn cũ. Ông như đang xăng xái dẫn người bạn của mình đi thăm thú điền viên. Làng cảnh vùng chiêm trũng này cũng chính là nơi ông giữ trọn khí tiết thanh cao của mình. Do đó, bài thơ không chỉ gợi lên một bức tranh quê mộc mạc mà còn gợi cả tình quê ấm áp, hồn hậu. Và câu thơ làm tôi nhớ đến quê mình quá. Quê tôi cũng có giàn bầu, giàn bí thân thuộc ấy.

Thiếu thốn về vật chất được đẩy lên đến tận cùng để hé mở sự dồi dào về phương diện khác: “Bác đến chơi đây, ta với ta!”. Bao nhiêu cái nghèo thiếu, bao nhiêu cái lúng túng, ngượng ngùng bỗng tan đi hết, nhường chỗ cho tình bạn, tình người thăng hoa. Mọi của cải vật chất đều không có ý nghĩa gì nữa. Bác đến chơi đây, ta với ta là đủ, là điều mà tôi cần nhất, khao khát nhất. Cụm từ “ta với ta” trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến gợi ta nhớ đến cụm từ “ta với ta” trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan. Về ngôn ngữ, hai cụm từ đó hoàn toàn giống nhau nhưng về ý nghĩa thì ta thấy khác nhau. “Ta với ta” trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” là một cái tôi riêng lẻ, thầm kín, buồn lặng, cô đơn. Còn trong thơ Nguyễn Khuyến là một tình bạn cao quý hơn mọi của cải vật chất. “Ta với ta” tuy hai mà một, tuy một mà hai, chan hòa, quấn quýt, gắn bó giống như ca dao xưa: “Mình với ta tuy hai mà một - Ta với mình tuy một mà hai”. Hơn thế nữa, cụm từ “ta với ta” gắn với mấy tiếng trước: “Bác đến chơi đây” khiến câu thơ bật lên như tiếng cười xòa vui vẻ, vui sướng. Ông quan Tam Nguyên tuy thanh bạch về vật chất nhưng thật giàu có về tình người thắm thiết, cao đẹp.

Giữa dòng đời ngược xuôi, giữa những bon chen của cuộc sống xô bồ, có người vẫn coi vật chất cao hơn tình người, vẫn tồn tại lối sống: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử - Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm) thì tình bạn trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến vẫn ngân lên thật trong trẻo, nồng ầm. Bài thơ khiến tôi nhớ đến người bạn thân của mình. Tôi và bạn thi thoảng có những hờn giận nho nhỏ nhưng tôi hiểu tình người tha thiết, quý giá hơn tất cả.

Với cách lập tứ độc đáo, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã dùng cái “không” để nói cái “có”, cái “không” là vật chất nhưng cái “có” rất nhiều là tình cảm cao đẹp. Bài thơ giúp tôi hiểu nhà thơ Nguyễn Khuyến không chỉ là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam mà ông còn là nhà thơ của tình bạn, tình người, tình quê chân thành, thắm thiết. 

Thảo luận

Lời giải 2 :

Nguyễn Khuyến không chỉ là một nhà thơ của làng cảnh Việt Nam mà còn là một nhà thơ trọng tình nghĩa làng xóm bạn bè. Trong những tác phẩm mà ông để lại không biết có bao nhiêu tác phẩm nói về tình cảm đơn sơ giản dị thế nhưng tiêu biểu nhất có thể nói đến bài thơ “Bạn đến chơi nhà” và cũng là bài thơ để lại trong tôi nhiều tình cảm về tình bạn. Bài thơ này là bài thơ thành công, tiêu biểu nhất của ông, và cũng là bài thơ nổi bật, đại điện cho thơ Nôm Đường luật Việt Nam nói chung. Thể thơ Thất ngôn bát cú Đường Luật là thể thơ thông dụng trong các thể thơ Đường Luật được các nhà thơ Việt Nam rất ưa chuộng. Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nhưng không theo cấu trúc bốn phần (đề, thực, luận, kết), mỗi phần hai câu như thường thấy. Ở bài này, Nguyễn Khuyến chỉ sử dụng có một câu làm câu đề, câu thứ hai đã chuyển sang phần thực. Giữa phần thực và phần luận lại không có ranh giới rõ rệt. Hai câu bảy và tám thì câu bảy gắn với phần luận, chỉ có câu tám là phần kết. Sự phá cách này tạo nên nét độc đáo trong cấu trúc bài thơ, đồng thời chứng tỏ khả năng sáng tạo của nhà thơ. Ẩn chứa trong bài thơ là một tình bạn già tri kỉ khăng khít, keo sơn. Cái nghèo vật chất cũng không thể nào lấn áp được tình bạn chân thành và ấm áp. “Đã bấy lâu nay bác tới nhà”. Câu mở đề giản dị, tự nhiên như lời chào hỏi thân tình của hai người bạn thân lâu lắm mới gặp lại nhau. Tuổi già là tuổi người ta thường cảm thấy cô đơn nên khao khát có bạn để chuyện trò, giải bày tâm sự. Chính vì thế nên khi được bạn đến thăm, nhà thơ thực sự vui mừng. Ông gọi bạn bằng bác. Cách gọi dân dã nhưng đầy sự kính trọng thể hiện sự gắn bó thân thiết giữa chủ và khách. “Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Ao sâu nước cả, khôn chài cá. Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ. Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách, trầu không có”. Mới nghe ta như thấy rằng nhà thơ như tỏ ý lấy làm tiếc về việc bạn mới đến thăm mà chẳng có gì để tiếp bạn. Đây chính là cách nói cường điệu hóa, thi vị hóa cuộc sống vật chất trong gia đình Nguyễn Khuyến. Thông thường, bạn đến chơi nhà là mừng, là quý. Người Việt Nam vốn có phong tục bạn mới quen thì trầu thì nước. Bạn thân từ nơi xa đến thì nhất thiết phải mời cơm chu đáo. Dân ta cũng có câu: “Khách đến nhà không gà cũng vịt”. Vậy mà, nhà thơ lại lâm vào hoàn cảnh thật trớ trêu: Những thức ngon không có, rau dưa chưa đến kì thu hoạch. Đến miếng trầu là đầu câu chuyện cũng không có nốt. Nhà thơ như đang phân trần với bạn về sự tiếp đãi chưa chu đáo của mình. Nhưng nếu chúng ta đọc kỹ thì sẽ cảm thấy đây chỉ cách nói vui vẻ, bông đùa cường điệu hóa của tác giả Nguyễn Khuyến muốn trêu đùa bạn của mình. Thông qua những lời trân tình của tác giả ta cũng cảm nhận được sự giản dị mộc mạc của làng quê Việt Nam thời xưa. Với nhịp thơ đều đặn ngắt nhịp nhẹ nhàng thể hiện cho lời thủ thỉ nhẹ nhàng kèm theo những nụ cười hóm hỉnh, trêu đùa của tác giả. Đối lập với tất cả những cái không có ấy chính là tấm lòng, tấm chân tình của tác giả dành cho bạn mình. “Bác đến chơi đây, ta với ta”. Câu thơ bộ lộ rõ nét tình cảm chân thành của Nguyễn Khuyến với bạn. Đó là tình cảm thiêng liêng và cao quý và là tình bằng hữu tri kỷ. Câu thơ như một tiếng cười xòa đùa vui bật lên của nhà thơ. Khác với hình ảnh “ta với ta” trong bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan: “Một mảnh tình riêng ta với ta”. Chỉ một người, một tâm trạng, thể hiện sự cô đơn khi đối diện với chính mình và cũng là sự nhỏ bé trước thiên nhiên mênh mông nơi đất khách nhưng “Ta với ta” ở bài thơ của Nguyễn Khuyến thể hiện sự hòa hợp, gắn bó, đồng nhất giữa hai người bạn, hai nhưng là một. Đồng thời cũng ngầm khẳng định tình bạn giữa hai người đã không còn khoảng cách, không còn sự e dè, ngại ngùng. Một tình bạn chân chính không phải là đề cao ở vật chất mà sự chân thành, tri âm và tri kỉ mới là chân lí. Bài thơ “ Bạn đến chơi nhà” của nhà thơ Nguyễn Khuyến được viết bằng lời thơ mộc mạc, giản dị, thật gần gũi và rất tự nhiên. Qua đó ta nhìn thấy một hồn thơ đẹp và tình bằng hữu thâm giao. Đó là tình bạn được xây dựng từ sự hiểu nhau, chia sẻ, cảm thông, tôn trọng lẫn nhau và không hề có sự vụ lợi. Qua bài thơ giúp cho tôi hiểu được rằng tình bạn là thứ quý giá vô cùng không để vật chất lôi kéo mà hãy luôn giữ được tình bạn cao đẹp, trong sáng thủy chung vốn là bản tính của người dân Việt. GỬI CẬU Ạ CHÚC THI TỐT NHÉ❤️‍🔥😉

Bạn có biết?

Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.

Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự 7

Lớp 7 - Năm thứ hai ở cấp trung học cơ sở, một cuồng quay mới lại đến vẫn bước tiếp trên đường đời học sinh. Học tập vẫn là nhiệm vụ chính!

Nguồn : ADMIN :))

Copyright © 2021 HOCTAP247