Trong số những tác phẩm văn học mà bạn đã tìm đọc được theo gợi ý ở các bài học trong Ngữ văn 10, tập hai, tác phẩm nào đã để lại cho bạn nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất? Hãy viết một bài văn nghị luận bàn về tác phẩm đó theo các vấn đề nội dung và nghệ thuật tự chọn.
Bài tham khảo
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là minh chứng hào hùng cho chiến thắng chống giặc Minh của nhân dân ta. Xuyên suốt tác phẩm là tư tưởng nhân nghĩa, chủ nghĩa yêu nước được tác giả khai thác, đào sâu. Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là quan niệm tiến bộ có giá trị và ý nghĩa trong mọi thời đại. Đã hơn 6 thế kỷ trôi qua, tư tưởng nhân nghĩa của người anh hùng ấy vẫn sống mãi trong lòng dân tộc làm nên chiến công lừng lẫy.
“Đem đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo”.
Cuộc đời ông là tấm gương về khí tiết thanh cao và lòng yêu nước thương dân nồng nàn mà khởi nguồn từ tư tưởng nhân nghĩa, lấy dân làm gốc. Xuyên suốt Bình ngô đại cáo là tư tưởng nhân nghĩa, từ khi người anh hùng Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa đến khi chiến thắng, biển trời thanh bình:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Nhân và nghĩa là đạo lí ở đời, đạo lý giữa con người với con người và giữa con người với cuộc đời, là tôn chỉ trong xã hội mọi thời đại. Trong Bình Ngô đại cáo nhân thể hiện bằng hành động thực tế chăm lo cuộc sống nhân dân, nhân ở đâu thật sâu rộng, tích cực; còn nghĩa là việc trừ bạo ngược để nhân dân xã tắc được bình yên.
Ta có thể hiểu rằng, xuất phát từ tư tưởng nhân đạo để yên dân thì phải trừ bạo. Do đó, tư tưởng nhân nghĩa cốt nhằm mục đích là đem lại hạnh phúc cho người dân. Vì thương nhân dân mà cần dựng cờ khởi nghĩa để trừ hung bạo. Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo quy cho cùng tất cả là vì dân, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân… xuyên suốt tác phẩm.
Tư tưởng ấy không mơ hồ, mà được tác giả nâng lên thành tư tưởng xã hội, gắn chặt với chủ nghĩa yêu nước. Vì nhân nghĩa nên ông xem những hành động mang tính tội ác của giặc Minh nhứ thiêu lửa đốt, đào hố chôn sống nhân dân vô tội là những việc vô nhân đạo. Hành động nhân nghĩa không trừ tượng mà là những việc làm cụ thể: chống quân xâm lăng, tiêu diệt thế lực thù địch.
Triết lý nhân nghĩa xuất phát từ nền tảng của lòng yêu nước thương dân, đó là nền tảng của bản anh hùng ca Bình Ngô đại cáo. Tác phẩm là quan điểm về quyền dân tộc, từ đó ông định nghĩa về đất nước thật trang trọng, tự hào:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”
Nguyễn Trãi đã chỉ ra rằng nhân nghĩa là sức mạnh để chiến thắng, đây là nền tảng của chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam bao đời để tạo dựng nền văn hiến mang truyền thống của con người Việt Nam. Tư tưởng ấy là nội dung cốt lõi trong toàn bộ hệ thống tư tưởng triết học, chính trị của ông, vượt ra khỏi phạm vi chính trị thông thường trở thành nền tảng, là nguyên tắc trong quản lý, lãnh đạo đất nước.
Trong tác phẩm, Nguyễn Trãi đề cao nhân dân, coi trọng sự hòa hảo giữa các dân tộc, nhưng không vì sự tàn ác của giặc mà trả thù bằng thủ đoạn tàn nhẫn, man rợ. Đó chính là tấm lòng, là trí tuệ Việt Nam sau chiến tranh.
Bình Ngô đại cáo là áng thiên cổ hùng văn của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, là văn bản tổng kết cuộc kháng chiến gian lao nhưng đầy tự hào, anh hùng của dân tộc ta hơn một thập kỷ. Toát lên tác phẩm là tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng chủ đạo cho chính trị, ngoại giao cho xã tắc muôn đời.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm dưới đây !
Copyright © 2021 HOCTAP247