Nghị luận về hiện tượng gian lận trong thi cử
Một mùa tuyển sinh nữa lại trôi qua và những người chịu trách nhiệm tổ chức công việc muôn phần phức tạp đó đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng không ít người, trong đó có tôi vẫn thấy có cái gì đó đè nặng trong tâm tưởng khi mà một lần nữa kì thi vẫn nổi cộm lên sự gian lận ngày một trắng trợn hơn, tinh vi hơn và thậm chí được hiện đại hóa. Người ta có thể giải thích điều đó là do có chỉ thị của bộ trưởng Bộ GD - ĐT, các giám thị đã làm việc nghiêm túc hơn nhưng đó chỉ là bề nổi của vấn đề, chúng ta cần phải có cái nhìn sâu hơn vào tệ nạn gian lận trong thi cử để hiểu rõ hơn thực trạng thi cử cũng như giáo dục ở nước ta hiện nay.
Một kết quả ảo của nền giáo dục, đó là một thực tế mà rất nhiều phương tiện truyền thông đã gióng lên hồi chuông báo động từ lâu nhưng tình hình không mấy biến chuyển. Chính căn bệnh thành tích đã tạo nên sự dối trá. Và, khi cặp phạm trù này tồn tại một cách thực tế trong đời sống, nó làm cho mọi hoạt động kinh tế - văn hóa, xã hội bị biến tướng, mất đi tính công khai, minh bạch cần có.
Chúng ta cần gì ở những tấm bằng không thực chất khi mà sự chứng nhận đó không tương xứng với thực lực có được ở con người ấy.
Những bậc phụ huynh nghĩ gì khi trực tiếp ném bài thi cho con em mình, làm mất đi môi trường nghiêm túc trong thi cử? Họ đã giúp sức để con cái họ có được tấm bằng không phải của chính mình. Nguy hiểm hơn, bậc làm cha làm mẹ đã nêu một tấm gương cực kì xấu về sự coi thường kiến thức kỉ cương.
Nạn bằng giả đã quá lộng hành nhưng còn có thể hạn chết bằng cách phát hiện. Nạn thi cử gian lận để rồi có được tấm bằng thật thì quả là một căn bệnh trầm kha, khó tìm thuốc chữa. Hậu quả của nó không chỉ là một năm, một thế hệ mà còn ảnh hưởng lâu dài đến tương lai đất nước, tương lai dân tộc.
Hành trang vào đời của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hôm nay đã có cả sự dối trả con người như vậy sẽ là chủ nhân của đất nước trong tương lai? Vậy họ sẽ điều hành và làm chủ giang sơn ra sao khi mà trong đầu họ, cái cần nhất là kiến thức, nhân cách thì thiếu hụt nhưng lai thừa những điều không đáng có: sự dối trá.
Cần phải thay đổi kiểu tư duy giành lấy bằng cấp để “ngồi mát ăn bát vàng” vốn đã tồn tại rất lâu trong xã hội. Thế hệ trẻ phải hiểu được bản chất đích thực của sự học. Học là để nâng cao tri thức, văn hóa, để tiếp thu cái mới, hội nhập với những tiến bộ tích cực của thời đại. Ai cũng biết sự học là một động lực quan trọng hàng đầu để xã hội phát triển, con người hoàn thiện. Giá trị của sự học thể hiện ở bằng cấp nhưng quan trọng hơn cả là ở hàm lượng tri thức, ở hiệu quả công việc, ở nếp sống con người. Cho dù học để làm quan, làm nghề cho tinh thông thì cái tiêu chí đầu tiên và cũng là cái đích cuối cùng của sự học là: học để làm người có ích cho xã hội, gia đình và bản thân. Người Trung Hoa có câu: Biển học vô bờ; Lê nin nói: “Học, học nữa, học mãi” ấy là phần nối dài rất cần thiết để làm sáng tỏ câu trả lời:
Học để làm người có ích. Và, nếu như toàn xã hội đều nêu cao các chuẩn giá trị “người có ích ” trong gia đình, trong xã hội thì lớp trẻ sẽ không bị sức ép nặng nề của các cuộc thi nói chung và cuộc thi đại học nói riêng. Sự học trở thành một hoạt động tích cực, giá trị đích thực của giáo dục được tôn vinh và tình trạng gian lận trong thi cử sẽ được đẩy lùi.
Tất nhiên, muốn sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo của nước ta tiến lên không phải chỉ chữa khỏi căn bệnh gian lận trong thi cử là đủ mà còn đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ, toàn diện hơn. Đặc biệt là ý thức tích cực của tất cả mọi người trong vấn đề cải cách giáo dục đã và đang được thực hiện.
Copyright © 2021 HOCTAP247