Trang chủ Lớp 11 Soạn văn Lớp 11 SGK Cũ Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm - Viết bài tập làm văn số 1

Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm - Viết bài tập làm văn số 1

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Với bài tập làm văn số 1 lớp 11: Nghị luận về bệnh vô cảm, xin gửi đến các bạn bài viết Nghị luận về bệnh vô cảm đầy đủ và hay nhất ngay sau đây. Cùng tham khảo các bạn nhé!

Bài làm

   Con người trong xã hội hiện đại đang đứng trước nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm có khả năng lấy đi mạng sống của chính họ bởi những thực phẩm bẩn được bày bán tràn lan hay sự ăn uống chưa đúng cách, con người đầu độc chính đồng loại của mình.... Thế nhưng ở xã hội ấy còn xuất hiện một căn bệnh đáng báo động, dù không trực tiếp gây nên mối nguy hại nhưng lại gián tiếp đẩy cả xã hội vào tình trạng thụt lùi đến mức báo động. Đó chính là bệnh vô cảm.

   Bệnh vô cảm trước hết không phải là một căn bệnh nan y mà có thể dùng thuốc để chữa như những căn bệnh trên cơ thể khác. Nó là một bệnh xuất phát từ bên trong, từ những tâm lí thờ ơ đến vô cảm của con người trước những sự vật, những sự việc xảy ra trong cuộc sống. Và từ đó bộc lộ ra bên ngoài thông qua thái độ, cách cư xử của con người đối với các sự vật, hiện tượng khác. Vậy vô cảm là gì? Vô có nghĩa là không, cảm là cảm xúc, tình cảm. Ta suy ra được rằng vô cảm chính là việc không có cảm xúc, thờ ơ, lạnh lùng. Nó không những là một bệnh đáng lên án mà còn là thứ cần loại bỏ để xã hội phát triển hơn, để con người gắn kết với nhau hơn. Nếu như các bệnh khác cần phải dùng thuốc, vật lí trị liệu hay phẫu thuật để điều trị thì muốn chữa được bệnh vô cảm phải xuất phát từ chính ý nghĩ và đi từ sự nhận thức cần phải thay đổi của mỗi cá nhân.

   Con người ta thường nói rất nhiều về sự vô cảm, ấy thế nhưng họ cũng chẳng biết vô cảm xuất phát từ đâu? Tại sao con người lại mắc phải bệnh này? Có phải một đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã mắc bệnh vô cảm hay không? Thật vậy, vô cảm có lẽ xuất phát từ việc xã hội phát triển, con người ngày càng bận rộn để kiếm tiền, để chăm lo cho cuộc sống mà không để ý, bận tâm đến những điều khác xảy ra xung quanh. Nghe có vẻ rất vô lí nhưng lại vô cùng hợp lí. Bởi lẽ, khi xã hội phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc các thiết bị hiện đại được sản xuất ra nhiều hơn. Điện thoại, máy tính bảng hay những thiết bị điện tử khác lấy đi sự tập trung của con người. Nhiều người cắm mặt vào chiếc điện thoại và nhâm nhi cốc trà đá là hiện tượng chúng ta có thể thấy mỗi ngày ở ngoài đường. Nhiều người bố, người mẹ cả ngày đi làm mệt mỏi, đến khi về không còn muốn nói chuyện hay hỏi han con cái của mình... Tuy vô cảm là một căn bệnh xuất phát từ chính sự phát triển của xã hội nhưng không phải ai cũng mắc căn bệnh này. Còn rất nhiều người có thái độ văn minh, đi lên và tỉ lệ thuận với sự phát triển ấy. 

bệnh vô cảm

Xem thêm Các đề văn nghị luận xã hội bài viết số 1 - Ngữ văn 11

Suy nghĩ về cái thiện và cái ác trong truyện Tấm cám

   Vô cảm trong cuộc sống ngày nay thể hiện ở thái độ thờ ơ khi chứng kiến những người gặp nạn, chỉ tụ tập đứng nhìn vì tò mò chứ không hề giúp đỡ. Một đứa trẻ có thể bị đánh, bị mắng thậm tệ nhưng những người đi đường vẫn tặc lưỡi cho qua vì nghĩ rằng đó không phải là chuyện của gia đình mình. Hay như câu chuyện Cháy nhà hàng xóm trong chương trình Ngữ văn lớp 4 bậc tiểu học, chính sự vô cảm của  anh nhân vật chính trước tình cảnh nhà hàng xóm bị cháy đã khiến cho anh ta phải chịu hậu quả là nhà của mình cũng bị cháy theo. Vô cảm không chỉ đến từ cá nhân mà con lây lan sang cả tập thể. Những công trình được đầu tư rất lớn lại có kết quả vô cùng xuống cấp là vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của cán bộ, những người cấp trên phụ trách. Biết bao nhiêu vụ án rút ruột công trình đã làm cả dư luận phải phẫn nộ. Ấy thế mà con người ta vẫn tiếp tục coi vô cảm như một người bạn sống chung. Một cá nhân lây sang cả tập thể và một tập thể lây lan sang toàn xã hội, khiến cho ai cũng không màng đến những chuyện xảy ra xung quanh. Thậm chí trước sự mất mát của đồng loại, con người ta còn chẳng có sự tiếc thương nào... Xã hội bị ảnh hưởng bởi căn bệnh vô cảm là vậy nhưng đó cũng chỉ là một bộ phận tồn tại trong xã hội. 

   Vẫn còn đâu đó rất nhiều những người sống tình cảm, biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh. Họ sống đúng với đạo lí "Thương người như thể thương thân" của dân tộc ta. Điều đó thể hiện ở các nghĩa cử cao đẹp như: quyên góp quần áo cho các trẻ em nghèo gặp khó khăn, dắt cụ già qua đường hay chỉ đơn giản là cho những người ăn xin bên đường một mẩu bánh mỳ nhỏ.... Chính vì có những hành động đẹp đó mà xã hội vẫn còn rất nhiều những giá trị nhân văn. Con người cần phải đầy lùi căn bệnh vô cảm để cùng nhau trao đi yêu thương đúng nghĩa. Muốn làm được như vậy thì mỗi chúng ta trước hết cần phải tạo cho mình thói quen quan tâm, hỏi han những người khác. Biết động viên nhau khi gặp khó khăn và giúp đỡ nhau khi ai đó cần, có như vậy thì tình người mới được lan toả ra cuộc sống và không còn chỗ cho bệnh vô cảm sinh sôi và phát triển nữa.  Những hành động này cần phải được thực hiện ngay bởi lẽ nếu không nhanh chóng xoá tan đi sự thờ ơ, vô cảm trong xã hội thì mỗi ngày vẫn còn có rất nhiều chuyện thương tâm, đáng tiếc xảy ra chỉ vì căn bệnh ấy. 

   Chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước hãy đứng lên hành động, thể hiện lối suy nghĩ hiện đại, đúng đắn để thúc đẩy xã hội thực hiện xóa bỏ bệnh vô cảm. Giống như trong lịch sử oanh liệt, chúng ta đã đồng lòng, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, xã hội ngày nay cũng cần có những tình cảm yêu thương ruột thịt, tình anh em, tình đồng chí đồng đội, tình yêu làng xóm láng giềng... sâu sắc như những giai thoại ngày xưa cũ.

Thông qua bài viết Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm. hi vọng đây sẽ là một tài liệu tham khảo cần thiết, phục vụ cho quá trình làm bài văn nghị luận của các bạn học sinh. Chúc các bạn học tốt!

 

Copyright © 2021 HOCTAP247