Kể lại một truyền thuyết dưới đời vua hùng mà em yêu thích
Hùng vương chọn đất đóng đô
Mảnh đất đầu tiên vua Hùng đặt chân tới, phong cảnh khá đẹp. Đất phẳng lại rộng, có nhiều khe suối. Nhưng sau khi ngắm kỹ, vua cho rằng thế đất vẫn chưa phải là được, bèn sai chim Đại Bàng đắp thêm 100 quả gò. Vua lệnh cho chim Đại Bàng phải làm xong trước khi mặt trời mọc. Chim Đại Bàng đem hết sức mình ra thực hiện lệnh của vua. Quả gò thứ 99 vừa xong chỉ còn 01 quả nữa là hoàn thành công việc thì bỗng có tiếng gà rừng gáy, chim Đại Bàng ngỡ là trời đã sáng, vỗ cánh bay đi. Thế là không đúng ý, vua Hùng bỏ đi tìm đất khác.
Đến mảnh đất thứ hai, nơi đây có một ngọn núi cao sừng sững như cột chống trời vọt lên giữa hàng trăm quả đồi vây quanh. Vua thúc ngựa lên đỉnh núi, quan sát bốn phương tám hướng. Núi non trùng điệp, rừng rậm, núi cao, suối róc rách chảy. Vua lấy làm vừa ý, bèn thúc ngựa xuống núi. Ngựa đang từ từ xuống, bỗng ngựa quay đầu, bốn vó đập mạnh. Quả núi sụt nở một góc. Vua lắc đầu chê đất không vững, lại bỏ đi. Đó là núi Sứt ở xã Đông Linh cũng thuộc huyện Thanh Ba ngày nay.
Nơi thứ ba vua Hùng đặt chân tới là một quả núi dài một đầu cao, một đầu thấp, nằm giữa một trăm quả đồi nhỏ. Ngắm kỹ, ngọn núi giống như một con Giao Long đang vẫy vùng trên mặt sông. Núi có đường lên trời, lại có hang xuống âm phủ. Vua vừa bước vào hang chợt có con Rắn trắng (Bạch Xà) cản lối. Vua cho là điềm gở, lại bỏ đi.
Men theo con sông Thao, tới một vùng phía trước là sông lớn, phía sau là núi cao, quanh những hòn đảo nhỏ là đầm nước mênh mông bao bọc. Vua đang ngắm cảnh chợt có một con Rùa vàng nổi lên khỏi mặt nước, lưng rộng như tấm phản, gật đầu chào vua. Rùa tự xưng là chúa tể của vùng này, Rùa mời vua cưỡi lên lưng rồi đưa vua đi thăm toàn cảnh. Vua đi đủ 99 ngách, nước trong xanh, cây cối um tùm, đủ loài thủy tộc vui mừng chào đón. Vua khen cảnh đẹp nhưng lại không có đủ 120 ngách, chỗ này không thể mở mang được cung điện, không phải là chốn hội tụ muôn dân, vua không ưng, lại bỏ đi. Nay là đất Ao Châu, một thắng cảnh thuộc huyện Thanh Ba.
Vua lại đi, tới Sông Đà, mặt sông cuồn cuộn sóng, núi non xô đuổi dài dài, hai bên bờ sông cây cối um tùm xanh tốt, sơn thủy hữu tình. Vua lệnh cho chim Phượng đào đủ 100 hố để lấy nơi đây làm đất định đô. Vừa đào xong cái hố 99, chợt có tiếng chim Phượng đực từ xa vọng lại, Phượng cái vỗ cánh bay theo, cả đàn cũng bay theo. Vua thấy không đủ 100 hố, lại ra đi. Di tích này là xã Xuân Lộc, huyện Tam Nông (Phú Thọ) ngày nay.
Vào một ngày đẹp trời, vua lại đi tìm, tới một nơi có 03 sông tụ hội, xa xa một bên có núi Tản Viên, một bên có núi Tam Đảo chầu về. Núi đồi nhấp nhô trùng điệp, đồng ruộng phì nhiêu xanh tốt, dân cư đông đúc, vui vẻ, thịnh vượng. Ở chính giữa cả một vùng đồi núi có một hòn núi cao vọt hẳn lên trông tựa như đầu một con rồng, núi đồi xung quanh như thân rồng uốn khúc. Vua Hùng cả mừng, càng ngắm càng nhận ra núi non kỳ vĩ, đất rộng, sông dài, cây cối xanh tươi. Đất lại có thế hiểm để giữ, có thế mở để tiến, quả là nơi có trăm họ hội tụ. Thế là vua quyết định chọn nơi đây làm mảnh đất định đô và nơi đây trở thành kinh đô của nước Văn Lang. Nay chính là vùng đất thuộc thành phố Việt Trì gồm cả hai huyện Phù Ninh, Lâm Thao tỉnh Phú Thọ, nguyên là vùng đất Phong Châu xưa.
Copyright © 2021 HOCTAP247