Cảm nghĩ về bài Phò giá về kinh

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Cảm nghĩ về bài Phò giá về kinh

Hướng dẫn giải

   Trần Quang Khải (1241-1294) vừa là một võ tướng kiệt xuất của nhà Trần, ông là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên, đặc biệt trong hai trận chiến lớn ở Hàm Tử và Chương Dương. Không chỉ vậy ông còn là một thi sĩ nổi tiếng với rất nhiều những tác phẩm có giá trị trong đó không thể không kể tới bài thơ “Phò giá về kinh”. Đây là tác phẩm tiếp nối mạch nguồn cảm hứng yêu nước của thời đại nhà Trần, thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng về một đất nước thái bình thịnh trị của dân tộc.

   Sau chiến thắng Chương Dương và Hàm Tử, kinh đô Thăng Long được giải phóng, Trần Quang Khải đích thân đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông hồi kinh, bài thơ “phò giá về kinh” được viết trong hoàn cảnh ấy. Trong không khí chiến thắng hào hùng ấy, bài thơ cất lên như một bản anh hùng ca của đất nước. Hai câu thơ đầu, tác giả gợi lại hai trận chiến oanh liệt hào hùng của dân tộc ta với âm vang tự hào:

“Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan”

   Chương Dương và Hàm Tử là hai địa danh nổi tiếng gắn với hai trận đánh lịch sử của dân tộc được tác giả trực tiếp nhắc tới trong câu thơ. Đối với quân dân nhà Trần, chỉ cần nhắc tới hai chiến công vang dội có tính chất quyết định thành bại ấy cũng đủ để cất lên âm điệu tự hào, ngợi ca. Tác giả không miêu tả diễn biến trận chiến, cũng không diễn tả cảnh binh đao trận lửa mà chỉ kể lại bằng cách liệt kê nhưng như thế cũng đủ để ta hình dung được không khí trận mạc cùng tính chất gay go, căng thẳng của cuộc chiến. Đặc biệt để nói về chiến thắng, nhà thơ chỉ sử dụng hai cụm động từ “đoạt sáo, cầm hồ” với sức gợi mạnh mẽ, khẳng định quân ta luôn trong thế chủ động, tự tin, lấn át và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược cho dù chúng là ai. Trong phần dịch nghĩa, tác giả sử dụng từ dùng từ “cướp” để dịch thoát nghĩa cho từ “đoạt” trong phiên âm, tuy nhiên nó đã làm mất đi sắc thái ý nghĩa của hành động. “Cướp” thiên về sự phi nghĩa, trái với đạo lí, dùng sức mạnh để chiếm đoạt của người khác, nó đã làm mất đi sự hào hùng vốn có của hành động “đoạt” là tư thế chủ động, tự tin của phe chính nghĩa tước đoạt dã tâm xâm lược của kẻ thù. Với giọng điệu hào hùng, sôi nổi kể lại những chiến công oanh liệt, hào hùng cùng của dân tộc cùng hào khí chiến đấu, chiến thắng vẻ vang của quân và dân nhà Trần, hai câu thơ đầu đã cho thấy niềm vui sướng, hạnh phúc và đầy tự hào của nhà thơ, đồng thời đó cũng là sự biểu hiện cụ thể của tình yêu đất nước.

   Không ngủ quên trong chiến thắng, càng sung sướng, tự hào về chiến công bao nhiêu thì quân và dân nhà Trần càng quyết tâm để giữ gìn sự hòa bình, thịnh trị của dân tộc bấy nhiêu. Với giọng điệu dứt khoát, đầy tự tin Trần Quang Khải đã lên tiếng để nói về khát vọng ấy.

“Thái bình tu chí lực

Vạn cổ thử giang san”

   Đến hai câu thơ này, giọng điệu trở nên trầm lắng, niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc dường như tạm lắng lại, thay vào đó là phút suy tư sâu lắng về vận nước. Triều đại vừa trải qua cơn phong ba bởi nạn giặc xâm lược, đất nước còn bao điều bộn bề lo toan, thân làm chủ tướng, Trần Quang Khải làm sao không suy nghĩ, lắng lo cho được. Trong câu thơ, tác giả đã nhấn mạnh có thái bình rồi nên phải gắng sức dựng xây thì non nước mới được thịnh trị muôn đời. Câu thơ cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của một vị chủ tướng tài ba. Đó vừa là lời hứa quyết tâm cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước, cũng vừa là lời nhắc nhở con cháu đời sau về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với đất nước, dân tộc. Hai câu thơ khiến ta trân trọng, kính phục và cảm động biết bao trước tấm tấm lòng yêu nước thương dân và tài năng thao lược tài ba của người con tài giỏi nhà Trần.

   Với thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt ngắn gọn mà dồn nén cảm xúc, “phò giá về kinh” của Trần Quốc Tuấn vừa ngợi ca chiến thắng hào hùng của dân tộc, vừa thể hiện niềm tin sắt đá vào sự bền vững muôn đời của đất nước. Bài thơ được xem là bản hùng ca hòa trong dàn đồng ca yêu nước của dân tộc cùng với các tác phẩm như Nam Quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo,...Những khúc ca ấy đã khơi gợi trong mỗi chúng ta tình yêu đất nước và ý thức bảo vệ, xây dưng, giữ gìn đất nước trong mỗi người.

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 7 theo từng phần:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 7 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 7Những bài văn hay đạt điểm cao lớp 7.

Copyright © 2021 HOCTAP247