Khắp đất nước ta, đâu đâu cũng có rừng. Những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc, Việt Bắc, Trường Sơn, miền Đông Nam Bộ…hay những khu rừng nguyên sinh Cúc Phương, Cát Tiên, Bạch Mã, Cần giờ, U Minh… đều là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá đã tồn tại từ bao đời nay. Tục ngữ có câu “Rừng vàng, biển bạc”, quả là rừng đã đem lại cho con người những lợi ích lớn lao. Cho nên có thể nói, con người không thể sống thiếu rừng, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Như các bạn đã biết, suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, rừng gắn bó thân thiết với con người. Núi rừng Việt Bắc đã trở thành thủ đô của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp. Còn núi rừng Trường Sơn với con đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đau thương và oanh liệt. Trong thực tế thì rừng là nơi cung cấp nguyên liệu làm giấy, xây dựng nhà cửa và vật dụng gia đình. Thậm chí, phút cuối của đời, con người cũng nằm trong mấy tấm gỗ của rừng… Cảnh quang đẹp đẽ của rừng cùng với không khí trong lành là cơ sở cho những tua du lịch xanh, đem lại cho ta những phút thư giãn tuyệt vời sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng. Không những thế, rừng còn là kho dược liệu vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Các loại cây quý hiếm có thể trị được các bệnh nan y thường có trong rừng sâu. Ngoài ra, những cánh rừng già, rừng nguyên sinh ấy còn là nơi cư trú của các loài quý như hổ, báo, hươu, nai… và cả các loài động vật , thực vật nằm trong sách đỏ cũng chọn rừng làm nơi sinh sống. Nhưng quan trọng hơn hết, rừng chính là lá phổi xanh của loài người. Quá trình quang hợp của cây xanh là một thứ rất cần thiết cho cuộc sống. Theo cách hiểu đơn giản, rừng chính là “nhà máy lọc bụi tối tân nhất”. Rừng giúp điều hòa khí hậu. Rừng là lá chắn vững chắc nhất, là rào cản đầu tiên trước mọi biến động thiên tai. Rừng ngăn lũ lụt, hạn hán, chống sa mạc hóa, giữ đất giữ nước, cố định phù sa, tăng độ ẩm cho đất, giảm thiếu tiếng ồn… tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển.
Rừng bị tàn phá sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày. Hiện nay, diện tích rừng của nước ta ngày càng bị thu hẹp một cách đáng lo ngại, một phần bởi nạn “lâm tặc” phá rừng lấy gỗ quý, làm giàu bất chính, một phần bởi sự kém hiểu biết của người dân địa phương phá rừng lấy đất trồng trọt. Cũng cách làm thô sơ, lạc hậu như đốt rừng, làm nương rẫy, đốt ong lấy mật… nhưng chỉ sơ ý một chút là họ đã gây ra tổn hại khôn lường. Hàng ngàn héc ta rừng nguyên sinh bị cháy rụi, hàng ngàn động vật bị tiêu diệt, sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ… Biết mấy trăm năm nữa mới khôi phục lại được những cánh rừng như thế ?
Khai thác rừng để phục vụ cuộc sống con người là việc làm cần thiết nhưng muốn hưởng lợi ích lâu dài thì con người phải biết bảo vệ rừng. Cùng với việc chặt cây lấy gỗ, chúng ta phải biết trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc. Khai thác lâm sản rừng phải có kế hoạch, có mức độ, nếu không, chẳng mấy chốc mà tài nguyên rừng cạn kiệt. Khi đó, thử hỏi con người lấy gì để chống đỡ với gió, với cát, với nước lũ… và lấy đâu ra “rừng vàng” cho con cháu mai sau ?
Rừng thực sự đang bị đe dọa. Sự suy vong của nhiều cánh rừng đang báo động hiểm họa với nhân loại. Vì thế, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ rừng bởi như vậy cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Tôi hi vọng màu xanh của rừng sẽ trở lại và con tim ta sẽ nghe được nhạc rừng từ những giọng chim ca.
Copyright © 2021 HOCTAP247