I. ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỨC VÀ CHỨC NĂNG
Đọc các đoạn trích sau và trả lời câu hỏi.
a) Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, … Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)
b) Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào, thở không ra lời:
- Bẩm … quan lớn … đê vỡ mất rồi!
(Phạm Duy Tốn, Sống chết mặc bay)
c) Cai Tứ là một người đàn ông thấp và gầy, tuổi độ bốn lăm, năm mươi. Mặt lão vuông nhưng hai má hóp lại.
(Lan Khai, Lầm than)
d) Ôi Tào Khê! Nước Tào Khê làm đá mòn đấy! Nhưng dòng nước Tào Khê không bao giờ cạn chính là lòng chung thủy của ta!
(Nguyên Hồng, Một tuổi thơ văn)
Câu hỏi:
- Những câu nào trong các đoạn trích trên không có đặc điểm hinh thức của câu nghi vấn, câu cầu khiến hoặc câu cảm thán?
- Những câu này dùng để làm gì?
- Trong các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán và trần thuật, kiểu câu nào được dùng nhiều nhất? Vì sao?
Trả lời:
- Những câu trong đoạn trích trên không có đặc điểm hình thức của câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán là:
+ Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, … Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
+ Cai Tứ là một người đàn ông thấp và gầy, tuổi độ bốn lăm, năm mươi. Mặt lão vuông nhưng hai má hóp lại
- Những câu này dùng để kể sự việc, miêu tả, nhận định.
- Trong những kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, câu cảm thán và trần thuật, kiểu câu trần thuật được sử dụng phổ biến và nhiều hơn cả vì mục đích của con người dùng để trao đổi thông tin.
II. LUYỆN TẬP
Câu 1. Hãy xác định kiểu câu và chức năng của những câu sau đây:
a) Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình.
(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)
b) Mã Lương nhìn cây bút bằng vàng sáng lấp lánh, em sung sướng reo lên:
- Cây bút đẹp quá! Cháu cảm ơn ông! Cảm ơn ông!
(Cây bút thần)
Trả lời:
a) - Dế Choắt tắt thở. ⟶ Câu trần thuật kể lại chuyện Dế Choắt chết
- Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình. ⟶ Bộc lộ niềm thương xót, hối hận của Dế Mèn trước tội lỗi gây ra với Dế Choắt.
b) Câu trần thuật: " Mã Lương nhìn cây bút bằng vàng sáng lấp lánh, em sung sướng reo lên:"
⟶ Thuật lại sự việc Mã Lương có cây bút thần.
- Câu cảm thán: " Cây bút đẹp quá!"
⟶ Bộc lộ cảm xúc vui sướng trước cây bút đẹp.
- Câu trần thuật: "Cháu cảm ơn ông! Cảm ơn ông!"
⟶ Bộc lộ cảm xúc biết ơn người đã tặng bút thần.
Câu 2. Đọc câu thứ hai trong phần dịch nghĩa bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh (Trước cảnh đẹp đêm nay biết thế nào?) và câu thứ hai trong phần dịch thơ (Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ). Cho nhận xét về kiểu câu và ý nghĩa của hai câu đó.
Trả lời:
- Câu :" Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?"
⟶ Câu nghi vấn: có từ để hỏi "làm thế nào" kết hợp với dấu hỏi chấm.
- Câu trần thuật: " Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ."
⟶ Câu trần thuật với dấu chấm kết thúc câu.
- Cả hai câu đều nhằm mục đích bộc lộ sự xúc động, hân hoan trước cảnh đẹp của đêm trăng đẹp.
Câu 3. Xác định ba câu sau đây thuộc kiểu câu nào và được sử dụng để làm gì. Hãy nhận xét sự khác biệt về ý nghĩa của những câu này.
a) Anh tắt thuốc lá đi!
b) Anh có thể tắt thuốc lá được không?
c) Xin lỗi, ở đây không được hút thuốc lá.
Trả lời:
a) Câu cầu khiến với từ cầu khiến "đi", kết thúc câu bằng dấu chấm than. Mục đích yêu cầu người nghe dừng hành động hút thuốc lại.
b) Câu nghi vấn với từ nghi nghi vấn " được không". Mục đích yêu cầu tắt thuốc lá.
c) Câu trần thuật có dấu hiệu dấu chấm kết thúc cuối câu. Mục đích yêu cầu, đề nghị người nghe không được hút thuốc lá.
Câu 4. Những câu sau đây có phải là câu trần thuật không? Những câu này dùng để làm gì?
a) Đêm nay, đến phiên anh canh miếu thờ, ngặt vì cất dở mẻ rượu, em chịu khó thay anh, đến sáng thì về.
(Thạch Sanh)
b) Tuy thế, nó vẫn kịp thì thầm vào tai tôi: “Em muốn cả anh cùng đi nhận giải”.
(Tạ Duy Anh, Bức tranh của em gái tôi).
Trả lời:
- Câu ( a) là câu trần thuật dùng để cầu khiến (Lý Thông nhờ Thạch Sanh đi canh miếu thờ).
- Câu trần thuật thứ nhất của đoạn ( b) để kể sự tình. Câu trần thuật thứ hai để cầu khiến: mong muốn có anh trai đi nhận giải cùng.
Câu 5. Đặt câu trần thuật dùng để hứa hẹn, xin lỗi, cảm ơn, chúc mừng, cam đoan.
Trả lời:
- Tớ hứa sẽ đi học sớm hơn.
- Mình xin lỗi, vì bận quá mình không tới dự sinh nhật bạn được.
- Chúc mừng em đã giành giải cao trong kì thi vượt cấp vừa qua.
- Tớ đảm bảo sẽ gửi sách cho cậu đúng hẹn.
Câu 6. Viết một đoạn đối thoại ngắn có sử dụng cả bốn kiểu câu đã học.
Trả lời:
Minh: Cậu có cuốn sách "Kính vạn hoa" không?
Lan: Tớ có cuốn sách đó.
Minh: Ôi, thật là tuyệt vời! Cậu cho tớ mượn đi.
Lan: Ừm, mai tớ mang cho cậu nhé.
Copyright © 2021 HOCTAP247