"Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên"
(Nắng rọi Hương Lô khói tía bay)
⇒ Ngọn núi Hương Lô với những làn khói tía rực rỡ, huyền ảo làm nền cho thác nước.
⇒ Khung cảnh sống động, kì vĩ, huyền ảo, thấp thoáng như tiên cảnh.
"Dao khan bộc bố quải tiền xuyên"
(Xa trông dòng thác trước sông này)
→ Nhìn từ xa dòng thác nước như dải lụa trắng, được treo bất động vào khoảng giữa vách núi và dòng sông.
⇒ Khung cảnh thiên nhiên tươi sáng, huyền ảo.
"Phi lưu trực há tam thiên xích"
(Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước)
→ Dòng nước lao thẳng mạnh xuống. Gây ấn tượng mạnh mẽ về độ nhanh, sức đổ và thế đổ của thác nước
⇒ Hình dung thế núi cao, dốc, có cảm giác mạnh mẽ, choáng ngợp trước sự hùng vĩ của thiên nhiên.
⇒ Diễn tả qui mô khổng lồ và tốc độ nước ghê gớm của thác
"Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên"
(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)
→ Sử dụng phép so sánh (dòng thác như dải Ngân Hà) và phép phóng đại (tuột khỏi mây rơi xuống)
⇒ Cảm giác kì diệu. Câu thơ kết hợp cái thực và cái ảo, cái hữu tình và cái thần kì
⇒ Cái đẹp bất tử cho bài thơ. Thác núi Lư đẹp tráng lệ, hùng vĩ.
Đề bài 1: Phân tích bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" của Lý Bạch.
Gợi ý làm bài
1. Mở bài
2. Thân bài
“Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên”
(Nắng rọi Hương Lô khỏi tía bay)
→ Cảnh đẹp thác núi Lư được tả bằng mắt và bằng tưởng tượng vì nhà thơ đứng ở một nơi rất xa ngắm thác.
“Dao khan bộc bố quải tiền xuyên”
(Xa trông dòng thác trước sông này)
→ Câu thơ dịch rơi mất chữ “quải”. Hai câu thơ đầu có năm chi tiết được nói đến, có núi, thác và sông, có ánh mặt trời và làn khói tía. Chữ “sinh” là một vẻ động rất thần tình, gợi tả vẻ đẹp huyền diệu của núi và thác.
“Phi lưu trực há tam thiên xích”
(Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước)
“Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”
(Tưởng dài Ngân Hà tuột khỏi mây)
→ Với trí tưởng tượng phi thường và cảm xúc lãng mạn bay bổng, Lí Bạch sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh và thậm xưng để ví thác núi Lư kì vĩ, tráng lệ như dải Ngân Hà lấp lánh … triệu vì sao trên bầu trời. Dải Ngân Hà ấy đã rơi từ chín tầng mây cao xuống. Chữ “lạc” nghĩa là rơi, rụng, là thi nhãn trong câu thơ tuyệt cú.
3. Kết bài
Bài văn mẫu
Bài thơ có tựa đề Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư sơn bộc bố) nhưng câu thơ mở đầu lại không hề nói đôn ngọn thác ấy, mà miêu tả làn khói tía (tử yên) đang tỏa lên từ ngọn núi Hương Lô. Làn khói tía được “sinh” ra từ sự “giao duyên” giữa mặt trời và ngọn núi: “Nhật chiếu Hương Lô”. Nhờ sự giao duyên ấy mà không gian ở đây bỗng trở nên thi vị và thật hừu tình...
Nhưng cho dù đã đắm mình trong không gian ấy, chúng ta vẫn không quên rằng nhà thơ đang miêu tả ngọn thác núi Lư. Vậy câu mở đầu có phải lạc chủ đề không?
Ai cũng biết thơ Đường, trừ thơ trường thiên, thường có khuôn khổ gò bó, có những quy tắc rất nghiêm ngặt về số câu, số chữ... Bởi thế, để đạt được ý đồ nghệ thuật của mình, nhà thơ luôn phải chọn lựa những chữ rất “đắt” và hàm súc; phải dùng những thủ pháp nghệ thuật như gợi, ước lệ, tượng trưng...
Bài thơ của Lí Bạch mà chúng ta đang nói là một bài tứ tuyệt thất ngôn; lại là một bài hay của thơ Đường, thì chắc chắn mỗi câu, mỗi chữ của ông đều có một giá trị nghệ thuật nhất định.
Quả vậy, đọc lại câu thơ đầu ta không chỉ thấy một không gian thi vị, hữu tình mà còn cảm nhận tầm vóc vũ trụ của ngọn Hương Lô kia. Dưới mặt trời đang tỏa nắng là một ngọn núi tựa như một bình hương khổng lồ đang nghi ngút tỏa những làn khói tía vào vũ trụ. Hương Lô là một ngọn núi của dãy Lư Sơn, nơi ngọn thác đang đồ xuông.
Vậy thì ở câu thơ này, Lí Bạch không chỉ tả, mà điều côt yếu là ông muôn gợi, gợi mở tầm cao vũ trụ của ngọn thác. Nếu như câu một là gợi thì câu hai lại tả, nhưng tả thông qua sự cảm nhận mang đậm dấu ấn chủ quan của nhà thơ: đứng từ xa mà nhìn lại thì ngọn thác như treo (quải) trên dòng sông phía trước. Động từ “quải” (treo) gợi trí tưởng tượng của người đọc về thế dựng đứng của ngọn thác, tô đậm cảm giác về sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây.
Và chính ý đó đã tạo đà cho câu thơ thứ ba: "Phi lưu trực há tam thiên xích". Đến đây bức tranh ngọn thác núi Lư được hiện lên với nhưng đường nét rõ ràng nhất. Những động từ “phi” (bay), “trực” (thẳng) có sức biểu hiện mạnh mẽ, mang lại một ấn tượng mạnh về tóc độ và sức lực của dòng chảy đang đố xuống từ độ cao ba nghìn thước. Như vậy, sự kì vĩ, tầm vóc vũ trụ của ngọn thác mới chỉ đưực gợi và gợi tả ở câu một và câu hai, thì đến câu ba nó được thề hiện một cách cụ thể: chẳng những kì vĩ mà còn mang trong mình nó một sức mạnh vô biên, sức mạnh không gì cản được.
Dường như nét bút tả ngọn thác đã đến đỉnh điểm của nó. Và chính điều ấy khiến người đọc phải sững sờ bởi hình ảnh ngọn thác: "Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên". (Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây). Dải Ngân Hà - một dải màu sáng nhạt với những vì tinh tú nhấp nháy, vắt ngang bầu trời những đêm mùa hạ, không phải là một dòng sông thực, mà chỉ là một dòng sông trong tường tượng. Nói cách khác, dòng Ngân Hà chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, có tính trừu tượng. Việc nhà thơ mang một cái trừu tượng để so sánh với cái cụ thể đã làm cho cái cụ thể trừu tượng hơn. Nhưng nhờ đó mà hình ảnh thơ (ngọn thác) trở nên huyền ảo và mang một nét đẹp diệu kì. Trước vẻ đẹp ấy, người đọc bị chông chênh giữa hai chiều nhận thức: thực - ảo; tiên giới - trần gian;... Điều đó không có gì lạ, mà nó chỉ khẳng định thêm cái cảm nhận về sự giao duyên, gặp gỡ giữa trời và đất mà chúng ta đã nói đến ở câu một mà thôi.
Thơ với người là một. Nét bút bay bổng, mạnh mẽ của Lí Bạch ở đây cũng chính là tâm hồn của nhà thơ. Một tầm vóc kì vĩ, một sức mạnh hào hùng và vẻ đẹp nên thơ cũng chính là những khao khát, ước vọng mà nhà thơ Lí Bạch vẫn thường vươn tới.
Đề bài 2: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" của Lý Bạch.
Gợi ý làm bài
1. Mở bài
2. Thân bài
a. Vẻ đẹp kì vĩ của thác nước núi Lư
Nhật,chiếu Hương Lô sinh tử yên
(Nắng rọi Hương Lô khói tía bay)
→ Đỉnh núi Hương Lô là cái phông nền hoành tráng, tương xứng với vẻ đẹp phi thường của thác nước. Thời điểm miêu tả là vào buổi sáng, mặt trời tỏa nắng xuống vạn vật, tạo nên cảnh tượng tuyệt vời: Sương và mây bao phủ đỉnh núi Hương Lô, nắng chiếu xuống, hơi nước bốc lên như khói, phản quang ánh sáng mặt trời, chuyển thành màu tía lung linh, huyền ảo…
⇒ Lí Bạch miêu tả sự sống động của khung cảnh trên bằng động từ sinh và coi mặt trời là chủ thể làm cho mọi vật trở nên sống động.
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
(Xa trông dòng thác trước sông này)
→ Thể hiện cảm nhận ban đầu của nhà thơ trước hình ảnh tuyệt đẹp của thác nước. Từ góc độ và tầm nhìn xa rộng, Lí Bạch thấy thác nước giống như một dải lụa trắng khổng lồ treo dọc trên vách núi.
⇒ Sự kết hợp hài hoà giữa màu tía của khói sương và màu vàng của nắng, màu xanh thẫm của đỉnh núi và màu trắng xoá của dòng thác tạo nên một khung cảnh kì vĩ có một không hai.
Phi lưu trực há tam thiên xích
(Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước)
→ Đặc tả độ cao của ngọn núi Hương Lô và thác nước. Hình ảnh dòng thác tuôn từ đỉnh núi đầy mây phủ xuống chân núi thật hoành tráng và ấn tượng.
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên
(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)
→ Sự liên tưởng độc đáo bắt nguồn từ hiện thực kết hợp với trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ. So sánh thác nước với dải Ngân Hà tuột khỏi mây là một so sánh thân tình khiến câu thơ được đánh giá là danh cú (câu thơ nổi tiếng để đời).
⇒ Cảm giác kì diệu của nhà thơ khi ngắm thác núi Lư thể hiện rất rõ ở câu thơ này.
3. Kết bài
Bài văn mẫu
Lí Bạch (701 – 762), là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường. Tên chữ của ông là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cự sĩ, quê ở tĩnh Cam Túc. Lên năm tuổi, ông cùng gia đình định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc đất Miên Châu (Tứ Xuyên). Từ lúc còn trẻ, Lí Bạch đã thích đi du lịch khắp nơi, tìm cách tạo lập công danh sự nghiệp. Suốt đời, ông ấp ủ lí tưởng cứu đời, giúp dân nhưng chưa bao giờ toại nguyện. Lí Bạch có tài sáng tác thơ và ông được người hâm mộ đặt cho biệt hiệu là Thi tiên. Thơ ông biểu hiện một tâm hồn tự do phóng khoáng. Hình ảnh trong thơ tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên, điêu luyện. Lí Bạch viết nhiều bài rất hay về đề tài chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn. Trong mảng viết về thiên nhiên, Xa ngắm thác núi Lư là bài thơ độc đáo có giá trị muôn đời.
Phiên âm chữ Hán:
Vọng Lư Sơn bộc bố
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.
Dịch nghĩa:
Xa ngắm thác núi Lư
Mặt trời chiếu núi Hương Lô Sinh làn khói tía
Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước
Thác chảy như bay đổ thẳng xuống ba nghìn thước
Ngỡ là sông Ngân rơi tự chín tầng mây.
Dịch thơ:
Nắng rọi Hương Lô khói tía bay
Xa trông dòng thác trước sông này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.
Tên chữ Hán của bài thơ là Vọng Lư Sơn bộc bố, có nghĩa là trông từ xa, thác nước trên núi Lư chảy xuống như một tấm vải treo trước mặt. Tên bài thơ đã thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận cảnh vật và tài hoa của thi sĩ.
Với những hình ảnh tráng lệ, huyền ảo, bài thơ đã miêu tả một cách sinh động vẻ đẹp nhìn từ xa của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư; qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm và phần nào bộc lộ tính cách mạnh mẽ, khoáng đạt của tác giả.
Nhà thơ ngắm thác nước từ xa. Từ điểm nhìn đó, nhà thơ không thể miều tả một cách chi tiết, tỉ mỉ nhưng lại có lợi thế là được thưởng thức toàn cảnh và ông đã miêu tả thành công vẻ đẹp độc đáo của thác Lư Sơn.
Câu thứ nhất:
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
(Nắng rọi Hương Lô khói tía bay)
Vai trò của nó là phác họa ra cái phông nền hoành tráng, tương xứng với hình ảnh phi thường của dòng thác. Ngọn Hương Lô hiện lên với những đỉnh núi cao chất ngất, quanh năm mây mù bao phủ. Người đời đã đặt tên cho nó là Hương Lô (16 hương). Lí Bạch không phải là người đầu tiên phát hiện ra nét đặc trưng đó. Ba trăm năm trước, trong Lư Sơn kí (ghi chép về Lư Sơn), nhà sư Tuệ Viễn (334 – 417) đã tả: Khí bao trùm trên đỉnh Hương Lô mịt mù như hương khói. Cái mới mà Lí Bạch đem tới cho Hương Lô là miêu tả vẻ đẹp của nó dưới ánh nắng rực rỡ của mặt trời. Hơi nước bốc lên, phản quang ánh sáng mặt trời, đã chuyển thành màu tía lung linh, huyền ảo. Sự thực là hơi khói đã có từ trước, nói đúng hơn là tồn tại thường xuyên, song dưới ngòi bút của Lí Bạch, với động từ sinh, ánh sáng mặt trời xuất hiện như chủ thể làm cho mọi vật trở nên sống động.
Những vẻ đẹp khác nhau của thác nước được tác giả miêu tả trong ba câu tiếp theo:
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.
(Xa trông dòng thác trước sông này
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây).
Câu Dao khan bộc bố quải tiền xuyên thể hiện cảm nhận ban đầu của nhà thơ trước hình ảnh thác nước được ngắm từ xa. Qua cái nhìn đầy thi vị của Lí Bạch, thác nước vốn tuôn đổ ầm ầm từ đỉnh núi cao xuống đã biến thành một dải lụa trắng khổng lồ được treo trên vách núi. Trên đỉnh núi khói tía bốc mịt mù, dưới chân núi dòng sông tuôn chảy, choáng giữa là thác nước treo cao như dải lụa bạch, quả là một bức tranh hùng vĩ, hoành tráng!
Câu này còn có một cách hiểu khác. Quải là treo, tiền xuyên là dòng sông phía trước. Có người cho rằng dòng sông phía trước không phải là vị trí nơi thác đổ xuống, mà là hình ảnh dùng để so sánh với dòng thác nhìn từ xa. Nếu vậy thì cả câu có nghĩa là : Đứng xa trông ngọn thác giống như một dòng sông treo trước mặt. Thật là một hình tượng tuyệt mĩ được tạo nên bởi sức liên tưởng vô hạn của nhà thơ.
Ở bản dịch thơ, câu Xa trông dòng thác trước sông này vì đánh rơi mất chữ treo là chữ quan trọng nhất của câu thơ nên ấn tượng do hình ảnh dòng thác gợi ra biến mất. Trực tiếp tả thác song đồng thời tác giả lại giúp người đọc hình dung được thế núi cao và sườn núi dốc đứng, nên mới có cảnh Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước thật ấn tượng như vậy.
Vẻ đẹp huyền ảo của thác nước được nhà thơ miêu tả trong câu kết. Tác giả đã tỏ ra xuất sắc trong việc dùng các từ Nghi (ngỡ là), lạc (rơi xuống) và hình ảnh Ngân Hà. Ví thác nước giống như dải Ngân Hà tuột khỏi mây là một so sánh độc đáo đến mức kì lạ. Sông Ngân là dải sáng màu trắng vắt ngang bầu trời do các ngôi sao li ti hợp thành, thường nhìn thấy trong những đêm trời quang. Sự xuất hiện của hình ảnh Ngân Hà ở cuối bài đã được chuẩn bị từ hai câu đầu. Vì ngọn núi, Hương Lô luôn có mây mù bao phủ nên nhìn xa, thác nước đã được hình dung như một tấm lụa bạch lớn treo rủ, khiến người nhìn dễ liên tưởng tới dải Ngân Hà từ chân mây tuôn xuống. Mặt khác, trong thần thoại truyền thuyết Trung Hoa, Ngân Hà cũng đã được quan niệm như một dòng sông thực sự. Chữ lạc dùng rất đắt vì dòng Ngân Hà vốn nằm theo chiều ngang vắt qua bầu trời, còn dòng thác lại đổ theo chiều thẳng đứng từ đỉnh núi cao xuống mặt đất. Câu thơ cuối cùng này được coi là danh cú (câu thơ, câu văn hay nổi tiếng) vì đã kết hợp được một cách tài tình yếu tố chân thực và yếu tố huyền ảo, đặc tả được cảm giác kì diệu do hình ảnh thác nước gợi lên trong tâm khảm nhà thơ và để lại dư vị đậm đà trong lòng người đọc.
Bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của Lí Bạch ca ngợi một danh thắng của đất nước Trung Hoa. Nhà thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp kì vĩ của thác nước Lư Sơn và gửi gắm vào đó tình yêu thiên nhiên đằm thắm của mình. Văn tức là người. Bài thơ hé lộ cho ta thấy phần nào tầm hồn phong phú, trái tim nhạy cảm và tính cách mạnh mẽ, phóng khoang của bậc Thi tiên họ Lí.
HỆ THỐNG BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM
Câu 1: Chủ đề của bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" là gì?
a. Cảnh đẹp hùng vĩ của thác núi Lư.
b. Tâm hồn hoà nhập với thiên nhiên của nhà thơ
c. Cảnh thác núi Lư trong sự tưởng tượng phóng khoáng của thi nhân.
d. Cả a,b,c đều sai
Câu 2: Nhà thơ Lý Bạch được mệnh danh là gì?
Chọn phương án trả lời đúng:
a. Thánh thơ
b. Thần thơ
c. Tiên thơ
d. Cả a, b, c đều sai
Câu 3: Bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" được viết theo thể thơ nào?
a. Thất ngôn bát cú
b. Ngũ ngôn tứ tuyệt
c. Ngũ ngôn bát cú.
d. Thất ngôn tứ tuyệt
Bài tập trắc nghiệm
Câu 4: Vì sao nhân dân gọi ngọn núi cao của dãy Lư Sơn là Hương Lô?
Chọn phương án trả lời đúng:
a. Mặt trời chiếu núi Hương Lô, sinh ra khói tía nên gọi là Hương Lô
b. Núi cao có mây mù che phủ, trông xa như chiếc lò hồng nên gọi là Hương Lô
c. Mặt trời chiếu núi Hương Lô, mây mù che phủ nên gọi là Hương Lô
d. Cả a, b, c đều sai
Bài thơ Xa ngắm thác núi Lư là bài thơ tả cảnh thiên nhiên sinh động, tráng lệ, hùng vĩ và huyền ảo của thác nước núi Lư khi nhìn từ xa của nhà thơ Lí Bạch. Để nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như tình cảm mà tác giả gửi gắm vào trong bài thơ, các em có thể tham khảo bài soạn tại đây: Bài soạn xa ngắm thác núi Lư.
Copyright © 2021 HOCTAP247