Tóm tắt bài
1.1. Đề văn thuyết minh và cách làm bài văn thuyết minh
a. Đề văn thuyết minh
Đọc các đề văn thuyết minh trang 137, 138 và trả lời câu hỏi: Nhận xét về phạm vi các đề văn nêu trên. Dựa vào tính chất của bài văn thuyết minh để tìm hiểu đề văn và yêu cầu về nội dung của bài văn thuyết minh.
- Các đề văn trên đều yêu cầu viết kiểu văn bản thuyết minh có đề ghi rõ là thuyết minh nhưng có đề ghi là giới thiệu.
- Đối tượng thuyết minh là: một gương mặt trẻ của thể thao, một tập truyện, chiếc xe đạp, chiếc nón lá, chiếc áo dài Việt Nam, đôi dép lốp trong kháng chiến, một di tích, thắng cảnh nổi tiếng của quê hương, một giống vật nuôi có ích, hoa ngày Tết, một món ăn dân tộc, tết Trung thu, một đồ chơi dân gian.
- Đề yêu cầu giới thiệu, chứng minh, giải thích về đối tượng chứ không phải kể chuyện, miêu tả hay biểu cảm về đối tượng.
- Đề (a) Giới thiệu một gương mặt trẻ của thể thao Việt Nam, cần giới thiệu được gương mặt trẻ đó cụ thể là ai, thành tích thi đấu của người đó, vị trí của người đó trong đội, trong nền thể thao nước nhà...
- Đề (b) Giới thiệu một tập truyện, phải giới thiệu được tên tập truyện, nơi xuất bản, năm xuất bản, hình thức trình bày (khổ giấy, bìa, tranh ảnh...), nội dung, ý nghĩa tập truyện, có thể tìm mua ở đâu,...
- Đề (e) Thuyết minh về chiếc xe đạp, cần trình bày cấu tạo, nguyên tắc hoạt động của xe đạp; vị trí, tác dụng của phương tiện này trong đòi sống con người.
b. Cách làm bài văn thuyết minh
Đọc các câu văn (trang 138, 139) và trả lời câu hỏi:
a. Đối tượng thuyết minh của văn bản là gì?
- Đối tượng thuyết minh của bài văn là chiếc xe đạp.
b. Chỉ ra phần mở bài, thân bài và kết bài và cho biết nội dung của mỗi phần.
- Bài văn có bố cục: 3 phần.
- Phần Mở bài (hai câu đầu): giới thiệu khái quát về chiếc xe đạp.
- Phần Thân bài (Tiếp theo cho đến "chỗ tay cầm"): giới thiệu các bộ phận cấu tạo của chiếc xe đạp.
- Phần Kết bài: Khẳng định tiện ích của xe đạp, dự báo về vai trò của chiếc xe đạp trong tương lai.
c. Để giới thiệu về chiếc xe đạp, bài viết đã trình bày cấu tạo chiếc xe như thế nào? (xe gồm mấy bộ phận? Các bộ phận đó là gì? Các bộ phận ấy được giới thiệu theo thứ tự nào? Có thích hợp không? Vì sao?)
- Bài văn trình bày nội dung theo trình tự các bộ phận của chiếc xe đạp:
- Hệ thống truyền động.
- Hệ thống điều khiển.
- Hệ thống chuyên chở.
- Các bộ phận phụ khác.
- Các nội dung đưa ra cụ thể, rõ ràng, chính xác đến từng chi tiết nhỏ.
d. Phương pháp thuyết minh trong bài là gì?
- Bài văn sử dụng các phương pháp: nêu định nghĩa; liệt kê; dùng số liệu; so sánh; phân loại, phân tích.
1.2. Ghi nhớ
- Đề văn thuyết minh nêu các đối tượng để người làm bài trình bày tri thức về chúng.
- Để làm bài văn thuyết minh, cần tìm hiểu kĩ đối tượng thuyết minh, xác định rõ phạm vi tri thức về đối tượng đó; sử dụng phương pháp thuyết minh thích hợp; ngôn từ chính xác, dễ hiểu.
- Bố cục bài văn thuyết minh thường có ba phần:
- Mở bài: giới thiệu đối tượng thuyết minh.
- Thân bài: trình bày cấu tạo, các đặc điểm, ích lợi, ... của đối tượng.
- Kết bài: Bày tỏ thái độ đối với đối tượng.