Trang chủ Lớp 9 Ngữ văn Lớp 9 SGK Cũ Bài 20 Ngữ Văn 9 Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí - Ngữ văn 9

Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí - Ngữ văn 9

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Khái niệm

  • Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là quá trình kết hợp những thao tác lập luận để làm rõ những vấn đề tư tưởng, đạo lí trong cuộc đời.
  • Tư tưởng đạo lí trong cuộc đời gồm:
    • Lí tưởng
    • Cách sống
    • Hoạt động sống
    • Mối quan hệ giữa người với người (trong gia đình: cha mẹ, vợ chồng, anh em và những người thân thuộc khác, ngoài xã hội: bạn bè, đồng nghiệp,..)

1.2. Tìm hiểu bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí

Đọc văn bản "Tri thức là sức mạnh" trong sách giáo khoa (trang 34) để trả lời các câu hỏi.

a. Văn bản trên bàn về vấn đề gì?

  • Bài văn bàn về vấn đề vai trò của tri thức và người trí thức trong đời sống xã hội.

b. Văn bản có thể chia làm mấy phần? Chỉ ra nội dung của mỗi phần và mối quan hệ của chúng với nhau?

  • Có thể chia văn bản Tri thức là sức mạnh thành 3 phần:
    • Phần mở bài (đoạn mở đầu): đặt vấn đề "tri thức là sức mạnh".
    • Phần thân bài (hai đoạn tiếp): Chứng minh tri thức đúng là sức mạnh trong công việc và khẳng định tri thức là sức mạnh cách mạng.
    • Phần kết bài (đoạn còn lại): Phê phán những người chưa biết quý trọng tri thức và sử dụng tri thức không đúng mục đích.

c. Chỉ ra các câu mang luận điểm chính trong bài. Các luận điểm ấy đã diễn đạt rõ ràng, rứt khoát ý kiến của người viết chưa?

Các câu mang luận điểm:

Các câu mang luận điểm:

  • Các câu trong đoạn mở bài.
  • "Tri thức đúng là sức mạnh", "Rõ ràng người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi".
  • "Tri thức cũng là sức mạnh của cách mạng"
  • "Tri thức có sức mạnh to lớn như thế nhưng đáng tiếc là còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức", "Họ không biết rằng, muốn biến nước ta thành một quốc gia giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai cùng các nước trong khu vực và thế giới cần phải có biết bao nhiêu nhà trí thức tài năng trên mọi lĩnh vực!".
  • Các luận điểm được trình bày rõ ràng, thuyết phục, thể hiện được luận điểm chung: Tri thức là sức mạnh.

d. Văn bản đã sử dụng phép lập luận nào là chính? Cách lập luận có thuyết phục hay không?

  • Văn bản chủ yếu sử dụng phép lập luận chứng minh.
  • Từ những dẫn chứng cụ thể, người viết khẳng định sự đúng đắn của tư tưởng "Tri thức là sức mạnh" và "Ai có tri thức thì người ấy có được sức mạnh", qua đó phê phán những người không biết quý trọng tri thức, sử dụng tri thức sai mục đích và đề cao vai trò của tri thức đối với sự phát triển của đất nước.

e. Bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí khác với bài nghị luận về một vấn đề sự việc, hiện tượng đời sống như thế nào?

  • Bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng cuộc sống: Từ một sự việc, hiện tượng đời sống, người viết nêu ra vấn đề mang ý nghĩa tư tưởng, đạo lí.
  • Bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí: Bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích… làm sáng tỏ, một vấn đề tư tưởng, đạo lí, chỉ ra chỗ đúng (hay chỗ sai) của nó; qua đó khẳng định tư tưởng của người viết.

1.3. Ghi nhớ

  • Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo lí, lối sống,... của con người.
  • Yêu cầu về nội dung của bài nghị luận này là phải nêu rõ được vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích để chỉ ra mặt sai, mặt đúng của môt tư tưởng nhằm bày tỏ thái độ, ý kiến nhận định của người viết.
  • Về hình thức, bài viết phải có bố cục ba phần, có luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực, phép lập luận phù hợp, lời văn chính xác, sống động.

2. Soạn bài Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

Để nắm được nội dung bài học vững hơn, các em có thể tham khảo thêm bài soạn Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.

Copyright © 2021 HOCTAP247