Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu đề bài nghị luận về tác phẩm truyện
a. Đọc các đề bài và trả lời câu hỏi.
Đề 1: Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương ở Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
Đề 2: Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyệnngắn Làng của Kim Lân.
Đề 3: Suy nghĩ về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du.
Đề 4: Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
Các đề bài trên đã nêu ra những vấn đề nghị luận gì?
- Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương ở Chuyện người con gái Nam Xương.
- Diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân
- Thân phận của Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.
- Đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
Các từ suy nghĩ, phân tích trong đề bài yêu cầu ở người đọc những thao tác làm bài khác nhau như thế nào?
- Suy nghĩ: Thể hiện được những suy nghĩ, nhận định của bản thân về một vấn đề nào đó của tác phẩm.
- Phân tích: Phân tích một khía cạnh nào đó của tác phẩm để rút ra được những giá trị của tác phẩm.
1.2. Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)
Cho đề bài: Suy nghĩ về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân.
a. Tìm hiểu đề và tìm ý
- Xác định vấn đề nghị luận: nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.
- Xác định yêu cầu (mệnh lệnh) của đề bài: nêu suy nghĩ.
- Tìm ý:
- Ở nhân vật ông Hai, tình yêu làng hoà quyện với lòng yêu nước như thế nào?
- Nhân vật ông Hai có đặc điểm gì nổi bật nhất?
- Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai được bộc lộ trong tình huống nào?
- Những hình ảnh, chi tiết nào cho thấy một cách sinh động tình yêu làng, yêu nước của nhân vật này? (tâm trạng, cử chỉ, hành động, lời nói…).
b. Lập dàn bài
- Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân và truyện ngắn Làng.
- Giới thiệu nhân vật chính của truyện - ông Hai.
- Đưa ra nhận định chung về nhân vật này.
- Thân bài
- Tình yêu làng, yêu nước ở nhân vật ông Hai:
- Ở nơi tản cư, ông Hai luôn nhớ về cái làng của mình.
- Ông Hai thường xuyên theo dõi tin tức kháng chiến.
- Tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng mình theo Tây.
- Tâm trạng ông Hai khi tin đồn được cải chính.
- Đặc sắc về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Đặt nhân vật vào tình huống giàu kịch tính để khắc hoạ tính cách.
- Nghệ thuật miêu tả nhân vật: nội tâm, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ…
- Nghệ thuật kể chuyện: khắc hoạ nhân vật qua đối thoại, độc thoại…
- Kết bài
- Qua hình tượng nhân vật ông Hai, nhà văn Kim Lân ngợi ca tình yêu quê hương đất nước của người nông dân.
- Nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật.
- Mở rộng liên hệ, trình bày suy nghĩ, bài học từ vấn đề vừa nghị luận: Tình yêu làng, yêu nước của ông Hai giúp em hiểu thêm điều gì?
c. Viết bài
- Dựa trên hệ thống các ý đã sắp xếp trong dàn ý, viết thành bài văn hoàn chỉnh.
d. Đọc lại bài viết và sửa chữa
- Các em cần đọc lại và xem lại bài.
1.3. Ghi nhớ
- Bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có thể bàn về chủ đề nhân vật, cốt truyện, nghệ thuật của truyện.
- Dàn bài chung
- Mở bài: Giới thiệu tác phẩm tùy theo yêu cầu cụ thể của đề bài và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình.
- Thân bài
- Nêu các luận điểm chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu và xác thực.
- Kết bài: Nêu nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.
- Trong quá trình triển khai các luận điểm, luận cứ, cần thể hiện sự cảm thụ và ý kiến riêng của người viết về tác phẩm.
- Giữa các phần, các đoạn của bài văn cần có sự liên kết hợp lí, tự nhiên.
2. Soạn bài Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)
Để biết Cách viết bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cho đúng với yêu cầu của kiểu bài, các em có thể tham khảo
bài soạn Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).