Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Mục đích, yêu cầu cơ bản của bản tin

Ngữ liệu SGK trang 160

Câu 1: Bản tin trên thông báo tin gì? Tin đó có ý nghĩa như thế nào đối với ngành Giáo dục nói chung và học sinh Việt Nam nói riêng?

  • Bản tin này thông báo kết quả kì thi Ô-lim-píc Toán quốc tế của đoàn học sinh Việt Nam.
  • Tin đó có ý nghĩa: Kết quả dự thi đứng thứ tư toàn đoàn nhằm khẳng định trình độ của học sinh Việt Nam và thành quả bồi dưỡng nhân tài toán học của nước ta.

Câu 2: Vì sao tin trên lại có tính chất thời sự (ở thời điểm công bố)?

  • Bản tin mang tính thời sự nóng hổi vì sự việc xảy ra sau ba ngày đã được đưa tin, thể hiện tính cập nhật thông tin nhanh chóng.
    • Mang tin vui đến cho cả nước đặc biệt là ngành giáo dục
    • Khích lệ tinh thần dạy và học của thầy và trò.
    • Đối với học sinh là niềm tự hào riêng.
    • Bản tin có tính thời sự vì sự việc mới xảy ra (16/7), sau 3 ngày (19/7) đã được đưa tin.

Câu 3: Có cần đưa vào tin trên những chi tiết: đoàn đi về bằng phương tiện gì, ai làm trưởng đoàn, các thí sinh đã mang về quà lưu niệm gì,... không? Vì sao?

  • Không cần đưa những tin như: đoàn đi về bằng phương tiện gì, ai làm trưởng đoàn, các thí sinh đã mang về được những quà lưu niệm gì, … Vì các thông tin nêu trên là không cần thiết với dạng bản tin này, chúng không phục vụ gì cho yêu cầu thông báo sự việc chủ yếu là thông báo kết quả của đội tuyển Toán Việt Nam đi thi Ô-lim-pích quốc tế.

Câu 4: Việc đưa tin cụ thể, chính xác thời gian, địa điểm cuộc thi và kết quả đạt được của đội tuyển Ô-lim-pích Toán Việt Nam có tác dụng gì? Vì sao?

  • Đưa tin cụ thể chính xác thời gian, địa điểm, kết quả cuộc thi, có tác dụng đảm bảo tính chính xác, làm cho người đọc tin vào những tin tức được thông báo.

Câu 5: Theo anh (chị), yêu cầu cơ bản của một bảng tin là gì?

  • Yêu cầu cơ bản của một bản tin là: 
    • Phải đảm bảo tính thời sự (đưa tin kịp thời, nhanh chóng)
    • Tin phải có ý nghĩa xã hội, nội dung thông tin phải chân thực, chính xác.

⇒ Nội dung bài học:

  • Bản tin là một thể loại văn bản báo chí nhằm thông tin một cách chân thực, kịp thời những sự kiện thời sự có ý nghĩa trong đời sống
  • Mục đích yêu cầu: Bản tin phải đảm bảo tính thời sự (đưa tin kịp thời, nhanh chóng), tin phải có ý nghĩa xã hội, nội dung phải chân thực, chính xác

1.2. Cách viết bản tin

a. Khai thác lựa chọn tin

  • Trước khi viết cần khai thác, lựa chọn sự kiện có tính ý nghĩa, cụ thể, chính xác để có được những bản tin có giá trị (có tính thời sự và có ý nghĩa xã hội).
  • Khi đã lựa chọn được sự kiện (thông tin) để đưa vào bản tin, thì sự kiện đó phải có đầy đủ các nội dung (yêu cầu) sau đây:
    • Việc gì đã xảy ra (nội dung sự kiện).
    • Việc xảy ra ở đâu (không gian, địa điểm).
    • Việc xảy ra khi nào (thời gian cụ thể)
    • Ai làm việc đó (con người).
    • Việc xảy ra như thế nào (diễn biến, tính chất của sự kiện).
    • Kết quả ra sao (Kết cục của diễn biến, sự kiện).
  • Cần làm sáng tỏ nội dung bản tin
    • - Việc gì đã xảy ra? (Cuộc thi Ô-lim-pích Toán quốc tế lần thứ 45).
    • - Việc xảy ra ở đâu? (A-ten, Hi Lạp)
    • - Việc xảy ra khi nào? (Từ 14 đến 16 - 7 - 1004).
    • - Việc xảy ra như thế nào? (500 học sinh đến từ 85 quốc gia trong đó đoàn Việt Nam có 6 thí sinh).
    • - Kết quả? (Đoàn Việt Nam xếp thứ 4, với 4 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, đạt 196 điểm, trong khi đoàn Trung Quốc xếp thứ nhất cũng chỉ có 6 huy chương vàng, đạt 220 điểm.)
  • Tiêu chuẩn đề chọn tin và những nội dung cơ bản cần làm rõ của bản tin: Chọn những sự kiện tiêu biểu, những chi tiết tiêu biểu có tác dụng làm  sáng tỏ cho sự kiện tiêu biểu mà bản tin đã nêu.

b. Viết bản tin

  • Đặt tiêu đề 
    • Đảm bảo tính khái quát nội dung của bản tin. 
    • Có thể chọn cách diễn đạt đặc biệt gây hứng thú, sự tò mò cho người đọc.( Dạng câu hỏi, cách chơi chữ, có thể là một câu, một từ...) 
  • Cách mở đầu bản tin. 
    • Thông báo khái quát về sự kiện và kết quả. 
    • Cách triển khai chi tiết bản tin. 
    • Cụ thể, chi tiết các sự kiện, giải thích nguyên nhân, kết quả tường thuật chi tiết các sự kiện

⇒ Nội dung:

  • Trước khi viết tin, cần khai thác, lựa chọn sự kiện có ý nghĩa cụ thể, chính xác (khi nào, ở đâu, ai làm, xảy ra như thế nào, kết quả ra sao)
  • Tiêu đề và phần mở đầu của bản tin thường nêu trực tiếp, chứa đựng những thông tin khái quát, quan trọng nhất. Phần sau có thể chi tiết hóa, giải thích nguyên nhân hoặc kết quả, tường thuật chi tiết sự kiện.

2. Soạn bài Bản tin

Để biết cách viết một bản tin về những sự kiện xảy ra trong đời sống, các em có thể tham khảo bài soạn Bản tin.

Copyright © 2021 HOCTAP247