Trang chủ Lớp 9 Soạn văn Lớp 9 SGK Cũ Viết bài tập làm văn số 6 - Nghị luận văn học Chứng minh: "Về cơ bản, đây là một giai đoạn văn học sáng ngời tinh thần nhân đạo chủ nghĩa,.."

Chứng minh: "Về cơ bản, đây là một giai đoạn văn học sáng ngời tinh thần nhân đạo chủ nghĩa,.."

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

"Về cơ bản, đây là một giai đoạn văn học sáng ngời tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, vừa có bản sắc dân tộc, vừa có giá trị phổ quát toàn nhân loại". Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên

Về nội dung giá trị của văn học Việt Nam giai đoạn từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, có ý kiến cho rằng: “Về cơ bản, đây là một giai đoạn văn học sáng ngời tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, vừa có bản sắc dân tộc, vừa có giá trị phổ quát toàn nhân loại”. (Đặng Thanh Lê - Lịch sử văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đẩu thế kĩ XIX, trang 36 - Nhà xuất bản Giáo dục, 1991). Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Văn học Việt Nam từ xa xưa đã chịu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc từ nội dung đến hình thức. Đó là một điều khó tránh khỏi khi nước ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ cả nghìn năm. Mặt khác, đó cũng là quy luật tất yếu trong sự phát triển văn hóa của một nước trong khu vực văn hóa chung. Nhưng trải qua những thế kỉ xây dựng đất nước độc lập, văn hóa Việt Nam nói chung và văn học nói riêng ngày càng tự khẳng định mình, như giáo sư Đặng Thanh Lê đã viết, trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX: “Về cơ bản, đây là một giai đoạn văn học sáng ngời tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, vừa có bản sắc dân tộc, vừa có giá trị phổ quát toàn nhân loại”.
 
Dựa trên cơ sở của nhận định trên và bằng những tác phẩm đã học và đọc thêm trong giai đoạn này, em xin được trình bày những hiểu biết của em về ý kiến trên.

Văn học Việt Nam từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX mang những giá trị nhân đạo sâu sắc. Văn học ngợi ca và khẳng định những giá trị cao đẹp của con người, nhất là người phụ nữ, những con người luôn luôn bị xã hội phong kiến coi thường, thậm chí khinh rẻ như nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du bị coi như một đồ vật để cho bọn con buôn:
 
Đắn đo cân sắc cân tài
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.
 
Kiều bị đẩy đến chỗ tận cùng của sự cực khổ, tối tăm. Trong “đêm trường trung cổ”, khi mà số phận và nhân phẩm con người bị chà đạp không thương tiếc thì các nhà văn giàu lòng nhân đạo đã lên tiếng ca ngợi những vẻ đẹp của con người.
 
Trước hết là những vẻ đẹp bên ngoài:

- Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
 
- Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
 
Nếu như trong Truyện Kiều vẻ đẹp ngoại hình của con người được mô tả bằng bút pháp ước lệ, thì trong thơ Hồ Xuân Hương vẻ đẹp đó thường được mô tả rất hiện thực:
 
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
 
Có khi nhà thơ còn rất táo bạo, đùng bút thơ vẽ nên bức chân dung lồ lộ của người phụ nữ, đẹp mà không hề dung tục chút nào:
 
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
 
Nhưng giá trị con người được coi trọng nhất trong văn chương phải là những tài năng, phẩm chất và ý thức làm người của con người. Tiêu biểu cho những giá trị đó là nàng Kiều của Nguyễn Du. Ở nàng hội tụ nhiều tinh hoa của tài năng:
 
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
 
Nàng lại là người con chí hiếu, người tình hết mực thủy chung, một con người có nghĩa, có tình. Hơn thế nữa nàng lại là một con người luôn có ý thức làm người, luôn đấu tranh để vươn lên đỉnh cao của giá trị nhân phẩm.
 
Văn học giai đoạn này còn mạnh dạn đấu tranh cho vấn đề giải phóng tình cảm con người. Đã xuất hiện không ít những truyện thơ ca ngợi tình yêu tự do, vượt khỏi lễ giáo phong kiến. Đó là tình yêu tha thiết của Phạm Kim và Trương Quỳnh Như (Sơ kính tân trang). Đó là thiên tình sử tuyệt vời Kiều - Kim. Họ đến với nhau thật mạnh bạo, nồng nàn. Chàng thì “Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”, nàng thì “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”.

Không chỉ vậy, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương còn lên tiếng đòi sự bình đẳng nam nữ. Hình tượng người phụ nữ ấy thật sôi nổi, có một sức sống mãnh liệt. Nàng tự biết giá trị của mình không thua kém bất cứ loại đàn ông nào, từ các quan văn:
 
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
 
Đến các quan võ:
 
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiễu.
 
Người phụ nữ ấy luôn luôn muốn nổi loạn chống lại mọi lễ giáo, đòi được sống, được yêu thương, được coi trọng. Trong xã hội nam quyền ngự trị thì đó là một người phụ nữ kì diệu.
 
Văn học đề cao con người nên cũng căm ghét sâu sắc cái xã hội tàn bạo hãm hại con người. Họ lên án chế độ phong kiến đã chà đạp lên những tài năng như Khuất Nguyên, những nhan sắc, những đức hạnh như Thúy Kiều, những sinh linh vô tội như binh sĩ tử trận trong các cuộc chiến tranh tương tàn (thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du). Trong xã hội ấy con người luôn bơ vơ không đất dung thân. Bởi vì cuộc đời đầy những cạm bẫy nguy hiểm chực nuốt chửng con người.
 
Đời sau họ Thượng Quan hết thảy
Khắp nơi dòng chảy Mịch La.
(Nguyễn Du - Phản chiều hồn)
 
Giá trị nhân đạo của những tác phẩm văn học giai đoạn này, còn là những câu hỏi day dứt toát lên từ các tác phẩm, những câu hỏi nhân văn mà đến tự bây giờ vẫn chưa ai có thể trả lời hết:
 
- Hoa trôi man mác biết là về đâu?
 
- Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ,
Mặt chinh phụ ai vẽ cho nên?

Điểm cuối cùng em muốn nói đến điều này trong bài thơ Hàn dạ ngâm của Cao Bá Quát, một bài thơ be bé và một vấn đề vừa vừa, song lại thật xúc động và sâu sắc. Đó là mối đồng cảm giữa những con người quyền quý và những người dân lao khổ bình thường:
 
Dầu hết gọi nhỏ rót
Nhỏ nằm cứ ậm ờ
Vội vàng đi lấy chiếu
Đắp thêm cho chú ta.
 
Cử chỉ ấy thật đơn sơ. Nhưng ẩn chứa trong cái đơn sơ ấy là cả một tình cảm lớn lao, ấm áp. Và đặc biệt hơn, đó là sự chăm sóc của chủ đối với tớ, một sự gần gũi hiếm thấy ở thời xưa. Thì bài thơ này đâu có nhỏ. Nó góp phần nét tô đậm thêm nội dung nhân đạo của văn học giai đoạn này.
 
Như trên em đã nêu, bản sắc dân tộc của văn hóa người Việt có một sức sống rất mãnh liệt, nghìn năm Bắc thuộc vẫn không bị tiêu diệt. Văn học Việt Nam thời kì này đã tiếp tục làm rõ thêm bản sắc đó. Dù viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán, văn học Việt Nam vẫn ngời lên hình ảnh hào hùng của dân tộc, của những người anh hùng đánh giặc cứu nước. Đó là hình ảnh Quang Trung dẹp giặc Thanh mà tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí đã dựng lên, và hình ảnh Thánh Gióng oai hùng trong bài thơ Vịnh Đổng Thiên Vương của Cao Bá Quát. Họ là những anh hùng của dân tộc Việt Nam. Họ là sự khẳng định cho sức mạnh của một dân tộc. Đó cũng là ý thức tự tôn dân tộc, mà bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương là một minh chứng. Bà tả đền Sầm Nghi Đống bằng những lời thơ đầy coi thường khinh rẻ:
 
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kia đền Thái thú đứng cheo leo.
 
Thói thường, người ta hay chú ý khi bắt gặp một điều gì đó quá phi thường, hay quá lố bịch. Với lời thơ của Hồ Xuân Hương đã gợi nhắc đến điều đó. Bà không coi trọng gì cái ngôi đền đó cả, vì bà chỉ “ghé mắt trông ngang”. Thái độ ngạo ngược ấy, còn được bồi thêm cử chỉ bất kính: chỉ trỏ thản nhiên trước nơi thờ cúng “Kìa đền Thái thú”.
 
Bà đã tả đền Thái thú như một vật lạ, lố bịch và tức cười: đền đài gì mà đứng chênh vênh trên đất Việt. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu, là sự khinh bỉ với bọn đã từng xâm lược, cướp nước. Đến hai câu sau:
 
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.
 
Bà không mặc cảm mình là phụ nữ, không thừa nhận rằng phụ nữ là thấp kém. Vì cái sự nghiệp “anh hùng” của kẻ cướp nước kia bị bà coi cũng là quá kém cỏi. Bà ngang nhiên đặt tài năng của người phụ nữ Nam Việt này cao hơn cả cái kẻ đang được thờ trong ngôi đền đằng kia, kẻ đã từng làm lừng danh cho một đế quốc khổng lồ vùng Trung Á. Vậy thì bài thơ có phải là ý thức tự tôn dân tộc của Hồ Xuân Hương? Bà cho rằng một người phụ nữ nước Nam còn hơn một đấng đàn ông phương Bắc. Ý thức tự tôn dân tộc của Hồ Xuân Hương đã tô đậm thêm nữa cho bản sắc dân tộc của văn học Việt Nam thời kì này.
 
Bản sắc dân tộc còn được thể hiện qua từng lời từng chữ của các tác phẩm. Chỉ một chi tiết rất nhỏ “mây về Ngàn Hống” trong bài Vịnh mùa đông của Nguyễn Công Trứ đã cho thấy một sự cố gắng, nỗ lực của ông để thoát khỏi khuôn khổ ước lệ của thơ văn cũ. Bởi Ngàn Hống là tên nôm na của một ngọn núi miền Trung nước ta. Đặc biệt là thơ của Hồ Xuân Hương. Các bài thơ chữ Nôm của bà lời lẽ rất nôm na, dung dị như ca dao:
 
- Thân em vừa trắng lại vừa tròn.
(Bánh trôi nước)
- Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi.
(Mời trầu)
- Sau giận vì duyên để mõm mòm.
(Tự tình)
 
Nhà thơ không tuân theo lối văn chương bác học, mà ảnh hưởng sâu của văn học dân gian Việt Nam. Ngay đến cả tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, bên cạnh những lời lẽ chau chuốt tinh xảo, ý nghĩa, uyên bác, lại những câu phảng phất âm điệu của câu ca dao dân gian:
 
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoảng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu.
 
Gợi nhớ câu ca dao:
 
Buồn trông con nhện giăng tơ...
Buồn trông chênh chếch sao mai...
 
Những câu thơ ấy rất nhiều trong tác phẩm, khiến cho tác phẩm giàu tính dân tộc, gần gũi với người dân, ngay cả những người ít học.
 
Qua một số ý đã trình bày và một số minh chứng trên đây, em hi vọng rằng mình đã góp phần làm sáng tỏ những giá trị nhân đạo và bản sắc dân tộc của văn học Việt Nam từ nửa sau thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX. Văn học thời kì này với sự đề cao giá trị làm người, khẳng định quyền sống của con người, lại được diễn đạt bằng ngôn ngữ dân tộc, cách cảm nhận và tâm hồn dân tộc... đã làm nên những tác phẩm văn chương rất đẹp của nền văn học cổ nước nhà.

Copyright © 2021 HOCTAP247