Đề bài: Nêu cảm nhận của em về bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Bác Hồ vị cha già, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Viết về sự ra đi của bác đã có không ít bài thơ gây xúc động lòng người như bài “Bác ơi” của Tố Hữu:
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!
Và góp một phần nhỏ bé những cũng không kém phần xúc động vào đề tài ấy, bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương đã để lại trong lòng người đọc những rung cảm sâu sắc về giọng văn thấm đẫm tâm trạng, nỗi đau xót khi từ miền Nam ra thăm lăng Bác.
Cả bài thơ, đọc đến đâu ta cũng như chạm vào những rung cảm mãnh liệt, tha thiết của tác giả khi tiến vào thăm lăng Bác. Mở đầu bài thơ là tâm trạng của ông khi đứng ngoài lăng, ngắm nhìn những hàng tre xanh bát ngát quần tụ canh giấc ngủ ngàn thu cho Bác:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.
Ôi hàng tre, xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa vẫn đứng thẳng hàng.
Đó là sự bồi hồi, xúc động khi được đứng trước Người cha già của dân tộc. Viễn Phương đã thật khéo léo khi sử dụng cặp đại từ xưng hô “con – Bác” cho thấy tình cảm gắn bó, sự gần gũi thân thiết của tác giả, đồng thời còn thể hiện sự tôn kính, qua đó bộc lộ tình cảm yêu thương dành cho người ruột thịt, người trong gia đình. Ông cũng thật tinh tế khi sử dụng từ “thăm” thay cho từ viếng, làm giảm bớt nỗi đau thương, mất mát, đồng thời khẳng định sự bất tử của Bác trong lòng con dân Việt Nam. Câu thơ dung dị, như buột miệng mà nói ra nhưng chứa đựng biết bao sự chân thành, nỗi bồi hồi, xúc động của nhà thơ khi được viếng lăng Bác.
Điều tác giả ấn tượng nhất trước khi vào lăng đó chính là những hàng tre xanh xanh, bát ngát. Hàng tre trải dài trước mắt, có cảm tưởng như cả quê hương, làng cảnh Việt Nam đang quần tụ về nơi đây, làm cho một nơi vốn xa lạ với tác giả trở nên thân thương, gần gũi hơn. Không chỉ vậy, hình ảnh “hàng tre xanh xanh” cũng rất giàu sức gợi, cho thấy vẻ đẹp tràn đầy sức sống của con người, đất nước Việt Nam. Không chỉ tràn đầy sức sống cây tre còn cho thấy vẻ đẹp kiên cường, bền bỉ, hiên ngang, bất khuất của dân tộc ta. Đồng thời, hình ảnh hàng tre cũng giống như người dân Việt Nam quây quần canh gác giấc ngủ cho Người, qua đó thể hiện tình cảm sâu nặng, thiết tha của người miền Nam nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung với Bác.
Sau những giây phút ban đầu, khi tiến vào trong lăng là nỗi xúc động trào dâng, là nỗi tiếc thương, lòng biếc ơn vô hạn Viễn Phương dành cho công lao của Người. Tác giả đã sáng tạo một câu thơ vô cùng độc đáo, ấn tượng: mặt trời trên lăng – mặt trời trong lăng. Sử dụng biện pháp ẩn dụ kết hợp với hình ảnh sóng đôi đã khẳng định sự vĩ đại của Bác với dân tộc Việt Nam. Nếu như mặt trời tự nhiên đem lại sự sống cho muôn loài, cho thiên nhiên vạn vật thì Bác chính là mặt trời của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Bác, dân tộc ta đã thoát khỏi kiếp tù hãm, nô lệ suốt hàng nghìn năm, đưa dân tộc ta đến với độc lập, tự do và hạnh phúc. Hình ảnh ẩn dụ vừa khẳng định, ca ngợi sự vĩ đại của Người, vừa thể hiện sự tôn kính, biết ơn Bác của toàn thể dân tộc. Sự thành kính với công lao to lớn của Bác còn được tác giả đúc kết trong hình ảnh vô cùng đẹp đẽ “tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Bảy chín năm cuộc đời bác đã dâng hiến trọn vẹn cho dân tộc, chưa có giờ phút nào bác nghĩ cho đời sống riêng, hạnh phúc cá nhân của chính mình, bác dâng cả tuổi xuân, sức lực cống hiến cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. Tràng hoa còn được kết từ hàng ngàn, hàng vạn trái tim để bày tỏ lòng thương tiếc, kính yêu vô hạn với vị cha già dân tộc.
Sang đến khổ thơ tiếp theo, gam màu rực rỡ đã nhường chỗ cho sắc màu dịu dàng, trong sáng của ánh trăng. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại nhắc đến trăng. Sinh thời Bác và trăng là đôi bạn tri âm, tri kỉ, trăng luôn có mặt bên Bác trong mọi thời khắc, những lúc khó khăn, gian khổ bị giam ở nhà tù Tưởng Giới Thạch: “Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt/ Nguyệt tòng song kích khán thi gia”, hay những ngày làm cách mạng ở chiến khu Việt Bắc: “Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”,… Phải chăng nhà thơ muốn những gì gắn bó, thân thuộc sẽ mãi bên Bác. Mặt khác, trăng sáng dịu hiền gợi lên vẻ đẹp tâm hồn sáng trong, cao đẹp của Bác. Bác có lúc ấm áp như mặt trời, có lúc hiền hậu như ánh trăng. Đó cũng là biểu hiện của sự vĩ đại trong con người Bác. Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” một lần nữa khẳng định sự bất tử của Bác trong lòng dân tộc. Đoạn thơ đã nói được nỗi lòng sâu kín của biết bao thế hệ, con người Việt Nam dành cho bác: lòng biết ơn, sùng kính và niềm thương tiếc vô hạn.
Khổ thơ cuối với kết cấu đầu cuối tương ứng như để hoàn chỉnh cuộc thăm viếng của tác giả với người cha kính yêu của mình. Tuy nhiên không dừng lại ở đó, kết thúc hành trình ấy, Viễn Phương lại có nguyện ước cao cả hơn, chân thành hơn:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu trốn này.
Điệp từ “muốn làm” được lặp lại ba lần cho thấy nguyện ước thiết tha, mãnh liệt của tác giả. Những nguyện ước thật nhỏ bé, khiêm nhường nhưng cũng đáng trân trọng làm sao: làm đóa hoa, con chim và làm cây tre trung hiếu. Đó là những ước nguyện giản dị mà chân thành, thiêng liêng.
Câu thơ cuối cùng khép lại, để lại biết bao dư ba, ấn tượng với người đọc về một giọng văn tha thiết, chân thành, về một thứ ngôn ngữ giản dị mà sâu sắc. Không chỉ dừng lại ở đó, bài thơ còn thể hiện tình cảm chân thành, tha thiết của tác giả cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam dành cho Bác. Qua đó, còn khám phá, ngợi ca truyền thống ân nghĩa, thủy chung của dân tộc ta.
Copyright © 2021 HOCTAP247