Trang chủ Lớp 7 Ngữ văn Lớp 7 SGK Cũ Bài 34 Ngữ Văn 7 Chương trình địa phương phần Tiếng Việt: Rèn luyện chính tả - Ngữ văn 7

Chương trình địa phương phần Tiếng Việt: Rèn luyện chính tả - Ngữ văn 7

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Nội dung luyện tập

a. Đối với các tỉnh miền Bắc

  • Người nói tiếng miền Bắc dễ mắc chính tả do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương đối với những tiếng có phụ âm đầu:
    • Tr/ch
    • S/x
    • L/n
    • R/d/gi

b. Đối với các tỉnh miền Trung, miền Nam

  •  Người nói tiếng miền miền Trung, miền Nam dễ mắc chính tả do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương:
    • Ở những tiếng có phụ âm cuối: c/t, n/ng.
    • Ở những tiếng có dấu thanh: dấu hỏi/dấu ngã.
    • Ở những tiếng có nguyên âm: i/ie, o/ô.
    • Những tiếng có phụ âm đầu: v/d.

1.2. Một số hình thức luyện tập

a. Viết những đoạn, bài chứa các âm hay dấu thanh dễ mắc lỗi

  • Nghe, viết một đoạn (bài) thơ hoặc văn xuôi.
  • Nhớ, , viết một đoạn (bài) thơ hoặc văn xuôi

b. Làm các bài tập chính tả

c. Lập sổ tay chính tả

Một số qui luật phân biệt các chữ hay mắc lỗi về chính tả.

  • Phân biệt ch/tr
    • Tr không kết hợp với các vần oa, oă, oe. Ch lại kết hợp với các vần này.
    • Những từ Hán Việt có dấu nặng và dấu huyền đều chỉ đi với tr.
      • Ví dụ: trụ sở, triệu phú, trạng nguyên, trật tự, doanh trại, trình độ, lập trường, trừng phạt.
    • Ch không kết hợp với các từ Hán Việt có dấu nặng và dấu huyền.
      • Ví dụ: Chuyện, chuyền nhau, chèo, chìm... là từ thuần Việt.
    • Không bao giờ tr láy âm với ch và ngược lại.
    • Những từ chỉ quan hệ gia đình, họ hàng thân thuộc, chỉ đồ dùng ở nông thôn hoặc chỉ ý phủ định đều dùng ch.
      • Chỉ quan hệ gia đình, họ hàng thân thuộc: Cha, chú, cháu, chắt, chút,...
      • Chỉ đồ dùng ở nông thôn: Chõng, chạn, chum, chĩnh, chậu, chiếu, chăn, chày, chảo, chổi...
      • Chỉ ý phủ định: Chẳng, chăng, chưa, chớ...
  • Phân biệt s/x
    • S không kết hợp với các vần oă, oe, uê; Còn X kết hợp được với các vần trên.
      • Ví dụ: xoắn ốc, xun xoe, xuê xoa...
    • S và X không láy âm với nhau (Các từ sản xuất, xuất sắc không phải là từ láy).
    • S hầu như không láy với các phụ âm khác, trừ các từ: đồ sộ, sáng láng, cục súc. Còn x thì phổ biến
      • Ví dụ: Lao xao, bờm xơm, xích mích, loăn xoăn....
    • Những từ chỉ loài vật cây cối thường viết là s.
    • Ví dụ: Sả, sung, sến, sói...
    • Những từ chỉ mức độ tính chất không bình thường, thườg viết là X.
    • Ví dụ: xiên xẹo, xếch, xoàng, xui...
  • Phân biệt d/r/gi
    • R và gi không kết hợp với các vần oa, oă, oe, uê, uy, uâ. Còn d thì kết hợp được với các vần trên.
    • R không có trong yếu tố Hán Việt.
  • Phân biệt l/n
    • L đứng trước âm đệm, n không đứng trước âm đệm. N không bao giờ đứng trước một vần bắt đầu bằng oa, oă, uâ, oe, uê, uy.
    • L lấy âm rộng rãi nhất trong tiếng Việt. N không lấy âm với âm đầu nào khác mà chỉ điệp âm đầu. Không có hiện tượng l lấy âm với n.

Phần 1

Đề bài: Lấy ví dụ minh họa phân biệt các chữ hay mắc lỗi chính tả.

1. Phân biệt các cặp phụ âm đầu s/x.

  • Ánh sao cũng đủ soi sáng xuống dòng sông xôn xao xanh biếc.
  • Với khẩu súng trong tay, Sơn xông xáo, sục sạo suốt buổi chiều trong rừng sâu xào xạc lá tươi.
  • Nghe xong câu chuyện của Xuân, anh thấy lòng xót xa sâu sắc, liền giúp Xuân sửa soạn ra xe về quê.
  • Xúng xính trong bộ quần áo mới, bé Xoan sốt ruột, cứ giục mẹ đi xem xiếc.
  • Sa vào trò đỏ đen cờ bạc, sớm muộn cũng khuynh gia bại sản, xơ xác thân tàn ma dại, xin sớm suy xét lợi hại xem sao!

2. Phân biệt các cặp phụ âm đầu ch/tr

  • Trời nắng chang chang, chú Trung vẫn trực trên một mỏm đá chông chênh giữa trùng khơi mênh mông.
  • Chiều chiều, trên trảng cát, lũ trẻ con làng Trình vẫn chơi trò đánh trận giả khôn biết chán.
  • Chú Chung chăm chút những chậu hoa trà với một thái độ trân trọng hiếm thấy.
  • Trò chuyện với chú Trình suốt một buổi tối, đêm ấy Trang trằn trọc vì thương các chú bộ đội nên không sao chợp mắt được, nhìn ra đã thấy nắng sớm chói chang.
  • Trầy chật mãi, chú Trịnh mới tròng được các chạc vào cổ con trâu sổng chuồng chạy rông từ chiều trên cánh đồng trống trải, trơ trụi.

3. Phân biệt d/r/gi.

  • Rõ ràng đã có ai đó giấu con dấu khiến cô văn thư rầu rĩ, rên rẩm vì việc đang dở dang.
  • Thầy giáo giảng bài rõ ràng, dễ hiểu, thế mà vẫn có tiếng cười rúc ra rúc rích ở cuối lớp, thật vô duyên.
  • Giỏi giang, khiêm tốn thì rõ ràng có tác dụng giáo dục, còn cứ dương dương tự đắc thì chỉ tổ rước mấy cái vạ vào thân.
  • Những chú chim ra giàng ríu rít giành nhau chỗ đậu trên cành bạch dương, dưới ánh nắng vàng rực rỡ.

Phần 2: Điền vào chỗ trống.

a. Điền tr/ch, s/x, r/d/gi, l/n vào chỗ trống

  • ...ái cây, ...ờ đợi, ...uyển ...ỗ, ...ải qua, ...ôi chảy, ...ơ trụi, nói ...uyện, chương...ình, ...ẻ tre.
    • Đáp án: Trái cây, chờ đợi, chuyển chỗ, trải qua, trôi chảy, trơ trụi, nói chuyện, chương trình, chẻ tre.
  • ...ấp ngửa, sản ...uất, ...ơ sài, bổ ...ung, ...ung kích, ...ua đuổi, cái ...ẻng, ...uất hiện, chim ...áo, ...âu bọ.
    • Đáp án: Sấp ngửa, sản xuất, sơ sài, bổ sung, xung kích, xua đuổi, cái xẻng, xuất hiện, chim sáo, sâu bọ.
  • ...ũ rượi,...ắc rối, ...ảm giá, ...áo dục,...ung rinh, rùng ...ợn, ...ang sơn, ...au diếp, ...ao kéo, ...ao kèo, ...áo mác.​
    • Đáp án: Rũ rượi, rắc rối, giảm giá, giáo dục, rung rinh, rùng rợn, giang sơn, rau diếp, dao kéo, giao kèo, giáo mác.
  • ...ạc hậu, ...ói liều, gian ...an, ...ết na, ...ương thiện, ruộng ...ương, ...ỗ chỗ, ...én lút, bếp ...úc, ...ỡ làng.
  • Đáp án: Lạc hậu, nói liều, gian nan, nết na, lương thiện, ruộng nương, lỗ chỗ, lén lút, bếp núc, lỡ làng.

b. Điền dấu ngã/hỏi

  • Ve tranh, biêu quyết, dè biu, bun rủn, dai dăng, hương thụ, tương tượng, ngày giô, lô mãng, cô lỗ, ngâm nghĩ.
  • Đáp án: Vẽ tranh, biểu quyết, dè bỉu, bủn rủn, dai dẳng, hưởng thụ, tưởng tượng, ngày giỗ, lỗ mãng, cổ lỗ, ngẫm nghĩ.

2. Soạn bài Chương trình địa phương phần Tiếng Việt: Rèn luyện chính tả

Để biết cách phát hiện và sửa một số lỗi chính tả thường mắc ở địa phương, các em có thể tham khảo

bài soạn Chương trình địa phương phần Tiếng Việt: Rèn luyện chính tả.

Copyright © 2021 HOCTAP247