Dựa vào hình 38.3 và kiến thức đã học, hãy nêu những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển ở nước ta.
a) Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản:
- Vùng biển nước ta có hơn 2000 loài cá, trong đó khoảng 110 loài có giá trị kinh tế như cá nục, cá trích, cá thu, cá ngừ, cá hồng,... Trong biển có trên 100 loài tôm, một số loài có giá trị xuất khẩu cao như tôm he, tôm hùm, tôm rồng. Ngoài ra còn có nhiều loài đặc sản như hải sâm, bào ngư, sò huyết,...
- Tổng trữ lượng hải sản khoảng bốn triệu tấn (trong đó 95,5% là cá biển), cho phép khai thác hàng năm khoảng 1,9 triệu tấn.
- Cả nước có 4 ngư trường trọng điểm: Hải Phòng - Quảng Ninh, Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa -Vũng Tàu, quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, Cà Mau - Kiên Giang.
- Ven biển có nhiều vũng vịnh, đầm phá, cửa sông, rừng ngập mặn...thuận lợi để nuôi trồng thủy sản.
b) Du lịch biển - đảo
- Dọc bờ biển nước ta, suốt từ Bắc vào Nam có trên 120 bãi cát rộng, dài, phong cảnh đẹp, thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch và nghỉ dưỡng.
- Nhiều đảo ven bờ có phong cảnh kì thú, hấp dẫn khách du lịch. Đặc biệt, vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
c) Khai thác và chế biến khoáng sản biển:
- Biển nước ta là nguồn muối vô tận, dọc bờ biển nhiều vùng có điều kiện thuận lợi để sản xuất muôi. Hằng năm các cánh đồng muối cung cấp hơn 900 nghìn tấn muối, các cánh đồng muối nổi tiếng là Cà Ná, Sa Huỳnh.
- Dầu khí là tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất ở thềm lục địa phía Nam. Nước ta có 8 bể trầm tích: sông Hồng, Hoàng Sa, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Tư Chinh- Vũng Mây, Trường Sa, Thổ Chu -Mã Lai; trong đó hai bể trầm tích lớn nhất là Nam Côn Sơn và Cửu Long.
- Vùng biển nước ta nhiều sa khoáng với trữ lượng công nghiệp: titan, cát thủy tinh (Quảng Ninh, Khánh Hòa).
d) Giao thông vận tải biển:
- Nước ta nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên biển Đông.
- Dọc bờ biển có nhiều cửa sông, vũng vịnh kín gió, thuận lợi xây dựng các cảng nước sâu (cảng Hải Phòng, Cái Lân, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu,..).
Copyright © 2021 HOCTAP247