Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng
Đó là tiêu chuẩn lí tưởng của người đàn ông trong bất cứ thời đại nào. Trong thời loạn, chí khí ấy lại càng cần thiết. Phạm Ngũ Lão đã hình tượng hoá quan niệm của Nho gia về đáng nam nhi. Đây là một quan niệm dúng đắn và cao đẹp. Là con người, dù là đàn ông hay đàn bà, dù là già hay trẻ đều phải có trách nhiệm với đất nước, với quê hương, với cộng đồng, huống chi là người tráng sĩ sinh ra trong thời loạn. Họ phải biết mang sức lực, tài trí của mình ra giúp dân, giúp nước, bảo vệ sự ổn định của xã hội. Với những bậc quân tử xưa, đền nợ nước, báo ơn vua là lí tưởng và mục đích sống của họ. Như Nguyễn Công Trứ từng nói:
Đã sinh ra ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Nếu họ không thực hiện được con đường công danh ấy, họ sẽ cảm thấy hổ thẹn với mọi người. Cả cuộc đời người quân tử chỉ có một lí tưởng duy nhất để theo đuổi đó là lập công danh. Con đường mà Nho giáo đã vạch sẵn cho tất cả các đấng nam nhi là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tư tưởng này đã trở thành một động lực thôi thúc các nhà Nho phát huy tài trí của mình ra giúp nước. Nhà Nho tiến bộ của thế kỉ XX – Phan Bội Châu- cũng đã từng thể hiện một cách hùng hồn và đầy nhiệt huyết cái chí khí ấy của người anh hùng thời loạn:
Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển rời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thủa há không ai?
Tư tưởng ấy đã làm nên một hình tượng đẹp thể hiện khát vọng cứu nước trong văn học Việt Nam:
Muốn vượt biển đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi
Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, đất nước ta đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Một đất nước nhỏ bé luôn đứng trước nguy cơ bị xâm lược nên ý thức giữ nước đã trở thành ý thức có tính chất bản năng của mỗi người dân. Vì thế mà hình tượng đẹp nhất về người anh hùng bao giờ cũng là người anh hùng thời loạn. Trong đó hình tượng người tráng sĩ trong Tỏ lòng là một hình tượng có vẻ đẹp lí tưởng, bởi thời kì lịch sử ấy, nhà Trần với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông đã viết lên những trang sử vô cùng chói lọi trong thiên sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.. Sau người tráng sĩ ấy còn biết bao hình tượng đẹp nữa, trong đó không thể không kể đến những anh bộ đội cụ Hồ, những anh vệ quốc quân trong kháng chiến chống Pháp, những anh giải phóng quân – chàng Thạch Sanh của thế kỉ XX – trong kháng chiến chống Mĩ…
Người anh hùng với lí tưởng cao đẹp đã từng đánh đông dẹp bắc, từng làm nên cái khí thế “nuốt sao Ngưu” dũng mãnh ấy, khi nhìn lại sự nghiệp của mình vẫn mang những niềm trăn trở day dứt:
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu
Đây là cái thẹn của một nhân cách cao đẹp. Như thế vẫn chưa thoả mộng công danh, người quân tử không có điểm dừng trong sự nghiệp công danh của mình. Phạm Ngũ Lão với Tỏ lòng đã thể hiện một nhân cách cao đẹp của người tướng lĩnh, con người suốt cuộc đời khao khát lập công, khao khát mang sức lực và tài trí của mình ra giúp nước. Bài thơ là niềm tự hào của mỗi chúng ta về truyền thống đạo đức, truyền thống yêu nước của cha ông ta.
Copyright © 2021 HOCTAP247