Nhân vật Hoàng trong truyện “Đôi mắt”
“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
(Kiều)
Hơn ba nghìn câu Kiều xúc động cả tâm hồn nhân loại, là vì nhà thơ đã có con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời. Cho nên vấn đề “đôi mắt” luôn luôn được đặt ra với nhà nghệ sĩ, nhất là vào những giờ phút nghiêm trọng của lịch sử. Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà văn cần có lập trường quân điểm đúng đắn về cuộc kháng chiến, về vai trò của nhân dân lao động trong công cuộc cứu nước. Với sự nhạy cảm và tài hoc của một nhà văn lớn, Nam Cao đã sáng tác truyện ngắn “Đôi mắt”. Tô Hoài coi đây là một tuyên ngôn nghệ thuật của thệ hệ nhà văn cùng lứa với Nam Cao trong những ngày đầu tham gia cách mạng và kháng chiến. Tài hoa của Nam Cao bộc lộ trong việc xây dựng nhân vật Hoàng. Tính cách của Hoàng được bộc lộ qua hai mối quan hệ: một công dân ở vào thời điểm trọng đại của lịch sử dân tộc và một nhà văn.
Nguyên mẫu của nhân vật Hoàng là một nhà văn đàn anh trong văn giới trước đây ở Hà Nội. Nhà văn này có thái độ ghen ghét, đố kị đối với đồng nghiệp, là người hay “đá bạn”, cũng là một tay chợ đên tài tình, một đại biểu giới trí thức lúc đó, chẳng yêu một cái gì chẳng làm gì..chỉ tài chửi đổng. Rồi Hà Nội bị giặc chiếm, Nam Cao đi kháng chiến, nhà văn nọ đi tản cư. Tình cờ Nam Cao gặp lại nhà văn đàn anh, thế là cuộc đụng độ tư tưởng đã xảy ra…Từ nguyên mẫu đó, Nam Cao đã hư cấu nên nhân vật Hoàng và Độ (Độ cũng là nhân vật tiểu thuyết chứ không còn là Nam Cao)
Hoàng đã xê dịch về không gian, từ Hà Nội nhà văn đã tản cư về miền quê, nhưng không xê dịch về tư tưởng. Dấu hiệu về hình thức cho thấy sự bất biến trong Hoàng. Chạy giặc mà Hoàng mang theo cả lối sống quý phái ở Hà Nội. Độ gần như kinh ngạc khi gặp lại Hoàng. Hoàng vừa xuất hiện ta đã thấy đó là nhà văn xa lạ với làng quê kháng chiến. “Đôi mắt” của Hoàng cứ lộ dần ra trong quá trình tiếp xúc với Độ.
Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Hoàng đứng ngoài cuộc, Hoàng ghét những nhà văn tham gia phong trào cách mạng. Độ tuy bấy giờ tuy là nhà văn đàn em, nhưng đã tỏ thái độ khinh bỉ những hành vi đê tiện của Hoàng. Độ cho rằng cách nhìn của Hoàng cũ kĩ, lạc hậu.
Hoàng đi tản cư về thôn quê chỉ là “chạy loạn”. Vợ chồng Hoàng mang theo nếp sống từ Hà Nội về, không chịu hoà nhập với cuộc sống chung quanh, “bất hợp tác” với những người kháng chiến. Hoàng chỉ thích phê phán những hiện tượng bề ngoài của cuộc kháng chiến. Hoàng thiếu thiện chí. Hoàng không tham gia công tác kháng chiến mà chỉ đứng ngoài “chửi đổng”. Đôi mắt Hoàng sắc sảo ở khía cạnh phát hiện những cái ngố của người dân quê. Độ đã phê phán cái nhìn lệch lạc của Hoàng thật là sâu sắc. “Anh ta chỉ thấy cái ngố bề ngoài trong hành động nói năng như một con vẹt của người thanh niên khi đọc thuộc lòng bài “ ba giai đoạn” của cuộc kháng chiến mà không thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ bên trong. Nam Cao triết lí rất thấm thía: “ Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản”…
Đôi mắt của Hoàng cũng được bộc lộ rõ ràng trong cái nhìn đối với nhân dân. Hoàng nói với Độ: “Từ trước tới nay, tôi chỉ toàn ở Hà Nội, thành thử chỉ biết những người nhà quê qua những truyện ngắn của anh. Bây giờ gần họ, tôi quả là thấy không thể chịu được”. Dưới mắt Hoàng họ toàn chỉ là những người ngu độn, lỗ mãng, ích kỉ, tham lam và bần tiện cả. Hoàng hoài nghi khả năng đánh Tây của họ: “Tôi thấy có nhiều ông tự vệ hay cả vệ quốc quân nữa táy máy nghịch súng hay lựu đạn làm chết người như bỡn”. Hoàng còn hoài nghi khả năng lãnh đạo chính quyền của họ: “Nhưng tai hại là người ta lại cứ muốn cho họ làm uỷ ban nọ, uỷ ban kia, thế mới chết người ta chứ! Nói ví dụ ngay như cái thằng chủ tịch uỷ ban khu phố tôi ở Hà Nội, lúc chưa đánh nhau. Nó là một anh hàng cháo lòng. Bán cháo lòng thì nó biết đánh tiết canh, chứ biết nó làm uỷ ban thế nào mà bắt nó làm uỷ ban? Ông chủ tịch làng này, xem giấy của nhà tôi, thấy đề Nguyễn Thục Hiền, cứ nhất định bảo là giấy mượn của đàn ông, theo ông ấy thì đàn bà ai cũng phải là thị này, thị nọ”. Những điều của Hoàng nói cũng có cơ sở nhưng điều quan trọng là cái tâm. Hoàng chỉ đứng ngoài châm chọc, khinh bỉ, rẻ rúng, chứ không tìm hiểu họ kĩ hơn, do anh ta thiếu thiện chí và không muốn hiểu, không chịu hiểu. Ngày trước Cách mạng tháng Tám, khi đặt vấn đề đôi mắt, Nam Cao đã cho rằng phải có đôi mắt của tình thương mới nhìn thấy được bản chất tốt đẹp của con người. Ông đã dẫn ra một câu văn Pháp: “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ” và “nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ” (Nước mắt). Hoàng thiếu cái tình ấy nên chỉ thấy phía hài hước đáng khinh ghét của người nông dân mà thôi.
Hoàng chỉ còn một chút niềm tin thì niềm tin ấy lại rơi vào chủ nghĩa anh hùng cá nhân. “Ấy đấy, tôi bi lắm..nhưng tôi chưa nản có lẽ chỉ vì tôi tin vào Ông Cụ. Tôi cho rằng cuộc Cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiên nay chỉ ăn vì người lãnh đạo cừ. Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài…”. Sùng bái cá nhân như vậy là bệnh ấu trĩ không đáng có ở một bậc đàn anh trong văn giới.
Hoàng không tìm thấy cảm hứng sáng tác cho mình bởi vì anh ta thiếu hẳn sự gắn bó, lòng nhiệt tình và lương tâm của người cầm bút trước những biến cố vĩ đại của dân tộc. Anh ta mong sẽ viết một cái gì đó ghi lại cái thời này theo kiểu “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Hoàng không thể tìm thấy nhân vật của mình bởi anh quá xa lạ với hiện thực bấy giờ.
Nhân vật Hoàng bộc lộ tài hoa nghệ thuật của Nam Cao. Hoàng là một nhân vật tư tưởng nhưng không khô cứng mà vô cùng sống động. Nhân vật Hoàng có sức khái quát nhưng cũng có cá tính sâu sắc. Tác giả đã kết hợp miêu tả ngoại hình với nội tâm và đặt nhân vật trong mối quan tương quan đối lập (với Độ) và tương quan đồng loã (với vợ).
Nghệ thuật xây dựng nhân vật mới mẻ hơn cả là Nam Cao đã phân tích để bộc lộ tư tưởng của thời đại và của chính mình. Nam Cao gửi vào Độ phần tích cực nhất của con người mình hồi ấy và đặt vào Hoàng một phần những ý nghĩ tiêu cực và hoài nghi của mình để mổ xẻ.
Nghệ thuật đối thoại của Nam Cao cũng đặc sắc. Nhân vật Hoàng thể hiện rõ cá tính và bản chất qua những đối thoại, Hoàng sắc sảo, thông minh, có tài diễn đạt hấp dẫn, có khả năng hài hước hoá, lố bịch hóa những gì mình không thích hay khinh ghét, như “các bố tự vệ”, “các ông uỷ ban”. Họ “vừa ngố và nhặng xị”, “đàn bà chửa mà đến nỗi họ cho là có lựu đạn giắt trong quần”, “họ đánh vần xong một cái giấy ít nhất phải mất mười năm phút, thế mà động thấy ai đi qua là hỏi giấy…”.
Qua đối thoại, ta thấy ngòi bút châm biếm của Nam Cao cũng thâm thúy, có một sự đối thoại ngầm trong những lời chế giễu của Hoàng. Đôi vợ chồng này chế giễu người nông dân là tệ, là ích kỉ thì chính họ ngay trong lời nói ấy lại bộc lộ cái tệ, cái ích kỉ của mình, và chính họ trở thành lố bịch và hài hước dưới ngòi bút của Nam Cao.
Hoàng là một nhân vật đặc sắc trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao. Hoàng vừa có những nét chung của tầng lớp trí thức lúc bấy giờ trước những biến cố lớn của lịch sử và kháng chiến như sống xa rời nhân dân, hoài nghi khả năng cách mạng của quần chúng, ác cảm đối với người dân quê. Hoàng nhìn người và nhìn đời bằng đôi mắt như thế nên càng đi nhiều càng thêm chua chát và chán nản. Hoàng cũng là một nhân vật có tính độc đáo. Nét riêng của Hoàng được biểu hiện ở ngoại hình, ở ngôn ngữ, cử chỉ, sở thích, ở mộng văn chương. Hoàng đúng là “con người này” nói như Hêgel.
Đọc “Đôi mắt”, được tiếp xúc với nhân vật Hoàng, sau những chuỗi cười chảy nước mắt, ta lại thấm thía một điều, đây cũng là một triết lí mà Nam Cao tôn thờ: Phải có đôi mắt của tình thương mới thấy được bản chất tốt đẹp của con người.
Copyright © 2021 HOCTAP247