Luyện tập thao tác lập luận so sánh
Bài viết hôm nay xin giới thiệu với các bạn về Luyện tập thao tác lập luận so sánh lớp 11!
Đề 1: So sánh tình cảm của hai nhà thơ khi về thăm quê hương qua hai bài thơ tứ tuyệt.
Hướng dẫn và gợi ý cách làm bài
- So sánh để thấy những nét giống nhau là so sánh tương đồng, để thấy những nét khác nhau là so sánh tương phản. Hãy đọc lại và suy nghĩ kĩ về hai bài tứ tuyệt của Chế Lan Viên (nhà thơ hiện đại Việt Nam) và Hạ Tri Chương (nhà thơ trung đại Trung Quốc), xem nên dùng cách so sánh nào (tương đồng hay tương phản), hoặc dùng cả hai cách so sánh đó.
- Hai bài thơ này vừa có nét giống nhau, lại có nét khác nhau:
+ Giống nhau: - Xa quê đã lâu, nay mới trở về thăm (tuổi lớn rồi; khi đi trẻ, lúc về già). - Quê hương thay đổi khác trước nhiều (nền nhà nay dựng cơ quan mới; trẻ con nhìn lạ không chào).
+ Khác nhau: - Bài 1: Tác giả nhận ra sự thay đổi của quê hương, nhưng tự nén tình cảm trong lòng mình, không hỏi người: Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người. - Bài 2: Tác giả xót xa khi nghe câu hỏi của trẻ con: Hỏi rằng khách ở chốn nào lại chơi. - Sự giống nhau và khác nhau đó đã nói lên tình cảm đối với quê hương thật sâu nặng của cả hai nhà thơ.
Đề 2: Học cũng có ích như trồng cây, mùa xuân được hoa, mùa thu được quả. Hướng dẫn và gợi ý cách làm bài - Đề này dùng cách so sánh tương đồng để thấy sự giống nhau của hai đối tượng được nói đến: học và trồng cây.
- Có thể thấy sự giống nhau đó như sau:
Học cũng có ích như Trồng cây: mùa xuân được hoa, (đối tượng 1) tương đồng với mùa thu được quả. (đối tượng 2).
- Ở đây, đối tượng cần làm rõ bản chất là học, nhưng lại phải lấy đối tượng trồng cây để làm rõ bản chất cho đối tượng học vì hai đối tượng này giống nhau, trong phép lập luận so sánh tương đồng. Có thể triển khai lập luận so sánh đó như sau:
- Ích lợi của việc học cũng giống như ích lợi của việc trồng cây (nêu luận điểm)
- Phân tích luận điểm bằng lập luận so sánh tương đồng (nêu các luận cứ):
+ Mùa xuân được hoa: đầu tiên được kiến thức hay, kĩ năng giỏi, tư tưởng, tình cảm tốt (hoa mang ý nghĩa đẹp, biểu thị cho những điều học được).
+ Mùa thu được quả: từ hoa thành quả là một quá trình phát triển của cây, biểu thị sự tích lũy ngày càng nhiều của việc học đế đem lại kết quả (quả). Đây chính là học thành tài, thành người có ích cho chính mình, cho xã hội, cho dân tộc và cho nhân loại.
+ Mùa xuân được hoa, mùa thu được quả là quá trình đi lên để đạt kết quả trong việc học.
Soạn bài luyện tập thao tác lập luận so sánh
Đề 3: So sánh ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương và ngôn ngữ thơ Bà Huyện Thanh Quan qua hai bài thơ Tự tình I và Chiều hôm nhớ nhà.
- Đối tượng so sánh ở đây là ngôn ngữ thơ trong hai bài thơ Nôm luật Đường của hai nhà thơ nữ. - Dùng cách so sánh tương đồng và so sánh tương phản vì ngôn ngữ thơ ở hai thi phẩm này vừa có nét giống nhau, lại có nét khác nhau.
+ Giống nhau: - Đều dùng chữ Nôm (tức ngôn ngữ của người Việt). - Ngôn ngữ dễ hiểu, mang tính dân tộc.
+ Khác nhau: - Bài 1 dùng từ thuần Việt, bài 2 bên cạnh những từ thuần Việt còn dùng một số từ Hán Việt: ngư ông, viễn phố, mục tử, cô thôn, lữ thứ, hàn ôn, và một điển cố: chốn Chương Đài. - Phong cách ngôn ngữ ở bài 1 là phong cách dân gian (với những từ: bom, chòm, om, mõm mòm, già tom,...), với cách gieo tử vận độc đáo (vần om) khiến cho bài.
thơ gần gũi, dễ đi vào lòng người; phong cách ngôn ngữ ở bài 2 là phong cách bác học (dùng từ Hán Việt, điển cố, hình ảnh ước lệ: ngàn mai gió cuốn, dặm liễu sương sa, người lữ thứ, nỗi hàn ôn) khiến cho câu thơ mang nét trang trọng, vẻ quý phái. - Hai bài thơ mang hai vẻ đẹp khác nhau, vẻ đẹp nào cũng đáng quý, và đều là những mẫu mực đẹp đẽ của tài Việt hóa thơ Đường của hai nữ sĩ thời trung đại.
ĐỌC THÊM
Cần đọc kĩ bài "Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải". Đây là bài viết hay, tác giả Hoài Thanh đã vận dụng thành công phép lập luận so sánh tương phản để làm nổi bật thiên tài Nguyễn Du trong việc khắc họa nhân vật Từ Hải so với Thanh Tâm Tài Nhân.
Trên đây là toàn bộ kiến thức mà muốn chia sẻ về Văn 11 Luyện tập thao tác lập luận so sánh 11!
Copyright © 2021 HOCTAP247