Đề bài: Phân tích truyện ngắn Người trong bao của Sê- khốp
Sê-khốp cây bút hiện thực xuất sắc của Nga cuối thế kỉ XIX. Ông sáng tác trên nhiều thể loại, nhưng thành công nhất là ở mảng truyện ngắn. Với nội dung hàm súc, giản dị đã vạch trần, lên án xã hội, tầng lớp cầm quyền đương thời, đồng thời phê phán sự sa đọa về một tinh thần của một bộ phận trí thức ở Nga lúc bấy giờ. Người trong bao là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông mang tinh thần phê phán sâu sắc.
Người trong bao được sáng tác khi Sê-khốp đang được điều trị bệnh tại thành phố Ianta, lúc này chế độ chuyên chế ở Nga đi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Các tầng lớp trong xã hội đều bộc lộ những ung nhọt, thối nát, và ngòi bút của ông trong tác phẩm này hướng đến lối sống “trong bao” của họ.
Nổi bật nhất trong đoạn trích này là nhân vật Bê-li-cốp. Hắn ta quả là một cái bao khổng lồ của xã hội bấy giờ. Mọi đồ dùng của hắn đều được cất giấu trong bao một cách cẩn trọng, kĩ lưỡng: cái ô, dao gọt bút chì, đồng hồ quả quýt. Không chỉ đồ dùng mà cả con người Bê-li-cốp cũng được gói gém trong những chiếc bao. Trang phục của ông ta là đôi giày cao su, cầm ô, và mặc áo bành tô trần bông, cổ cao luôn được dựng đứng để khuôn mặt được giấu kín, khiến không ai có thể nhìn thấy, nực cười hơn là tai ông ta cũng luôn được nhét bông, như sợ trúng gió. Đi xe ngựa hắn cũng phải che mui cho kín. Trong căn phòng ngủ, nơi hết sức riêng tư, nhưng hắn dường như vẫn sợ người ta nhòm ngó nên cửa lúc nào cũng được đóng kín, khi ngủ đắp chăn kín đầu bất kể thời tiết hôm đó ra sao. Bê-li-cốp luôn cố gắng thu mình vào vỏ ốc hết sức có thể, tạo một chiếc bao tự ngăn cách bản thân với thế giới bên ngoài. Bê-li-cốp quả là một kẻ lập dị, khác người.
Không chỉ ở hành động, mà tính cách của Bê-li-cốp cũng hết sức khác thường. Hắn là người nhút nhát, lo âu, sợ hãi, ghê tởm hiện tại, trong đầu hắn luôn hiển hiện câu nói: “Nhỡ lại xảy ra chuyện gì”. Bởi vì ghê tởm hiện tại, sợ hãi tương nên Bê-li-cốp chọn dạy tiếng Hi Lạp cổ, một thứ tiếng lỗi thời mà ít người muốn học. Mọi ý nghĩ của hắn cũng đều giấu trong bao, luôn tuân thủ theo thông tư, chỉ định của cấp trên, coi đó như là một thiên lệnh, không dám chống lại, không dám làm khác. Bê-li-cốp là con người thảm hại, yếu đuối, hắn ta là đại diện điển hình cho lối sống của một bộ phận không nhỏ ở Nga lúc bấy giờ, đó là sản phẩm của chế độ nông nô chuyên chế đương thời, đẩy mỗi người vào một cái bao do mình tự tạo ra.
Trong mối quan hệ với mọi người, Bê-li-cốp cũng tỏ ra mình là người cực kì dị thường. Cái cách mà hắn tạo nên mối quan hệ thân mật, gần gũi với người khác cũng khiến người ta vô cùng bực mình. Hắn đi hết nhà này đến nhà khác, kéo ghế ngồi và chẳng nói điều gì, hắn chỉ đưa con mắt vô hồn của mình nhìn mọi vật xung quanh trong khoảng một giờ rồi ra về. Hắn tưởng đó là cách duy trì quan hệ với mọi người nhưng thực chất đều khiến đồng nghiệp sợ hãi, xa lánh. Hắn sợ tất cả, sợ lối sống thiếu lạnh mành, sợ cả những hành vi tích cực: đọc sách, giúp đỡ người nghèo,… Nỗi sợ hãi của hắn dị thường như chính tính cách của hắn.
Những tưởng cuộc đời Bê-li-cốp sẽ được rẽ sang một trang mới, bước ra khỏi chiếc bao khổng lồ của mình khi gặp gỡ Va-ren-ca. Tình yêu nảy nở trong tim một kẻ dường như không biết đến tình yêu là gì. Hắn trân trọng đặt bức ảnh của Va-ren-ca lên bàn, ý nghĩa lấy vợ choán ngợp trong đầu hắn. Nhưng bức tranh biếm họa về hắn và Ve-ren-ca xuất hiện, nó được gửi đến tất cả các giáo viên trong trường, điều đó làm Bê-li-cốp giận tím người, “một ấn tượng nặng nề cho hắn”. Và điều làm cho y sốc nhất chính là hình ảnh hai chị em Va-ren-ca cưỡi xe đạp, cười nói ồn ào: “Trời hôm nay đẹp thật, đẹp tuyệt, đẹp gớm”, trước cảnh tượng đó Bê-li-cốp “ngẩn người ra” “mặt mày đang từ xanh mét chuyển sang trắng bệnh” và hắn nghĩ: “Chẳng lẽ giáo viên và đàn bà, con gái lại có thể cưỡi xe đạp, làm như thế coi sao tiện”. Điều mà mọi người coi là hết sức bình thường, là hành động tán dương cuộc sống thì hắn lại cho “coi sao tiện”, một điều bất bình thường. Bởi những hành động đó đã vượt ra khỏi cái bao chật hẹp, đầy kín những luật lệ của hắn. Suốt ngày hôm sau hắn sống trong dằn vặt, đau khổ, toàn thân run lên, giận đến tím người. Và hắn đã đến gặp Cô-va-len-cô với thiện chí để giãi bày nỗi buồn bực về bức tranh một người si tình mà một kẻ nào đó đã vẽ để chế nhạo hắn. Không chỉ vậy hắn còn đến để nhắc nhở, khuyên Cô-va-len-cô không nên đi xe đạp, không nên mặc áo thêu ra đường,… Điều đó làm Cô-va-len-cô một người bình thường, ưa tự do cảm thấy khó chịu: “Nhưng mà ông muốn cái gì mới được” và yêu cầu Bê-li-cốp không được thò mũi vào chuyện của gia đình anh. Kết thúc cuộc đấu khẩu là màn ẩu đả, Bê-li-cốp luống cuống, hoảng hốt khi bị Cô-va-len-cô túm cổ và ấn nhào xuống cầu thang. Hắn nhận lấy kết cục thảm hại dẫn đến cái chết đầy bi hài.
Cái chết của Bê-li-cốp trực tiếp là do tiếng cười của Va-ren-ca, tiếng cười đó đã đẩy nỗi sợ hãi của Bê-li-cốp lên đến đỉnh điểm, khi giờ đây hắn sẽ trở thành trò cười cho toàn thành phố, và có thể là nhân vật chính cho bức tranh biếm họa khác, không chị vậy hắn còn sợ các cấp chính quyền. Nỗi sợ bủa vây, khiến hắn trở về nhà, nằm đắp chăn suốt một tháng và chết. Cái chết của Bê-li-cốp là một điều tất yếu, bởi thực chất hắn đã chết từ mười lăm năm trước, hắn chỉ tồn tại chứ không hề sống. Cái chết của hắn đã hoàn thiện ước nguyện cuộc đời, được chui vào cái bao an toàn nhất, chắc chắn nhất mà không bao giờ phải chui ra nữa. Cũng bởi vậy, từ lúc đó gương mặt hắn trở nên hiền lành, dễ chịu và có phần tươi tỉnh hơn nữa.
Cái chết của hắn ban đầu cũng có ảnh hưởng đến mọi người, cuộc sống trở nên thoải mái, vui vẻ vì được giải thoát. Nhưng chỉ một tuần sau đó mọi thứ lại trở về như cũ, không có gì thay đổi. Kết thúc truyện Sê-khốp đã để lại bài học lớn cho người đọc, cái chết của một người không thể thay đổi xã hội, mà cần phải có một cuộc cách mạng, chỉ khi ấy mọi việc mới được thay đổi triệt để nhất.
Để tạo nên thành công cho tác phẩm không thể không nhắc đến những đóng góp về nghệ thuật. Cấu trúc truyện lồng trong truyện khiến câu chuyện trở nên chân thực, khách quan. Giọng điệu linh hoạt, khi mỉa mai châm biếm, khi điềm tĩnh trầm buồn. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, với việc lựa chọn chi tiết điển hình để xây dựng nhân vật điển hình. Xây dựng biểu tượng đặc sắc, giàu ý nghĩa: cái bao – lối sống trong bao kìm hãm, đè nén và giết chết con người.
Với nghệ thuật kể chuyện và xây dựng nhân vật đặc sắc, Sê-khốp đã xây dựng thành công hình tượng người trong bao xuất sắc nhất của văn học. Bê-li-cốp không chết bởi trong mỗi chúng ta đều có một phần, một mảnh nhỏ Bê-li-cốp đang sống. Tác phẩm lên án, phê phán kiểu người và lối sống trong bao, đồng thời thức tỉnh mọi người cần thay đổi suy nghĩ, cách sống để bước ra khỏi những cái bao đó.
Copyright © 2021 HOCTAP247