Phân tích hình ảnh người ra đi và tâm trạng người ở lại trong bài thơ Tống biệt hành
Như tên của thi phẩm Tống biệt hành viết về một cuộc chia tay dứt khoát nhuốm màu vĩnh biệt. Cuộc chia tay đặc biệt ấy sẽ có những tình cảm rất đặc biệt, Trong bài thơ, người được tiễn biệt là một tráng sĩ ôm chí lớn lên đường và người đưa tiễn là một tri kỉ tri âm... Hoài Thanh cho rằng cái độc đáo của bài thơ “đã làm sống lại cái không khí riêng của những bài thơ cổ nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”. Bâng khuâng và khó hiểu ừ đây có lẽ là một cuộc chia tay ngang trái và uẩn khúc. Nó tiêu biểu cho thời đại ấy nhưng lại có tính cách muôn thuở cổ điển.
Ngay từ khi mở đầu Tống biệt hành ta đã gặp cái âm hưởng tràn đầy của sự chia li, có điều sự chia li thật khác thường, ở đó “người” là kẻ ra đi, còn ta là kẻ đưa tiễn là người đưa tiễn. Hai đại tư xung hô rất lạ, không phải là “anh” với “tôi” mà là “ta” với “người”. Cách xưng hô như vậy phảng phất sắc thái của phương Đông cổ xưa. Nó đầy khẩu khí của những con người khẳng khái trung nghĩa. Cái khác thường nữa là dường như bài thơ mở ra cảnh tiễn đưa trên bến sông vào một buổi chiều nhưng thật ra cảnh vật ở đây rất mơ hồ không xác định, không có dòng sông; còn bóng chiều thì không rõ nó tươi thắm hay vàng vọt, Tuy nhiên rất nhiều cái “không” ấy của ngoại cảnh lại diễn tả rất nhiều cái “có” của tâm cảnh. Đó là cái bâng khuâng xao xuyến của lòng người trong buổi chia tay.
Hai câu đầu thể hiện cái khác thường ở nhạc điệu, Thâm Tâm như muốn thách thức quy luật về âm thanh của thơ xưa để tạo ra vẻ ngang tàng đầy khí phách và cũng đầy cảm xúc lưu luyến bồi hồi trong cảnh tiễn dưa. Câu đầu không có sự luân chuyển của bằng trắc mà hoàn toàn là những thanh bằng “Đưa người ta không đưa qua sông”. Có cái gì đó lặng lẽ, bình thản nhưng cũng có cái gì đó chộn rộn như cố nuốt một tiếng thở dài. So sánh với một câu thơ thất ngôn đầy thanh bằng của Quang Dũng “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” với câu mở đầu này sẽ thấy câu thơ của Quang Dũng vang lên tiếng đàn ngân nga giữa lòng người đầy hạnh phúc. Còn câu thơ ta đang quan tâm dù là đầy thanh bằng nhưng cái ngắt nhịp 2/5 tạo ra một cú sốc, một “điều thơ gắt”. Câu thơ thứ hai đã hoàn chỉnh ý thơ được mở ra từ câu thứ nhất bằng một câu hỏi hạ giọng “Sao có tiếng sóng ở trong lòng”, về cấu trúc ngữ âm rất đặc biệt. Đầu và cuối câu thơ là hai thanh bằng bình thản để khép lại chứa đựng những thanh trắc lởm chởm như một tâm sự rướm máu đầy biến động. Hai câu nói về tâm trạng của người đưa tiễn có sự đối lập giữa hoàn cảnh và tâm trạng, một thứ tình cảm đang lồng lộn muốn bức phá.
Dòng thơ thứ ba lại quay trở về với ngoại cảnh:
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Rõ ràng buổi đưa tiễn diễn ra vào một buổi chiều như bao nhiêu buổi chiều khác, không có một dấu ấn nào đặc biệt. Một buổi chiều “trung hòa”, không thắm hay vàng vọt (nghĩa là không vui cũng không buồn). Tuy nhiên nếu nhìn theo lối ngắt nhịp 2/2/3 thì ưu thế của thanh trắc vẫn là chủ đạo. So với câu thơ thứ hai thì “bóng” và “vọt” lại là mở đầu và kết thúc của câu thơ. Hình thức của câu thơ thứ ba đã gợi một không khí rất ảm đạm, nặng nề, nhức nhối.
Dòng thơ cuối cùng trở lại âm điệu của dòng thứ nhất:
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong
Hoàng hôn ở đây là hoàng hôn ở trong mắt của người ra đi mà nhân vật “ta” nhìn thấy. Câu hỏi thứ hai này là một sự thắc mắc: Đáng lẽ ở một buổi chiều bình thường sẽ không xuất hiện ánh hoàng hôn trong mắt người ra đi. Như vậy ngoại cảnh đối lập với tâm cảnh; người đưa tiễn dậy sóng ở trong lòng còn người ra đi tràn ngập hoàng hôn trong mắt dù rằng không có một con sóng nào, một ánh nắng hoàng hôn nào có thể gợi lên sự liên tưởng đó. Đây là một khám phá, một cách tân của Thâm Tâm so với thơ xưa. So sánh với bài thơ Tiễn Vi Phúng của Đỗ Phủ.
Gạt hàng lệ lúc trên sông tiễn bước
Trời cao man mác nghĩ buồn thay
Ta thấy khi li cách ở trên sông, tác giả nhìn bầu trời man mác thì lòng trào dâng nỗi buồn xa xăm. Trong tính ước lệ của văn chương cổ điển, cảnh chiều tà cũng thường được coi là một biểu tượng cho nỗi buồn chia li:
Chia phôi bằng cả nỗi lòng
Người như mây nổi, kẽ trông bóng tà
(Tiễn bạn - Lí Bạch)
Có lẽ cảnh chiều tà thường gợi buồn bởi vì đây là thời điểm kết thúc của một ngày. Mọi vật phải giã từ ánh sáng để đi vào bóng đêm âm thầm tăm tối. Bóng chiều tà trong thơ Lí Bạch là ngoại cảnh để gợi sầu thêm nỗi buồn ly biệt... Ở Thâm Tâm, ông bất chấp ngoại cảnh như thế nào, nội tâm vẫn được biểu hiện với những sắc thái rất cụ thể. Thậm chí ngoại cảnh đã mâu thuẫn với nội tâm. Tuy nhiên khi nhắc đến ngoại cảnh, Thâm Tâm cũng muốn dùng nó để ngụ một ý tình theo ý riêng của mình. Huy Cận trong “Tràng giang” cũng thế, toàn bài thơ đều mượn cảnh để nói tình.
Nhân vật “ta” rất muốn có một buổi hoàng hôn ảo não, rất muốn có con sông Dịch Thủy để đưa chàng tráng sĩ Kinh Kha của thời đại mới nhập cuộc vào sứ mệnh đại nghĩa. Nhân vật “người đi” tuy ta chưa hình dung ra sao nhưng thông qua cách nói của nhân vật “ta” thì anh đang dấn thân vào một lí tưởng rất đẹp và cũng đầy hiểm nguy đang đe dọa. Nghe được tiếng sóng của lòng mình đã là điều lạ nhưng nhìn thấy được hoàng hôn trong mắt bạn mình quả không dễ tí nào. Cái đáng nói là hoàng hôn ấy không được miêu tả rõ ràng mà nó chỉ xuất hiện trong đôi mắt trong - đôi mắt bình thản đang cố che giấu những cảm xúc thật của mình. Hình thức khổ thơ đầu rất phức tạp dựa trên hệ thống hình tượng đối nhau chính vì thế mà nó gây ấn tượng rất mạnh. Ta cũng có thể nhìn thấy hai người tri kỉ đưa tiễn nhau có vẻ dửng dưng nhưng đây là hai kẻ trượng phu đầy nam tính. Họ muốn bộc lộ cái kiêu dũng ra bên ngoài nên phải nén những giọt nước mắt và những lời lẽ khổ đau ở bên trong.
Chất kiêu dũng ấy còn được thể hiện rất đậm nét ở 6 câu thơ tiếp theo:
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Trước hết 2 tiếng “đưa người” được nhắc lại trong khổ thơ này không chỉ nhằm thông báo cho người đọc cái thời khắc chia li đã đến mà còn khắc họa sâu sắc hình ảnh “người ra đi”. Đấy không phải là một kẻ xa nhà bình thường mà là một hiệp sĩ lên đường vì nghĩa lớn mà nếu thất bại thì không mong ngày trở về. Giờ đây cách nói ra đi không hẹn ngày về, một đi không trở lại đã trở nên sáo mòn cũ kĩ nhưng đương thời và cả những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám thì đó là cách nói thường gặp trong văn chương yêu nước.
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
(Quang Dũng)
Hay như Chế Lan Viên đã từng nhắn nhủ “Con hãy ra đi đừng ngoái đầu lại” Đáng chú ý là đằng sau dáng dấp tráng sĩ, chinh phu có vẻ xưa cũ ấy là một tấm lòng mới, là tấm lòng của con người hiện đại. Đó là tấm lòng chân thành thiết tha hướng về Cách mạng, hướng về đồng bào. Và thực tế cuộc đấu tranh khi đó và những năm về sau hết sức quyết liệt, chuyện ra đi không biết ngày trở về không phải hoàn toàn lãng mạn và không có thật. Do đó sự dứt khoát của li khách lúc lên đường “Một giã gia đình, một dửng dưng ... Thì không bao giờ nói trở lại” là một thái độ đúng đắn. Nó làm say đắm không ít những con người đang say sưa với lí tưởng cứu nước. Gần đây người ta đã biết đích xác hoàn cảnh ra đời của Tống biệt hành. Nó là một trong ba bài của ba người bạn tiễn một người lên chiến khu Việt Bắc... dù đặt bài thơ vào hệ thống những bài lãng mạn chúng ta cũng không thể phủ nhận được ràng cuộc chia li này đã có một tiếng dội nhất định vào cảm hứng sáng tạo của Thâm Tâm.
Người ra đi thì như vậy, còn người ớ lại thì như thế nào?
Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cùng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay;
Giời chưa mùa thu tươi lắm thay,
Em nhỏ ngày thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Trong cái nhìn của nhân vật “ta”, người đưa tiễn ở đây có cả hình ảnh của người ra và cả tâm trạng người ở lại. ơ khổ thơ trên có thể thấy người ra đi với thái độ lạnh lùng dửng dưng thật kiên quyết dứt khoát, đến 2 khổ này “ta” nói rõ tới hai lần.
Ta biết người buồn chiều hôm trước
…
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Hèn chi đôi mắt trong vắt trong veo của người ra đi hết sức lạnh lùng trong buổi chiều nay lại được ta phát hiện chứa đựng “đầy hoàng hôn”. Vậy là đằng sau cái vẻ hờ hừng ấy lại là một thế giới nội tâm mạnh mẽ phong phú giàu cảm xúc. Người li khách cố ghìm nén lòng mình, quyết chí ra đi nhưng không sao tránh được nỗi buồn ấy. Cái chí của anh ta hơn người dĩ nhiên cái tình của anh cũng hơn người. Điều đáng nói là cái tình và cái chí lại mâu thuẫn và bắt buộc phải lựa chọn một trong hai cái đáng ra hòa hợp nhưng lại xung khắc. Dĩ nhiên người tráng sĩ phải lựa chọn cái chí, lí tưởng của mình. Nỗi buồn chiều hôm trước khi phải chia tay với hai người chị. Người ra đi buồn lắm bởi cả hai chị của mình như hai bông sen cuối mùa hạ, tiều tụy xác xơ sắp tàn, hai chị chỉ còn một dòng lệ sót để khóc níu chân em. Nỗi buồn sáng hôm nay khi phải chia tay với người con gái có đôi mắt biếc như phản chiếu cái trong xanh của bầu trời thu. Người con gái nhiều cảm xúc lưu luyến nhớ nhung nên chiếc khăn tay cũng đầy nước mắt. Nhi nữ cũng không níu chân được anh hùng. Thêm nữa thời gian và không gian đưa tiễn cũng thật ảm đạm: cảnh chiều hôm trước thì tàn tạ của sen, cảnh chiều hôm nay thì thương với tiếc. Tác giả đã khéo léo sử dụng vần “iếc” một vần thường gợi lên nỗi đau tinh thần khó lành lặn nên nó gây ám ảnh không nguôi.
Làm gì có hoa nở ra xanh biếc
Nụ tầm xuân trong ca dao ấy mà
Ấy là lúc lòng người nuối tiếc
Và bây giờ bóng chiều không thắm không vàng vọt. Người ra đi trong buổi hoàng hôn đầy nỗi đau và ra đi khi chí nhớn còn quá xa mờ nên nó cũng vàng vọt những nỗi niềm phấp phỏng lo âu cho người ở lại.
Tống biệt hành còn có bốn dòng thơ nữa mới kết thúc:
Hơi thu đầu núi gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Buồn ở lưng trời nghe đã lại
Tiếng đời xô động tiếng lòng câm
Nhưng con mắt tinh tế của nhà phê bình Hoài Thanh đã mạnh dạn cắt bỏ để kết thúc lại 4 dòng thơ tức tưởi, nghẹn ngào và mở ra rất nhiều suy tưởng cho người đọc:
Người đi? ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say
Dòng thơ đầu của khổ thơ cuối đã xác thực một điều người ở lại biết nhưng không dám tin vào điều ấy lại xảy ra một cách đột ngột như thế. “Người đi” - nhân vật đưa tiễn rất sửng sốt và nghi vấn lại vừa cảm kháng nuối tiếc “ừ nhỉ”. Tiếp theo là sự xác nhận một lần nữa “người đi thực”. Thanh trắc cuối cùng như một niềm ấm ức không được giải tỏa, nó đè nặng trên ngực trở thành một nỗi đau.
Có một câu hỏi và câu trả lời ở trong một dòng thơ, một tâm trạng. Ta như thấy hiện lên cái vẻ ngang tàng dứt khoát của người lên đường. Thế nhưng ba dòng thơ sau lại vang lên chữ “thà” như từ trong tâm trạng của kẻ đi và của người ở lại. Có rất nhiều cách hiểu khổ thơ này. Thứ nhất là tất cả những người trong gia đình đã dùng ý nghĩ coi như không có người ra đi này ở trong gia đình mình đế tự an ủi. Ta có thể kết lại: Người mẹ đã thà coi đứa con mình như chiếc lá rụng rồi, chị đã thà xem em mình như hạt bụi, người em đã thà coi anh mình như hơi rượu say. Một chiếc lá bay vẫn còn nhiều chiếc lá; hạt bụi là một vật không có giá trị giữa trần ai; hơi rượu say chỉ là cái chếnh choáng trong chốc lát... Cũng có thể hiểu vì sự nghiệp lớn người ra đi đã từng tuyên bố “ba năm mẹ già cùng đừng mong”, vì thế muốn ra đi thì phải có thái độ cực đoan. Anh ta thà coi mẹ như chiếc lá bay; thà xem hai chị mình như hạt bụi; anh thà coi em như hơi rượu say... Hiểu cách nào cũng có cái riêng của nó nhưng dù với cách nào đi nữa thì cũng văng vẳng lên tiếng nói nghẹn ngào đắng chát của mặc cảm bất hiếu lỗi đạo ở một con người vốn nặng tình mà lại trót mang một chí lớn. Ba chữ “thà” đã nhấn mạnh một quyết tâm nhưng không giấu nổi cái đau phải dằn lòng, phải đành chịu, phải “thôi thì”. Sự đè nén nỗi lòng của chàng trai này rất giống tâm trạng của nàng Kiều lúc gieo mình xuống Tiền Đường.
Thôi thì một kiếp cho rồi
Tấm thân phó mặc trên trời dưới sông
Bài thơ có giọng điệu trầm buồn thể hiện được tâm trạng xao xuyến bồi hồi của người ở lại đồng thời có những giọng điệu rắn rỏi đi đôi với những từ ngữ mang sắc thái cổ điển... Nó đã dựng nên hình ảnh người ra đi vừa cứng cỏi vừa buồn thương trước lúc ra đi; vừa biết hiến dâng đời mình cho sự nghiệp cao cả; vừa có những tình cảm riêng tư thật sâu sắc thiết tha. Thâm Tâm đã thành công trong một kết hợp mới: thể thơ cổ điển đã diễn tả những sắc thái đa dạng phức tạp trong nội tâm của con người hiện đại. Ông đã không tách rời truyền thống thơ ca dân tộc do đó ông đã thành công.
Copyright © 2021 HOCTAP247