Trình bày sự tiêu hóa của nhóm động vật nhai lại.
Sự tiêu hóa ở động vật nhai lại: Dạ dày của các động vật nhai lại (trâu, bò, hươu, nai, dê, cừu) chia làm 4 ngăn là: dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế (dạ dày chính thức).
Thức ăn (cỏ, thân ngô hoặc rơm...) được thu nhận và nhai qua loa rồi nuốt vào dạ dày cỏ là ngăn lớn nhất (150dm3 ở bò), ở đây thức ăn được nhào trộn với nước bọt. Khi dạ dày cỏ đã đầy, con vật ngừng ăn và thức ăn từ dạ cỏ chuyển dần sang dạ tổ ong và ở đây từng búi thức ăn được "ợ lên" miệng để nhai kĩ lại (nhai lại). Đây là quá trình biến đổi cơ học chủ yếu và quan trọng đối với thức ăn xenlulôzơ. Chính thời gian thức ăn lưu lại tại dạ cỏ đã tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật ở đây phát triển mạnh gây nên sự biến đổi sinh học đối với thức ăn giàu xenlulôzơ.
Thức ăn sau khi đã được nhai kĩ với lượng nước bọt tiết ra dồi dào cùng với một lượng lớn vi sinh vật sẽ được chuyển thẳng xuống dạ lá sách để hấp thụ bớt nước và chuyển sang dạ múi khế. Ở dạ múi khế (là dạ dày chính thức) thức ăn cùng với vi sinh vật chịu tác dụng của HCl và enzim trong dịch vị. Chính vi sinh vật đã là nguồn cung cấp phần lớn prôtêin cho nhu cầu của cơ thể vật chủ.
Như vậy, quá trình tiêu hóa ở dạ dày của động vật nhai lại được bắt đầu bằng quá trình biến đổi cơ học và biến đổi sinh học, tiếp đó là quá trình biến đổi hóa học diễn ra ở dạ múi khế và ruột (giống các động vật khác).
Copyright © 2021 HOCTAP247