Trao đổi khí trong hô hấp ở sâu bọ, ở cá, ở chim, ở thú được thực hiện như thế nào?
* Sự trao đổi khí qua mang:
Sự trao đổi khí đối với động vật ở nước như cá được thực hiện qua mang. Ôxi hòa tan trong nước khuếch tán vào máu, đồng thời CO2 từ máu vào dòng nước chảy qua các lá mang nhờ hoạt động của các cơ quan tham gia vào động tác hô hấp: ở cá là sự nâng hạ của xương nắp mang, phối hợp với sự mở đóng của miệng; ở tôm, cua là hoạt động của các tấm quạt nước. Cách sắp xếp của các mao mạch trong các phiến mang giúp cho dòng máu trong các mạch luôn chảy song song và ngược chiều với dòng nước chảy bên ngoài các mao mạch ở phiến mang làm tăng hiệu suất trao đổi khí giữa máu và dòng nước giàu O2 đi qua mang.
* Sự trao đổi khí qua hệ thống ống khí:
- Ở sâu bọ, sự trao đổi khí thực hiện qua hệ thống ống khí. Các ống khí phân nhánh thành các ống khí nhỏ nhất tiếp xúc trực tiếp với các tế bào của cơ thể. Hệ thống ống khí thông với không khí bên ngoài nhờ các lỗ thở. Sự thông khí trong các ống khí thực hiện được nhờ sự co dãn của phần bụng.
- Ở chim, sự trao đổi khí ở chim cũng thực hiện qua các ống khí nằm trong phổi và được bao quanh bởi hệ thống mao mạch. Sự lưu thông khí qua các ống khí thực hiện được nhờ sự co giãn của các túi khí (thông với các ống khí) theo sự tăng giảm thể tích của khoang thân khi các cơ thở co giãn hoặc sự nâng hạ của đôi cánh khi bay (vì phổi nằm sát vào các hốc sườn không thể thay đổi thể tích theo sự thay đổi thể tích của khoang thân như ở bò sát, hay thể tích của lồng ngực như ở thú) giúp không khí lưu thông qua các ống khí ở phổi diễn ra liên tục theo một chiều nhất định kể cả lúc hít vào lẫn khi thở ra, đảm bảo cho không có khí đọng trong các ống khí ở phổi.
* Sự trao đổi khí ở các phế nang (trong phổi):
Sự trao đổi khí thực hiện qua bề mặt trao đổi khí ở các phế nang trong phổi. Sự lưu thông khí qua phổi là nhờ co giãn của các cơ thở làm thay đổi thể tích của khoang ngực (ở thú và người).
Copyright © 2021 HOCTAP247