Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Nhật Bản

a. Tình hình Nhật Bản từ nửa đầu thế kỉ XIX đến trước năm 1868

  • Về kinh tế
    • Nông nghiệp lạc hậu. Địa chủ bóc lột nhân dân lao động rất nặng nề. Mất mùa đói kém liên tiếp xảy ra.
    • Công nghiệp: kinh tế hàng hoá phát triển, công trường thủ công xuất hiện ngày càng nhiều.

→ Những mầm mống kinh tế tư sản chủ nghĩa phát triển nhanh chóng.

  • Về xã hội
    • Giai cấp tư sản vẫn còn yếu, không đủ sức xoá bỏ chế độ phong kiến, nông dân là đối tượng bóc lột chủ yếu của giai cấp phong kiến, còn thị dân thì không chỉ bị phong kiến khống chế mà còn bị các nhà buôn và bọn cho vay lãi bóc lột.
  • Về chính trị
    • Đến giữa thế kỉ XIX, Nhật Bản vẫn là quốc gia phong kiến. Nhà vua được tôn là Thiên hoàng, có vị tối cao nhưng quyền hành chủ yếu thuộc về Tướng quân.
    • Giữa lúc mâu thuẫn giai cấp trong nước ngày càng gay gắt, chế độ Mạc Phủ khủng hoảng nghiêm trọng thì các nước tư bản phương Tây, trước tiên là Mĩ, dùng áp lực quân sự đòi Nhật Bản phải “mở cửa”.

→ Như vậy, đến giữa thế kỉ XIX, Nhật Bản đã lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, đứng trước sự lựa chọn: hoặc tiếp tục con đường trì trệ, bảo thủ để các nước đế quốc xâu xé; hoặc canh tân, cải cách xoá bỏ chế độ phong kiến, đưa Nhật Bản hoà nhập với nền kinh tế phương Tây.

b. Cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị

Nguyên nhân

  • Những hiệp ước bất bình mà Mạc phủ kí kết với nước ngoài làm cho tầng lớp xã hội phản ứng mạnh mẽ.
  • Phong trào đấu tranh chống Sô gun  nổ ra sôi nổi vào những năm 60 của thế kỉ XX đã làm sụp đổ chế độ Mạc phủ.
  • Tháng 01/1868 Sô-gun bị lật đổ. Thiên hoàng Minh Trị (Meiji) trở lại nắm quyền và thực hiện một loạt cải cách.

Nội dung cải cách Minh Trị

Về chính trị
  • Nhật hoàng tuyên bố thủ tiêu chế độ Mạc phủ, lập chính phủ mới, thực hiện bình đẳng ban bố quyền tự do.
  • Ban hành Hiến pháp 1889.
Về kinh tế
  • Thống nhất tiền tệ, thống nhất thị trường, xoá bỏ sự độc quyền ruộng đất của giai cấp phong kiến.
  • Tăng cường phát triển  kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn.
  • Xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, phục vụ giao thông liên lạc.
Về quân sự
  • Được tổ chức huấn luyện theo kiểu phương Tây.
  • Chế độ nghĩa vụ quân sự thay cho chế độ trưng binh.
  • Chú trọng đóng tàu chiến, sản xuất vũ khí đạn dược.
Về giáo dục
  • Thi hành chính sách giáo dục bắt buộc.
  • Chú trọng nội dung khoa học- kỹ thuật trong chương trình giảng dạy,.
  • Cử những học sinh giỏi đi du học phương Tây…

Tính chất – ý nghĩa

  • Cải cách Minh Trị mang tính chất của một cuộc cách mạng tư sản.
  • Nhật thoát khỏi số phận bị các nước tư bản phương Tây xâm lược
  • Mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Nhật.

b. Nhật Bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa

  • Đầu thế kỉ XX, Nhật thi hành chính sách xâm lược và bành trướng:
    • Năm 1874 Nhật xâm lược Đài Loan.
    • Năm 1894 – 1895 Nhật gây chiến với Trung Quốc để tranh giành Triều Tiên, uy hiếp Bắc Kinh, chiếm cửa biển Lữ Thuận, nhà Thanh phải nhượng Đài Loan và Liêu Đông cho Nhật
    • Năm 1904-1905 Nhật gây chiến với Nga buộc Nga phải nhường cửa biển Lữ Thuận, đảo Xa-kha-lin, thừa nhận Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên.
    • Năm 1914, Nhật dùng vũ lực mở rộng ảnh hưởng ở Trung Quốc và chiếm Sơn Đông. Nhật trở thành đế quốc hung mạnh nhất châu Á.
    • Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là sự bần cùng hoá của quần chúng nhân dân lao động.
    • Chủ nghĩa đế quốc Nhật được gọi là “Chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt, hiếu chiến”
  •  Chính sách đối nội:
    • Rất phản động, bóc lột nặng nề nhân dân trong nước, nhất là giai cấp công nhân, công nhân Nhật phải làm việc từ 12 đến 14 giờ một ngày trong những điều kiện tồi tệ, tiền lương thấp.
    • Sự bóc lột nặng nề của giới chủ đã dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh của công nhân.

1.2. Ấn Độ

a. Tình hình kinh tế, xã hội Ấn Độ nửa sau thế kỷ XIX

  • Quá trình thực dân xâm lược Ấn Độ 
    • Từ đầu thế kỉ XVII chế độ phong kiến Ấn Độ suy yếu → các nước phương Tây chủ yếu là Anh – Pháp đua nhau xâm lược 
    • Kết Quả: Đến giữa thế kỷ XIX, thực dân Anh hoàn thành xâm lược và đặt ách thống trị Ấn Độ.
  • Chính sách cai trị của thực dân Anh 
    • Kinh tế: Đẩy mạnh khai thác, vơ vét tài nguyên thiên nhiên, bóc lột nhân công rẻ mạt → Ấn Độ trở thành thuộc địa quan trọng nhất của thực dân Anh 
    • Chính trị - xã hội
      • Chính phủ Anh nắm quyền cai trị trực tiếp Ấn Độ.
      • Thực dân Anh đã thực  hiện chính sách chia để trị, mua chuộc tầng lớp có thế lực trong giai cấp phong kiến bản xứ.
      • Anh còn tìm cách khơi sâu sự cách biệt về chủng tộc, tôn giáo và đẳng cấp trong xã hội để dễ bề cai trị.
    • Về văn hóa – Giáo dục: Thi hành chính sách giáo dục ngu dân, khuyến khích tập quán lạc hậu và hủ tục cổ xưa
  • Hậu quả
    • Kinh tế suy yếu,đời sống nhân dân cực khổ, mâu thuẫn dân tộc, giai cấp nổ ra…

b. Cuộc khởi nghĩa Xipay (1857 – 1859)

  • Nguyên nhân
    • Ách thống trị tàn bạo thựcdânAnh, tinh thần dân tộc và tín ngưỡng bị xúc phạm
    • Binh lính Ấn Độ bất mãn → khởi nghĩa
  • Diễn biến
    • Sáng ngày 10/05/1857, ở Mi-rút (gần Đê-li), khi thực dân Anh sắp áp giải 85 binh lính Xi-pay trái lệnh, thì ba trung đoàn Xi-pay nổi dậy khởi nghĩa bắt bọn chỉ huy Anh.

    • Nông dân các vùng lân cận cũng tham gia nghĩa quân, vây bắt chỉ huy Anh.

    • Khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng đến Đê-li, khắp miền Bắc và một phần miền Tây Ấn Độ.

    • Nghĩa quân đã lập được chính quyền ở 3 thành phố lớn.

    • Cuộc khởi nghĩa duy trì được 2 năm thì bị thực dân Anh dốc toàn bộ lực lượng đàn áp dã man. Nhiều nghĩa quân bị quân Anh trói vào họng súng đại bác, rồi bắn cho tan xương nát thịt. Khởi nghĩa bị thất bại.

  • Ý nghĩa
    • Nêu cao tinh thần bất khuất chống thực dân của nhân dân Ấn Độ. thức vươn tới độc lập của nhân dân Ấn Độ
    • Mở dầu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sau này.

1.3. Trung Quốc

a. Trung Quốc bị các đế quốc xâm lược

  • Nguyên nhân Trung Quốc bị xâm lược
    • Thế kỉ XVIII đầu XIX các nước tư bản phương Tây tăng cường xâm chiếm thị trường thế giới.
    • Trung Quốc là một thị trường lớn, béo bở, chế độ đang suy yếu  nên trở thành đối tượng xâm lược của nhiều đế quốc.
    • Chế độ phong kiến Mãn Thanh đang suy yếu.
  • Quá trình đế quốc xâm lược Trung Quốc
    • Thế kỉ XVIII các đế quốc dùng mọi thủ đoạn, tìm cách ép chính quyền Mãn Thanh phải “mở cửa”, cắt đất.
    • Đi đầu là thực dân Anh 
      • Thế kỉ XVIII các nước đế quốc đi đầu là Anh đòi Mãn Thanh “mở cửa” để buôn bán thuốc phiện
      • Anh thực hiện “Chiến tranh thuốc phiện”(6-1840 đến 8-1842)
      • Chúng đã buộc nhà Thanh phải ký Hiệp ước Nam Kinh Năm 1842, chấp nhận các điều khoản thiệt thòi (bồi thường chiến phí, nhượng Hồng Kông, mở 5 cửa biển …)
      • Đi sau Anh, các nước khác đua nhau xâu xé Trung Quốc:
        • Đức chiếm Sơn Đông.
        •  Anh chiếm châu thổ sông Dương Tử.
        • Pháp chiếm Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông.
        • Nga - Nhật Bản chiếm vùng Đông Bắc

→ Cuối thế kỷ XIX các nước đế quốc Đức, Pháp, Nga, Nhật chia nhau Trung Quốc.​

  • Hậu quả
    • Xã hội Trung Quốc nổi lên 2 mâu thuẫn cơ bản:
      • Nhân dân Trung Quốc với đế quốc.
      • Nông dân với phong kiến.

→ Dẫn đến phong trào đấu tranh chống phong kiến, đế quốc

b. Tôn Trung Sơn và cách mạng Tân Hợi 1911

  • Tôn Trung Sơn và Đồng minh hội 
    • Tôn Trung Sơn là một trí thức có tư tưởng cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản.
    • Tháng 8/1905 Tôn Trung Sơn tập hợp giai cấp tư sản Trung Quốc thành lập Đồng minh hội - chính Đảng của giai cấp tư sản Trung Quốc.
    • Thành phần: trí thức tư sản, tiểu tư sản, địa chủ, thân sĩ bất bình với nhà Thanh, cùng một số ít đại biểu công nông.
    • Cương lĩnh chính trị: theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn
    • Mục tiêu: lật đổ Mãn Thanh, thành lập dân quốc,thực hiện bình đẳng về ruộng đất.
    • Lực lượng: trí thức tư sản, tiểu tư sản ,địa chủ , thân sĩ bất bình với nhà Thanh.
  • Cách mạng Tân Hợi 1911
    • Nguyên nhân 
      • Nhân dân Trung Quốc mâu thuẫn với đế quốc phong kiến
      • Ngòi nổ của cách mạng là do nhà Thanh trao quyền kiểm soát đường sắt cho đế quốc nên phong trào “giữ đường” bùng nổ, nhân cơ hội đó Đồng minh hội phát động đấu tranh.
      • Khởi nghĩa bùng nổ ở Vũ Xương 10/10/1911, lan rộng khắp miền Nam, miền Trung.
      • Ngày 19/12/1911 Tôn Trung Sơn làm Đại Tổng thống lâm thời, tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời Trung Hoa dân quốc.
      • Trước thắng lợi của cách mạng, tư sản thương lượng với nhà Thanh, đế quốc can thiệp.
    • Diễn biến
      • 10.10.1911 Khởi nghĩa ở Vũ Xương và nhanh chóng lan rộng khắp miền Trung, Nam Trung Quốc.
      •  29.12.1911 Tôn Trung Sơn được bầu làm đại tổng thống. Quốc dân đại hội họp ở Nam Kinh thành lập Trung Hoa Dân quốc.Trước thắng lợi của cách mạng, tư sản thương lượng với nhà Thanh (Viên Thế Khải)
      • 12.2.1912 Vua Thanh (Phổ Nghi) thoái vị, Tôn Trung Sơn buộc phải từ chức 
      •  6.3.1912 Viên Thế Khải nhậm chức Đại Tổng thống Trung Hoa Dân quốc → Cách mạng chấm dứt.​
      • Kết quả: Vua Thanh thoái vị, Tôn Trung Sơn từ chức, Viên Thế Khải làm Tổng thống.
    • Tính chất - ý nghĩa 
      • Tính chất cuộc cách mạng tư sản không trịêt để.
      • Lật đổ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, ảnh hưởng đến Châu Á.
    • Hạn chế 
      • Không thủ tiêu thực sự giai cấp phong kiến 
      • Không đụng chạm đến các nước đế quốc xâm lược.
      • Không giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân.
    • Nguyên nhân thất bại
      • Chưa thủ tiêu triệt để giai cấp phong kiến, chưa tấn công đế quốc
      • Chưa giải quyết vấn đề thiết yếu cho dân cày: Ruộng đất​

1.4. Các quốc gia khu vực Đông Nam Á

a. Quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân vào các nước Đông Nam Á

  • Nguyên nhân
    • Các nước tư bản cần thị trường, thuộc địa nên đẩy mạnh xâm lược thuộc địa.
    • Đông Nam Á có vị trí chiến lược quan trọng.
    • Giàu tài nguyên thiên nhiên, có nền văn hóa lâu đời.
    • Chế độ phong kiến khủng hoảng. Kinh tế kém phát triển.
    • Khủng hoảng triền miên về chính trị, kinh tế, xã hội            
  • Quá trình xâm lược

Tên các nước Đông Nam Á

Thực dân

Xâm lược

Thời gian hoàn thành xâm lược

In-đô-nê-xi-a

Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan

Giữa XIX Hà Lan hoàn thành xâm chiếm và lập ách thống trị

Phi-lip-pin

Tây Ban Nha, Mĩ

Giữa thế kỉ XVI Tây Ban Nha thống trị

Năm 1898 Mĩ chiến tranh với Tây Ban Nha, hất cẳng Tây Ban Nha khỏi Phi-lip-pin.

Năm 1899-1902 Mĩ chiến tranh  xâm lược  Philíppin, biến quần đảo, này thành thuộc điạ của Mĩ

Miến Điện

Anh

Năm 1885 Anh thôn tính Miến Điện

Ma-lai-xi-a 

Anh

Đầu thế kỉ XIX Mã - lai trở thành thuộc địa của Anh

Việt Nam - Lào- Cam-pu-chia

Pháp

 Cuối thế kỉ XIX, Pháp hoàn thành xâm lược 3 nước Đông Dương

Xiêm (Thái Lan)

Anh - Pháp tranh chấp

Xiêm vẫn giữ được độc lập 

b. Xiêm (Thái Lan) giữa thế kỷ XIX - đầu thế kỉ XX

  • Bối cảnh lịch sử
    • Năm 1752 triều đại Ra-ma theo đuổi chính sách đóng cửa.
    • Giữa thế kỉ XIX đứng trước sự đe dọa xâm lược của phương Tây, Ra-ma IV (Mông-kút ở ngôi từ 1851-1868) đã thực hiện mở cửa buôn bán với nước ngoài.
    • Ra-ma V (Chu-la-long-con ở ngôi từ 1868 - 1910) đã thực hiện nhiều chính sách cải cách.
  • Nội dung cải cách

    • Kinh tế
      • Nông nghiệp: để tăng nhanh lượng gạo xuất khẩu nhà nước giảm nhẹ thuế ruộng, xóa bỏ chế độ lao dịch.
      • Công thương nghiệp: khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở hiệu buôn, ngân hàng
    • Chính trị
      • Cải cách theo khuôn mẫu Phương Tây.
      • Đứng đầu nhà nước vẫn là vua.
      • Giúp việc có hội đồng nhà nước (nghị viện).
      • Chính phủ có 12 bộ trưởng.
      • Quân đội, tòa án, trường học được cải cách theo khuôn mẫu phương Tây.
    • Về xã hội: xóa bỏ chế độ nô lệ, giải phóng người lao động.
    • Đối ngoại:
      • Thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo.
      • Lợi dụng vị trí nước đệm.
      • Lợi dụng mâu thuẫn giữa 2 thế lực Anh - Pháp đã lựa chiều có lợi để giữ chủ quyền đất nước.
  • Tính chất:
    • Thái Lan phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa và giữ được chủ quyền độc lập.
    • Tính chất một cuộc cách mạng tư sản không triệt để.
    • Trong bối cảnh chung của châu Á, Thái Lan đã thực hiện đường lối cải cách, chính nhờ đó mà Thái Lan thoát khỏi thân phận thuộc địa giữ được độc lập.

1.5. Châu Phi

a. Tình hình Châu Phi cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX

  • Từ giữa thế kỉ XIX thực dân châu Âu bắt đầu xâm lược châu Phi.
  • Vào những năm 70, 80 của thế kỉ XIX, sau khi hoàn thành kênh đào Xuy-ê, các nước tư bản phương Tây đua nhau xâu xé châu Phi.
    • Anh chiếm: Nam Phi, Ai Cập, Đông Xu-đăng, một phần Đông Phi, Kênia, Xômali, Gam-bi-a.
    • Pháp chiếm: Tây Phi, miền xích đạo châu Phi, Ma-đa-ga-xca, một phần Xô-ma-li, An-giê-ri, Tuy-ni-di, Xa-ha-ra.
    • Đức: Camôrun, Tôgô, Tây Nam Phi, Tadania,
    • Bỉ chiếm: Công gô                                   
    • Bồ Đào Nha: Mô-dam Bích, Ănggôla và một phần Ghinê
  • Đầu thế kỉ XX việc phân chia thụôc địa giữa các đế quốc ở châu Phi căn bản đã hoàn thành.

b. Các cuộc đấu tranh tiêu biểu của nhân dân châu Phi

Thời gian

Phong trào đấu tranh

Kết quả

1830-1874

Cuộc đấu tranh của Áp-đen Ca-đê ở Angiêri thu hút đông đảo lực lượng tham gia

Pháp mất nhiều thập niên mới chinh phục được nước này.

1879-1882

Ở Ai Cập Atmet Arabi lãnh đạo phong trào “Ai Cập trẻ”

Năm 1882 các đế quốc mới ngăn chặn được phong trào

1882-1898

Mu-ha-met At-mét đã lãnh đạo nhân dân Xu-Đăng chống thực dân Anh

Năm 1898 phong trào bị đàn áp đẫm máu nên  thất bại

1889

Nhân dân Ê-ti-ô-pi-a tiến hành kháng chiến chống thực dân Italia.

- Ngày 01/3/1896 Italia thất bại, Êtiôpia giữ được độc lập

-Cùng với Libêria là những nước châu Phi giữ được độc lập ở cuối thế kỉ XIX đến XX.

  • Kết quả: phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân châu Phi đều thất bại (trừ Êtiôpia).
  • Nguyên nhân thất bại là do: chênh lệch lực lượng, trình độ tổ chức thấp, bị thực dân đàn áp.
  • Ý nghĩa: thể hiện tinh thần yêu nước, tạo tiền đề cho giai đoạn sau - đầu thế kỉ XX.

→ Phong trào đấu tranh ở châu Phi bao gồm đấu tranh bảo vệ độc lập và đấu tranh chống ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân.

1.6. Khu vực Mĩ La-tinh

a. Chế độ thực dân ở Mĩ La-tinh

  • Đầu thế kỉ XIX, đa số các nước Mĩ La-tinh đều là thuộc địa của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
  • Chủ nghĩa thực dân đã thiết lập chế độ thống trị phản động, dã man, tàn khốc:
    • Tàn sát dồn đuổi cư dân bản địa, chiếm đất đai lập đồn điền
    • Đưa người Châu Phi sang để khai thác tài nguyên (vàng và bạc, người ta còn chở từ châu Mĩ về Tây Ban Nha đường, ca cao, gỗ, đá quý, ngọc trai, cánh kiến, thuốc lá, bông...)

b. Phong trào đấu tranh giành độc lập

Thời gian

Tên nước

Kết quả

Cuối XVIII

  • Ở Haiti bùng nổ cuộc đấu tranh (1791) chống Pháp  dưới sự lãnh đạo của Tút-xanh Lu-véc-tuy-a.
  • Năm 1803 thắng lợi.
  • Haiti thành nước cộng hòa da đen đầu tiên ở Nam Mĩ.
  • Cổ vũ phong trào đấu tranh ở Mĩ La-tinh.

20 năm đầu thế kỉ XX

  • Phong trào đấu tranh nổ ra sôi nổi, quyết liệt, các quốc gia độc lập ở Mĩ La-tinh lần lượt hình thành.
  • Các quốc gia độc lập ra đời:
    • Mê hi cô: 1821
    • Áchentina: 1816
    • Urugoay: 1828
    • Paragoay: 1811
    • Braxin: 1822
    • Pê-ru: 1821
    • Colômbia: 1830
    • Ecuađo: 1830

c. Nhận xét

  • Đầu thế kỉ XX phong trào đấu tranh giành độc lập ở Mĩ La-tinh diễn ra sôi nổi, quyết liệt. Kết quả hầu hết khu vực đã thóat khỏi ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trở thành quốc gia độc lập
  • Tình hình Mĩ La-tinh sau khi giành độc lập và chính sách bành trướng của Mĩ
  • Sau khi giành độc lập, các nước Mĩ La-tinh có tiến bộ về kinh tế xã hội: Braxin trồng nhiều bông và cao su, cung cấp một nửa cà phê cho thị trường thế giới. Achentina sản xuất len, da cừu, thịt bò xuất khẩu sang Anh... Các đồn điền trồng lúa mì, cây công nghiệp, chăn nuôi lấy thịt, sữa và lông phát triển mạnh trở thành nguồn hàng xuất khẩu có giá trị của nhiều nước. Dân số tăng nhanh do người nhập cư ngày càng đông.
  • Mĩ âm mưu biến Mĩ La-tinh thành “sân sau” của Mĩ ở Mĩ La-tinh.
  • Để thực hiện được âm mưu của mình, Mĩ đã đưa ra thủ đoạn tuyên truyền học thuyết: “Châu Mĩ của người châu Mĩ” (1823), thành lập “Liên minh dân tộc các nước cộng hòa châu Mĩ” (Liên Mỹ) dưới sự chỉ huy của Oa-sinh-tơn.
  •  Năm 1898  Mỹ hất cẳng Tây Ban Nha (người châu Âu) khởi châu Mĩ.
  • Đầu thế kỉ XX, dùng chính sách “Cái gậy lớn” và “Ngoại giao đô la” để khống chế khu vực này.

→ Mĩ La-tinh trở thành thuộc địa kiểu mới của Mĩ.

Câu hỏi 1: Vì sao nói cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị là một cuộc cách mạng tư sản? 

Trả lời: 

  • Vì: 
    • Nó đã tạo ra mầm móng cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển. 
    • Sau cuộc cải cách, giai cấp tư sản công thương hình thành, kinh tế hàng hóa phát triển. 
    • Thiên hoàng Minh Trị tiến hành cải cách có tính chất như một cuộc cách mạng tư sản trong tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.
    • Sau cải cách, Thiên hoàng Minh Trị đã đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng tập trung công nghiệp, thương nghiệp và ngân hàng, nhiều công ti độc quyền được thành lập. 

→ Như vậy, cuộc cải cách Minh Trị đã mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Nhật và đó cũng chính là lí do để Nhật thoát khỏi số phận bị các nước phương Tây xâm lược. Vì lẽ đó mà cuộc cải cách duy Tân Minh Trị có ý nghĩa như 1 cuộc cách mạng tư sản. 

Câu hỏi 2: Hoàn cảnh và tác động của cuộc cải cách Minh Trị năm 1868 ở Nhật Bản? 

Trả lời: 

  • Hoàn cảnh: 
    • Đầu thế kỉ XIX chế độ Mạc Phủ bị khủng hoảng trầm trọng. 
    • Kinh tế lạc hậu, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, bị áp bức bóc lột nặng nề. 
    • Các hiệp ước bất bình đẳng mà Mạc Phủ kí với nước ngoài làm cho các tầng lớp xã hội phản ứng mạnh mẽ. 
    • Phong trào đấu tranh chống Sô-gun nổ ra sôi nổi vào những năm 60 của thế kỉ XIX làm sụp đổ chế độ Mạc phủ.
  • Tác động: 
    • Xóa bỏ rào cản phong kiến tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển ở Nhật. 
    • Bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
    • Cổ vũ đấu tranh chống lại đế quốc phong kiến của nhân dân châu Á.

Câu hỏi 3: Những nét lớn trong chính sách thống trị của Anh ở Ấn Độ?

Trả lời: 

  • Từ đầu thế kỉ XVII, cuộc tranh giành quyền lực giữa các lãnh chúa phong kiến trong nước làm cho Ấn Độ suy yếu. Lợi dụng cơ hội này, các nước tư bản phương Tây chủ yếu là Anh và Pháp, đua tảnh xâm lược Ấn Độ. Đến giữa thế kỉ XVII, thực dân Anh đã hoàn thành việc xâm lược và đặt ách đô hộ ở Ấn Độ. 
  • Về kinh tế, thực dân Anh mở rộng công cuộc khai thác Ấn Độ một cách quy mô, ra sức vơ vét các nguồn nguyên liệu và bóc lột công nhân rẻ mạt để thu lợi nhuận. Ấn Độ trở thành thuộc địa quan trọng nhất của nền công nghiệp Anh. 
  • Về chính trị - xã hội, chính phủ Anh nắm quyền cai trị trực tiếp Ấn Độ. Để làm chổ dựa vững chắc cho nền thống trị của mình, thực dân Anh đã thực hiện chính sách chia để trị, mua chuộc tầng lớp có thế lực trong giai cấp phong kiến bản xứ. Đồng thời, Anh còn tìm cách khơi sâu sự cách biệt về chủng tộc, tôn giáo và đẳng cấp để dễ bề cai trị. 

Câu hỏi 4: Nêu nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Xi-pay.

Trả lời: 

  • Nguyên nhân sâu xa: chính sách thống trị hà khắc của thực dân Anh, nhất là chính sách "chia để trị", tìm cách khơi sâu sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo và đẳng cấp trong xã hội đã dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc giữa nhân dân Ấn Độ với thực dân Anh.
  • Duyên cớ: binh lính người Ấn Độ trong quân dội của thực dân Anh bị đối xử tàn tệ, bị xúc phạm về tinh thần dân tộc và tín ngưỡng nên đã nổi dậy khởi nghĩa.
  • Diễn biến:
    • Ngày 10-5-1857, hàng vạn lính Xi-pay đã nổi dậy khởi nghĩa vũ trang chống thực dân Anh. Cuộc khởi nghĩa đã được sự hưởng ứng cùa đông đảo nông dân, nhanh chóng lan ra khắp miền Bắc và một phần miền Trung Ấn Độ.
    • Nghĩa quân đã lập được chính quyền, giải phóng được một số thành phố lớn. Cuộc khởi nghĩa duy trì được khoảng 2 năm (1857 - 1859) thì bị thực dân Anh đàn áp đẫm máu.
  • Ý nghĩa:
    • Thể hiện lòng yêu nước, ý thức dân tộc, tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Ấn Độ chống chủ nghĩa thực dân Anh.

Câu hỏi 5: Tại sao cuộc khởi nghĩa Xi-pay là cuộc khởi nghĩa dân tộc?

Trả lời: 

  • Cuộc khởi nghĩa Xi-pay nổ ra đầu tiên ở Mi-rút sau đó nhanh chóng lan rộng khắp miền Bắc và một phần miền Tây Ấn Độ, đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, chủ yếu là nông dân. 
  • Từ cuộc nổi dậy của binh lính Xi-pay dần dần phát triển thành cuộc khởi nghĩa của nông dân và nó mang tính dân tộc sâu sắc vì: 
    • Khởi nghĩa đã giải quyết mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Ấn Độ với thực dân Anh cướp nước để giành độc lập dân tộc.
    • Lực lượng tham gia khởi nghĩa đã đại diện cho quyền lợi của dân tộc, thể hiện ý thức dân tộc rõ nét.

Câu hỏi 6: Nêu kết quả của Cách mạng Tân Hợi. Vì sao gọi là cuộc cách mạng tư sản không triệt để? 

Trả lời: 

  • Kết quả: 
    • Đã lật đổ triều đình phong kiến Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc. 
    • Mở đường cho chủ nghĩa tư bản Trung Quốc. 
  • Cách mạng Tân Hợi là cuộc cách mạng tư sản không triệt để: 
    • Cách mạng Tân Hợi là cuộc cách mạng dân chủ tư sản, đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quố, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển và có ảnh hưởng nhất định đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước châu Á.
    • Cách mạng Tân Hợi tuy thành lập “Dân quốc” nhưng đã không thủ tiêu thực sự giai cấp phong kiến, không đụng chạm đến các nước đế quốc xâm lược và không giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân.

Câu hỏi 7: Nêu những nét chính về tình hình các nước Đông Nam Á vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

Trả lời: 

  • Đông Nam Á là một khu vực có vị trí địa lý quan trọng, giàu tài nguyên, chế độ phong kiến đang lâm vào khủng hoảng, suy yếu nên không tránh khỏi bị các nước phương Tây nhòm ngó, xâm lược.
  • Từ nửa sau thế kỷ XIX, tư bản phương Tây đẩy mạnh xâm lược Đông Nam Á: Anh chiếm Mã Lai, Miến Điện; Pháp chiếm 3 nước Đông Dương; Tây Ban Nha rồi Mỹ chiếm Philippin; Hà Lan và Bồ Đào Nha chiếm Inđônêxia.
  • Xiêm (Thái Lan) là nước duy nhất ở Đông Nam Á vẫn giữ được độc lập, nhưng cũng trở thành “vùng đệm” của tư bản Anh và Pháp.

Câu hỏi 8: Trình bày các biện pháp cải tạo của Ra-ma V. Những cải cách của Ra-ma V có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Xiêm?

Trả lời: 

  • Năm 1892, Ra-ma V đã tiến hành hàng loạt cải cách theo khuôn mẫu các nước phương Tây về hành chính, tài chính, quân sự, giáo dục…, tạo cho nước Xiêm một bộ máy mặt mới, phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa.
  • Với chính sách cải cách hành chính, vua vẫn là người có quyền lực tối cao, song bên cạnh vua có Hội đồng Nhà nước, đóng vai trò cơ quan tư vấn, khởi thảo luật pháp, hoạt động gần như một nghị viện. Bộ máy hành pháp của triều đình được thay bằng Hội đồng Chính phủ, gồm 12 bộ trưởng, do các hoàng thân du học ở phương Tây về đảm nhiệm. Hệ thống tòa án, trường học đều được tổ chức theo kiểu châu Âu. Quân độ được trang bị và huấn luyện theo phương pháp hiện đại. Tư bản nước ngoài được phép đầu tư kinh doanh ở Xiêm…
  • Ra-ma V đặc biệt quan tâm đến hoạt động ngoại giao. Nhờ Chính sách ngoại giao mềm dẻo, nước Xiêm vừa lợi dụng vị trí nước “đệm” giữa hai thế lực đế quốc Anh-Pháp, vừa cắt nhượng  một số vùng đất phụ thuộc (vốn là lãnh thổ của Cam-pu-chia, Lào và Mã Lai) để giữ gìn chủ quyền của đất nước. Nhờ vậy, Xiêm không bị biến thành thuộc địa như các nước trong khu vực, mà vẫn giữ được độc lập, mặc dù chịu nhiều lệ thuộc về chính trị, kinh tế vào Anh và Pháp.

Câu hỏi 9: Vì sao Xiêm là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của các nước phương Tây?

Trả lời:

  • Xiêm là 1 nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của phương tây cuối thế kỉ XIX vì chính sách đối ngoại mềm dẻo của vua Rama V cùng với các cải cách tiến bộ trong nước nên Xiêm chỉ là vùng đệm của Anh - Mỹ thôi.

Câu hỏi 10: Hãy trình bày những cuộc đấu tranh tiêu biểu chống thưc dân của nhân dân châu Phi.

Trả lời:

  • Đặc biệt vào những năm 70, 80 của thế kỉ XIX, sau khi hoàn thành kênh đào Xuy-ê, các nước tư bản phương Tây đua nhau xâu xé châu Phi.
  • Năm 1882, sau cuộc cạnh tranh quyết liệt với Pháp, Anh độc chiếm Ai Cập, kiểm soát kênh đào Xuy-ê. Tiếp đó, Anh chiếm Nam Phi, Tây Ni-giê-ri-a, Bờ Biển Vàng, Gam-bi-a (Tây Phi), Kê-ni-a, U-gan-đa, Xô-ma-li, Đông-xu-đăng, một phần Đông Phi…
  • Pháp đứng thứ hai trong việc xâm chiếm thuộc địa châu Phi (sau Anh) gồm một phần Tây Phi, miền Xích đạo châu Phi, Ma-đa-ga-xca, một phần Xô-ma-li, An-giê-ri, Tuy-ni-di, Xa-ha-ra.
  • Đức chiếm Ca-mơ-run, Tô-gô, Tây Nam Phi, Tan-da-ni-a.
  • Bỉ làm chủ phần lớn Công-gô.
  • Bồ Đào Nha giành được Mô-dăm –bích, Ăng-go-la và một phần Ghi-nê.
  • Đến đầu thế kỉ XX, việc phân chia thuộc địa giữa các đế quốc ở châu Phi căn bản đã hoàn thành.
  • Chế độ cai trị hà khắc của chủ nghĩa thực dân đã làm bùng lên ngọn lưả đấu tranh giành độc lập của nhân dân châu Phi.
  • Ở An-giê-ri, cuộc khởi nghĩa của Áp-đen Ca-đe kéo dài từ năm 1830 đến năm 1847 thu hút đông đảo nhân dân tham gia đấu tranh. Thực dân Pháp phải mất hàng chục năm mới chinh phục được nước này.
  • Ở Ai Cập, năm 1879, một số tri thức và sĩ quan yêu nước đã thành lập tổ chức chính trị bí mật “Ai Cập trẻ”, đề ra những cải cách mang tính chất tư sản, do Đại tá Át-mét A-ra-bi lãnh đạo. Các nước đế quốc phải can thiệp mạnh mới ngăn chặn được cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ai Cập (1882).
  • Ở Xu-đăng, ngay từ năm 1882 thực dân Anh đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của nhà truyền giáo trẻ Mu-ha-mét Át mét. Năm 1898, thực dân Anh được các nước đế quốc khác giúp đỡ, bao vây Xu-đăng, gây ra một cuộc thảm sát đẫm máu; phong trào đấu tranh ở đây thất bại.
  • Nổi bật trong cuộc đấu tranh của nhân dân châu Phi chống thực dân phương Tây là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Ê-ti-ô-pi-a. Năm 1889, thực dân I-ta-li-a tiến sâu vào nội địa, đánh chiếm một số vùng ở Ê-ti-ô-pi-a, nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân. Ngày 1-3-1896, quân I-ta-li-a thảm bại ở A-dua. Quân đội Ê-ti-ô-pi-a mặc dù bị tổn thất nặng, song đã bảo vệ được nền độc lập của Tổ quốc. Cùng với Ê-ti-ô-pi-a, Lê-bi-ri-a là nước giữ được dộc lập ở châu lục này trước sự xâm chiếm của các nước thực dân phương Tâu hồi cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX.
  • Nhìn chung, phong trào đấu tranh chống thực dân của nhân dân châu Phi tuy diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần yêu nước, nhưng do trình độ tổ chức thấp, lực lượng chênh lệch, nên bị thực dân phương Tây đàn áp. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Phi vẫn tiếp tục phát triển trong thế kỉ XX.

Câu hỏi 11: Chính sách bành trướng của Mĩ đối với khu vực Mĩ Latinh được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

  • Học thuyết Mơn-rô nhằm gạt bỏ ảnh hưởng của thực dân châu Âu.
  • Năm 1889, thành lập tổ chức Liên Mĩ để cột chặt các nước ở khu vực Mĩ Latinh vào Mĩ.
  • Dùng sức mạnh quân sự để gây chiến tranh với các nước tư bản khác để tranh giành sự ảnh hưởng.
  • Khống chế nền kinh tế các nước Mĩ Latinh bằng cách áp dụng chính sách "cái gậy lớn" và "ngoại giao đồng đô la" để tiến tới khống chế về chính trị.
  • Mĩ từng bước biến khu vực Mĩ Latinh thành cái "sân sau" của mình.

3. Bài tập trắc nghiệm

Qua bài học này các em phải nắm được nội dung kiến thức cơ bản sau:

  • Đối với bài "Nhật Bản": các em phải nắm được "cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị" với nội dung: Ý nghĩa của các chính sách, nội dung cơ bản, hoàn cảnh và tác động của cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị. 
  • Đối với bài "Ấn Độ": các em phải nắm được Chính sách cai trị của thực dân Anh, nguyên nhân diễn biến ý nghĩa của cuộc khởi nghãi Xi-pay, giải thích được tại sao khởi nghĩa Xi-pay là cuộc khởi nghĩa dân tộc. 
  • Đối với bài "Trung Quốc": các em phải nắm được Cuộc chiến tranh thuốc phiện - Thực dân Anh và Trung Quốc, những sự kiện chính của Cách mạng Tân Hợi năm 1911, tính chất, ý nghĩa của cuộc cách mạng đó. 
  • Đối với bài "Các nước Đông Nam Á": các em phải nắm được quá trình xâm lược Đông Nam Á của các nước đế quốc, em phải lí giải được nguyên nhân tại sao Xiêm-Thái Lan là quốc gia duy nhất trong khu vực không bị xâm lược, cải cách của Rama V, ý nghĩa của cuộc cải cách đó đối với sự phát triển của Xiêm. 
  • Đối với bài "Châu Phi và khu vực Mĩ La-tinh": các em phải nắm được các đế quốc đua nhâu xâm lược Châu Phi như thế nào trong những năm cuối thế kỉ XIX, chính sách bành trướng của Mĩ ở khu vực Mĩ La-tinh, học thuyết Mơn-ro " Châu Mĩ của người Mĩ" là gì? tình hình các nước Mĩ La-tinh sau khi giành độc lập. 

Các em hãy tham khảo phần Trắc nghiệm Ôn tập chương I

Câu 2 - câu 10: Xem trắc nghiệm để thi online.

Bài học Ôn tập này đã kết thúc chương đầu tiên của Lịch sử 11 từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX và đưa các em đến một chương mới một phần của lịch sử thế giới đã làm thay đổi không chỉ các nước đế quốc giàu mạnh, không chỉ các quốc gia phương Tây mà nó đã làm thay đổi toàn bộ thế giới từ Tây sang Đông. Mời các em tham khảo bài học đầu tiên của chương II - Bài 6: Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918)

Copyright © 2021 HOCTAP247