Trang chủ Lớp 10 Ngữ văn Lớp 10 SGK Cũ Tuần 23 Ngữ Văn 10 Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh - Ngữ văn 10

Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh - Ngữ văn 10

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Hướng dẫn chung

  • Để làm tốt bài văn này, ngoài những điều cần chú ý chung đối với bài làm văn số 4, anh (chị) cần:
  • Chú ý rèn luyện để việc thuyết minh không chỉ đem lại những tri thức chuẩn xác, khoa học, khách quan mà còn sinh động, hấp dẫn được người đọc (người nghe)
  • Khi quan sát, tìm hiểu các sự vật, hiện tượng trong thực tế, cần chú ý để nắm được những nét riêng biệt , đặc sắc có sức cuốn hút đối với người đọc, người nghe.
  • Cần chú ý đến các phép tu từ, các cách thức diễn đạt có thể làm cho người đọc (người nghe) có hứng thú theo dõi việc trình bày, giới thiệu sự vật (hiện tượng)

1.2. Gợi ý đề bài

Đề 1: Một danh lam thắng cảnh của đất nước quê hương.

Đề 2: Một loại hình ca nhạc (hay sân khấu) mà anh (chị) hằng yêu thích.

Đề 3: Một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình

Đề 4: Một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại

1.3. Gợi ý cách làm bài

  • Ngoài những điều cần chú ý chung như đối với bài làm văn số 4, anh (chị) cần:
    • Chú ý vận dụng tốt phương pháp thuyết minh, nhất là các phương pháp có khả năng tạo ra sức sống, sức cuốn hút cho việc giới thiệu, trình bày sự vật (hiện tượng).
    • Tìm được cách thức bố cục và diễn đạt sao cho nội dung thuyết minh vừa khúc chiết, mạch lạc, trong sáng, lại vừa có tính nghệ thuật

Ví dụ

Đề 1: Nếu viết bài văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh (hoặc một nghề nghiệp truyền thống hay một đặc sản nào đó) của quê hương thì trong phần thân bài, anh (chị) sẽ lần lượt nên lên những ý chính nào?

Đề 2: Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh mà em yêu thích

Gợi ý làm bài

Câu 1: Các ý trong bài có thể sắp xếp theo các trình tự khác nhau. Tuy nhiên, dù như thế nào thì người viết cũng phải:

  • Miêu tả để người đọc có thể hiểu biết và hình dung thật cụ thể điều được thuyết minh (vị trí, đường đến tham quan, cảnh trí thiên nhiên,... nếu là danh lam thắng cảnh; nguyên vật liệu, quy trình sản xuất, mẫu sản phẩm,...nếu là nghề truyền thống,...)
  • Những nét riêng, đặc sắc, độc đáo, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, lớn lao của thắng cảnh, của đặc sản hay nghề nghiệp đó.

Câu 2: 

  • Gợi ý: 
    • Mở bài
      • Giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh
      • Nhấn mạnh vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh và chuyển ý để viết phần thân bài
    • Thân bài: Cần làm rõ những điểm sau:
      • Vị trí địa lí, đặc điểm địa hình của danh lam thắng cảnh đó
      • Lịch sử hình thành và phát triển
      • Các giá trị về văn hóa - xã hội
      • Giải thích nếu những điều đặc biệt, những nét đặc sắc chỉ riêng danh lam thắng cảnh đó mới có.
    • Kết bài
      • Nêu cảm nghĩ, nhận xét về danh lam thắng cảnh
  • Dưới đây là bài viết sưu tầm, các em có thể tham khảo

Hầm Hô, vẻ đẹp huyền ảo

Về Bình Định, bên cạnh nét đẹp huyền thoại của 7 cụm tháp Chàm nổi tiếng, đến huyện Tây Sơn du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của thắng cảnh Hầm Hô.

Người dân nơi đây giải thích rằng, vì có một thác nước cao chừng sáu, bảy mét, đổ vào một hầm đá rộng, phát ra tiếng kêu ầm ồ như tiếng hô báo cho người chèo bè biết sắp tới chỗ nguy hiểm, nên gọi là Hầm Hô.

Hầm Hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khúc sông dài tới gần 3km, hai bên bờ là những khối đá trập trùng, chỗ thì dựng đứng như thành vách, nơi thì chồng chất lên nhau thành đống, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm dựng đứng. Những lùm cây xanh làm dịu đi vẻ hiểm trở của những vách đá nhấp nhô. Những bụi sim với màu lá xanh, hoa tím xen lẫn những khóm phong lan cheo leo trên đá, lửng lơ trên những cành cây.

Đến với Hầm Hô, du khách không chỉ đắm mình vào cảnh núi non hùng vĩ mà còn tận hưởng những tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông. Với chiều rộng trên dưới 30 mét, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng.

Vào mùa nước cạn, những ngày trời trong xanh, khi những tia nắng ban mai rọi xuống, những khối đá hoa cương ánh lên muôn màu lóng lánh, rực rỡ như ngàn vạn viên kim cương khoe mình trên làn nước trong xanh. Mỗi trụ đá mang cho mình một hình dáng riêng, chắp cánh cho trí tưởng tượng của du khách nơi đây; đá lớn, đá nhỏ, khối vuông, khối tròn, có những cụm nhìn tựa đàn voi đang tắm, có những dãy trông như thể bầy ngựa đang phi…

Nếu có dịp du ngoạn bằng thuyền đi dọc sông, du khách sẽ có dịp đắm mình vào thế giới huyền ảo của thiên nhiên. Cảnh vật kỳ thú nơi đây bắt đầu với bờ đập nước trong veo và mát lạnh. Vượt qua bờ đập, đi ngược dòng sông một đoạn khách sẽ gặp một vách đá dựng đứng như tường thành với cái tên dân gian Hòn Đá Thành.

Ngược về phía thượng nguồn, độ dốc càng lớn, nước chảy càng mạnh. Từng đoạn, từng đoạn chia khúc thành những thác nhỏ, nước chảy ầm ầm dội vào vách núi, cảnh vật càng thêm huyền ảo. Đây đó vang lên tiếng gù của chim Cu Gáy, tiếng hót véo von của chim Khướu, chim Vành Khuyên, tiếng kêu tích tích của những chú chim Sâu. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng Tắc Kè vọng lại từ những hốc đá, lùm cây.

Ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp kì ảo của thiên nhiên, du khách còn có dịp sống lại những ngày tháng hào hùng của lịch sử. Tại nơi đây, hơn hai trăm năm về trước vị danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân luyện võ để rồi sau đó hợp lực với các thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Cũng ở nơi này, anh hùng Mai Xuân Thưởng đã xây dựng căn cứ kháng Pháp. Danh thắng này vì thế còn có ý nghĩa thiêng liêng của một chứng tích lịch sử.

3. Soạn bài Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh

Để nắm vững kiến thức và kĩ năng đã học về văn bản thuyết minh, các em có thể tham khảo thêm bài soạn Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh.

 

 

Copyright © 2021 HOCTAP247