Trang chủ Lớp 12 Soạn văn Lớp 12 SGK Cũ Đọc thêm: Bên kia sông đuống - Hoàng Cầm Cảm nhận của em về Kinh Bắc qua thi phẩm “Bên kia sông Đuống"

Cảm nhận của em về Kinh Bắc qua thi phẩm “Bên kia sông Đuống"

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Cảm nhận của em về Kinh Bắc qua thi phẩm “Bên kia sông Đuống"

Đọc “Bên kia sông Đuống” của Hoàng cầm, tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Chế Lan Viên:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn !”


Phải chăng tâm hồn Hoàng cầm đã ăn sâu, bén rễ vào mảnh đất Kinh Bắc? Vấn vương theo những làn điệu dân ca quan họ say đắm lòng người hay quấn quít bện thành Luy Lâu cổ kính? Bởi lẽ, chỉ như thế đọc thơ ông ta mới nhận thấy lấp lánh sắc trời Kinh Bắc, thiên nhiên Kinh Bắc, con người Kinh Bắc ... cả một “thế giới Kinh Bắc” sử thi và huyền thoại ...

Dòng Sông Đuống - với mỗi người dân Kinh Bắc đã trở nên một góc tâm hồn, ai cũng lưu giữ một con sông cho riêng mình; Hoàng cầm cũng vậy - con đường trở về Kinh Bắc mở ra từ hình ảnh:
 
“Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”
 
Nếu như trước đó là hình ảnh con sông Đuống ngày xưa “cát trắng phẳng lì” gợi một vẻ đẹp đến nao lòng thì những câu thơ này lại tiếp nối mạch cảm xúc ấy. Lý Bạch đã từng viết về dòng sông:

“Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”
 
hay
 
“Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”
 
Trong mắt Hoàng cầm, dòng sông Đuống với cái đáng nghiêng nghiêng mềm mại còn như chứa đựng linh hồn Kinh Bắc. Hình ảnh dòng sông Đuống được nhận biết bằng thị giác là chủ yếu. Nó mở ra theo không gian và chảy xuôi theo thời gian. Trong cái dáng nghiêng nghiêng ấy, sông Đuống hiện lên như một mỹ nhân đẹp, buồn và đầy tâm trạng. Hai chữ “Kinh Bắc” không hề được nhắc tới nhưng dòng sông Đuống đã nói lên điều đó. Có ai đọc bài thơ này mà lại không nghĩ tới vùng quê Kinh Bắc? Có được ấn tượng đó không phải là điều dễ dàng. Thế giới Kinh Bắc được xây dựng bằng những chi tiết, những hình tượng rất tiêu biểu. Trong nếp nghĩ của người đọc, Kinh Bắc hiện lên trù phú, yên bình và tươi đẹp:
 
“Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc”
 
Dòng sông Đuống lấp lánh kia hẳn đã in trọn sắc trời lồng lộng. Màu xanh nơi Kinh Bắc cứ ngời lên khoẻ khoắn. “Xanh xanh”, “biêng biếc” vừa tiếp nối vừa dàn trải tạo nên một khoảng không gian xanh vô tận, ngút ngàn “Mía; dâu; ngô; khoai” toàn là những hình ảnh dân dã, gợi những cảm xúc về nơi thôn quê mộc mạc. Nhưng Kinh Bắc không chỉ có thế:
 
“Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
 
Nếu như ở khổ thơ trên, ta nhận biết về Kinh Bắc chủ yếu bằng thị giác thì đến đây toàn bộ không gian tiếp tục trở nên rực rỡ và thoang thoảng mùi hương. Đó là thứ hương lúa nếp ngọt ngào mà quấn quyện. Ba tiếng “quê hương ta” vang lên tràn đầy cảm giác tự hào. Quê hương ta với tranh Đông Hồ rực rỡ nét đẹp truyền thống. Những bức tranh mang nét mặt quê hương và cả linh hồn dân tộc. Thế giới Kinh Bắc hiện lên qua những gam màu tươi sáng, nồng ấm và rực rỡ. Nhưng nói đến Kinh Bắc mà không nói đến “những hội hè, đình đám”, những làn điệu quan họ ngây ngất thì dường như chưa trả hồn về cho Kinh Bắc:

“Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài ...”
 
Chỉ với ba từ “trên; trong; giữa”, Hoàng cầm đã thâu tóm được cả một không gian nhiều chiều, linh thiêng, mênh mông, cổ kính. Thâu tóm cả cái “mộng bình yên” tồn tại lâu nay tưởng như đã ngấm sâu vào đất vào trời. Thế giới Kinh Bắc được đặt trong không gian trữ tình sâu thẳm, một không gian tràn ngập sắc màu huyền thoại. Người đọc cảm nhận được tâm hồn thi nhân dường như nắm rõ khắp thôn cùng, ngõ hẻm đến từng ngọn lá, cành cây của quê hương mình. Nói đến Kinh Bắc, không thể chỉ nói cảnh mà không nói người:
 
“Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu”
 
Chỉ bằng một vài nét chấm phá, Hoàng cầm đã phác thảo nên hàng loạt những chân dung con người Kinh Bắc ở mọi tầng lóp, lứa tuổi, ở mỗi chân dung đều có những nét điển hình rất phù hợp và sinh động. Đó là những cô gái Kinh Bắc với đôi môi “cắn chỉ quết trầu” đẹp một vẻ đẹp tươi tắn, nền nã. Đó là những cụ già “phơ phơ tóc trắng” sao mà gần gũi hiền hậu như các tiên ông. Đọc đến đây tôi lại nhớ đến câu thơ của Đoàn Văn Cừ:
 
“Bà cụ lão bán hàng bên miếu cô
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”
 
Đó còn là những em bé hiếu động, hồn nhiên, khoẻ khoắn. “Sột soạt quần nâu” vừa gợi lên những âm thanh của hoạt động vừa nhấn mạnh cái sắc nâu dân dã, đậm đà mà cũng vất vả gian truân. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất về con người Kinh Bắc vẫn là hình ảnh những thiếu nữ đẹp và duyên dáng:
 
“Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng”
 
Có lẽ chỉ có Hoàng Cầm, bằng tâm hồn yêu nhớ quê hương Kinh Bắc mới viết lên được những câu thơ như thế “Khuôn mặt búp sen” - một hình ảnh đẹp và giàu sức gợi. Nó gợi lên trong lòng người đọc ấn tượng về những cô thiếu nữ vóc dáng xinh tươi, thanh thoát; màu sắc thanh nhã, hương thơm mộc mạc, dân dã và bản chất phúc hậu. Thêm vào đó là một nụ cười đầy ấn tượng:
 
“Cười như mùa thu toả nắng”
 
Nụ cười tươi sáng, lan toả niềm vui mà dịu ngọt, kín đáo, lôi cuốn lòng người. Đó là nụ cười mang hồn quê Kinh Bắc. Chẳng biết nắng thu vàng tươi tắn tô điểm thêm nét đẹp cho nụ cười hay chính nụ cười đã tăng thêm nét rạng rõ cho nắng thu. Ta nhớ lại một câu thơ xưa:
 
“Nhân điệu đào hoa tương ánh hồng”
 
hay nhà thơ Lưu Trọng Lư đã từng viết:
 
“Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa”
 
Làm sao lại không nhớ, không yêu một nụ cười như thế? Xứ Kinh Bắc hiện lên vẫn đẹp đẽ, thơ mộng. Không những thế, thế giới Kinh Bắc không yên tĩnh mà tấp nập nhộn nhịp, rộn ràng trong cuộc sống:
 
“Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người dăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa màu
Những người thợ nhuộm Đồng Tỉnh, Huê cầu...”
 
Tất cả đều phối hợp với nhau rất nhịp nhàng góp phần tạo nên một xứ sở Kinh Bắc giàu đẹp, yên bình. Nếu như “Bên kia sông Đuống” chỉ miêu tả nét đẹp của vùng Kinh Bắc, thì người đọc chỉ như đi du lịch đến một vùng danh lam thắng cảnh mà thôi. Thế giới Kinh Bắc còn được khắc hoạ thêm, in đậm thêm nhờ nó được đặt trong sự tương quan giữa quá khứ và hiện tại, trong cảm hứng lãng mạn bay bổng ngọt ngào của nhà thơ. Toàn bộ bài thơ là các khoảng không gian đan xen nhau. Bên cạnh những phút giây hồi tưởng về Kinh Bắc trong quá khứ, Hoàng cầm đặt Kinh Bắc vào khói lửa của thực tại. Cũng chính từ cảm giác đau xót, rụng rời khi nhìn thấy quê hương bị huỷ diệt, tàn phá mới giúp chúng ta hiểu rõ hơn tâm trạng của tác giả khi nhớ về một Kinh Bắc đẹp đẽ, huy hoàng. Bởi vậy, những hình ảnh đối lập giữa quá khứ và hiện tại càng làm tăng thêm sự xót xa, nhớ tiếc. Quê hương Kinh Bắc đẹp là thế, thơ là thế, vậy mà “giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn; ruộng khô; nhà cháy”. Một Kinh Bắc xanh trong nay trở thành một Kinh Bắc rực lửa, khô héo “kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang”. Sự tan tác, tơi bời của xóm làng được thể hiện rất sâu sắc qua hình ảnh:
 
“Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?”
 
Từ hình ảnh những bức tranh Đông Hồ có thể qua trận càn quét của giặc rách nát tơi bời, Hoàng cầm đã viết nên những câu thơ thật xúc động. Những giá trị văn hoá của đời sống tinh thần bị giày xéo, phá huỷ. Ai lại không tiếc, ai mà không đau, không xót? Nhất là khi một thế giới Kinh Bắc xưa cứ chập chờn, ẩn hiện. Hàng loạt câu hỏi “Bây giờ đi đâu về đâu? ở đâu? cứ cất lên trong niềm đau xót, nghẹn ngào. Sự đan xen của hai luồng cảm xúc làm cho nhịp điệu thơ cũng thay đổi theo. Khi thì dồn dập hừng hực căm hờn, lúc lại miên man nhớ tiếc rồi đau xót khôn nguôi. Thế giới Kinh Bắc cứ chập chờn như thế, cứ xa dần rồi lại hiện ra. Đặt trong cảm hứng lãng mạn của tác giả, Kinh Bắc càng trở nên đẹp trong sắc màu huyền thoại, cổ xưa. Vùng quê ấy cứ trở đi trở lại, từ cảm hứng đau thương đến cảm hứng chiến đấu. Nhịp thơ và giọng điệu càng đau thương, tiếc nuối bao nhiêu thì người đọc càng nhớ về thế giới Kinh Bắc rực rỡ, thanh bình kia bấy nhiêu. Hình ảnh vùng quê Kinh Bắc hiện lên từ đầu bài thơ và đến cuối bài thơ lại trở về:
 
“Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”
 
Thế giới Kinh Bắc tương lai theo mạch cảm xúc lại hiện lên “Em” là ai? Là người yêu, là người thân hay là một trong những khuôn mặt búp sen kia? Chỉ biết rằng em là một cô gái Kinh Bắc, em lại mang hình ảnh của vùng quê Kinh Bắc.
 
“Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông”
 
Ta nhận thấy rõ niềm yêu thương, tự hào của Hoàng Cầm khi nhớ về vùng quê Kinh Bắc. Kinh Bắc trong mắt ông là tâm hồn, là máu thịt, là lời ca quan họ ngọt ngào, là những hội hè đình đám rộn rã, tươi vui. Thế giới Kinh Bắc lại trở về với nét đẹp truyền thống. Ta lại bắt gặp hình ảnh nụ cười rạng rõ “như mùa thu toả nắng” ở câu thơ kết. Sự láy lại này càng khẳng định về một thế giới Kinh Bắc vốn có trước kia. Tất cả đều nằm trong cảm hứng lãng mạn; lãng mạn nhưng không mềm yếu mà thúc giục lòng người đứng lên chiến đấu, bảo vệ quê hương, xóm làng. Qua thi phẩm “Bên kia sông Đuống” người đọc được bước vào một thế giới Kinh Bắc rất cụ thể và gần gũi. Để tạo nên được một thế giới tràn đầy hình ảnh như thế, hẳn Hoàng cầm cần phải yêu quê hương Kinh Bắc lắm. Nếu như Nguyễn Đình Thi nhớ về Hà Nội qua hình ảnh:
 
“Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
 
hay Quang Dũng nhớ về Tây Tiến:
 
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ vê rừng núi nhớ chơi vơi”
 
Đều chỉ là qua một vài hình ảnh thì Hoàng Cầm lại khác. Tình yêu quê hương đã giúp ông xây dựng nên cả một thế giới Kinh Bắc với đất trời, sông núi, con người. Cho nên cứ đọc “Bên kia sông Đuống” là ta bắt gặp Kinh Bắc, nhớ về Hoàng Cầm là nhớ về Kinh Bắc. Có thể nói Hoàng cầm say mê Kinh Bắc, yêu và nhớ Kinh Bắc với cả tấm lòng. Điều đó không thể phủ nhận. Có như vậy ông mới tạo nên một thế giới Kinh Bắc đẹp như một huyền thoại. Không chỉ riêng “Bên kia sông Đuống” Hoàng cầm còn có cả một tập thơ gồm bốn tám bài chỉ viết về vùng Kinh Bắc với tựa đề “Về Kinh Bắc”. Thế mới biết tâm hồn ông đã thấm sâu vào từng thước đất vùng Kinh Bắc.
 
Có lẽ giờ đây, khi đất nước đã yên bình, Hoàng cầm tự do trở về ngồi bên dòng sông Đuống, thả hồn theo những lời quan họ đắm say. Ông sẽ không phải bắc cây cầu trong mộng tưởng như hồi còn ở bên này sông Đuống ... Thời gian vẫn cứ trôi đi, nó phủ một làn bụi vô tình lên tất thảy, nhưng mỗi lần nhớ về “Bên kia sông Đuống”, trong tâm hồn mỗi chúng ta lại xôn xao hiện về một thế giới Kinh Bắc huyền thoại và cổ kính...

Copyright © 2021 HOCTAP247