Tuần 29 - Tập đọc: Đường đi Sa Pa - Tiếng Việt 4

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Hướng dẫn luyện đọc Đường đi Sa Pa

a. Luyện đọc

  • Đọc đúng các từ khó:
    •  chênh vênh, bồng bềnh, lướt thướt

b. Đọc - hiểu

  • Hiểu các từ ngữ khó trong bài:
    • Sa Pa: một huyện thuộc tỉnh Lào Cai.
    • Rừng cây âm âm: rừng cây rậm rạp, hơi tối và tĩnh mịch.
    • Hmông, Tu Dí, Phù Lá: tên gọi của ba dân tộc thiểu số sống ở vùng núi cao.
    • Hoàng hôn: lúc mặt trời lặn.
    • Áp phiên: hôm trước phiên chợ.
  • Bố cục
    • Chia làm 3 đoạn
      • Đoạn 1. Từ đầu đến "lướt thướt liễu rủ".
      • Đoạn 2. Tiếp theo đến "sương núi tím nhạt".
      • Đoạn 3. Còn lại
  • Nội dung
    • Ca ngợi vẻ đẹp độc đáo của Sa Pa, thể hiện tình cảm yêu mến tha thiết của tác giả đối với cảnh đẹp của đất nước.
  • Luyện đọc diễn cảm
    • Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô / tạo nên cảm giác bồng bềnh / huyền ảo.// 
    • Tôi lim dim mắt / ngắm mấy con ngựa / đang ăn cỏ trong một vườn đào ven đường.// 

1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi Đường đi Sa Pa

Câu 1 (trang 103 sgk Tiếng Việt 4): Mỗi đoạn trong bài là một bức tranh đẹp về cảnh, về người. Hãy miêu tả những điều hình dung được về mỗi bức tranh.

Gợi ý:

  • Tranh 1: Ta hình dung ra con đường đi Sa Pa ngày càng lên cao hơn, nằm chênh vênh trên sườn núi xuyên qua những đám mây, uốn quanh những ngọn thác đẹp và lượn sát những cánh rừng. Cảnh làng xóm ven đường cũng thật đẹp, thật yên ả, êm đềm với những vườn đào đang trổ hoa, với những con ngựa đẹp nhiều màu sắc được chăn thả trong vườn. Đi lên Sa Pa ta có cảm giác như đi trong cảnh tượng huyền ảo của chốn thần tiên.
  • Tranh 2: Ta hình dung ra quang cảnh một thị trấn ở miền núi cao, có các em bé dân tộc ăn mặc những bộ quần áo nhiều màu đang chơi đùa. Phiên chợ đông vui, người ngựa rộn ràng nhưng tất cả lại ẩn hiện trong màn sương chiều mờ tím. Đây là cảnh phố huyện rất vui mắt, rực rỡ sắc màu.
  • Tranh 3. Phong cảnh cửa đường lên Sa Pa thật đẹp và luôn thay đổi, khi là lá vàng mùa thu, khi là cơn mưa tuyết trắng trên các cành đào, lê mận, khi là hoa xuân rực rỡ. Đây là sự liên tục đổi mùa, sự lạ lùng hiếm có.

Câu 2 (trang 103 sgk Tiếng Việt 4): Những bức tranh bằng lời thể hiện sự quan sát rất tinh tế của tác giả. Hãy nêu một chi tiết thể hiện sự quan sát tinh tế ấy

Gợi ý:

  • Sự quan sát rất tinh tế của tác giả thể hiện trong suốt cả bài văn. Ví dụ:
    • Khi tả cái thị trấn miền núi tác giả đã nêu ra một cảnh tượng đặc trưng mà phố xá dưới xuôi không bao giờ có cả.
    • Những em bé Hmông, những em bé Tu Dí, Phù Lá cổ đeo móng hổ, quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hàng.

Câu 3 (trang 103 sgk Tiếng Việt 4): Vì sao tác giả gọi Sa Pa là "món quà tặng diệu kì" của thiên nhiên?

Gợi ý:

  • Vì quang cảnh ở đây rất đẹp, có núi, có thác, có rừng, cây cối luôn tốt tươi, có nhiều thứ hoa quý hiếm, làng xóm yên ả thanh bình, khí hậu thì không nóng bức bao giờ, quanh năm mát mẻ hay se lạnh.

Câu 4 (trang 103 sgk Tiếng Việt 4): Bài văn thể hiện tình cảm của tác giả đối với cảnh đẹp Sa Pa như thế nào?

Gợi ý:

  • Tác giả tỏ rõ lòng thích thú, mến yêu và mê say cảnh đẹp của Sa Pa. Đó là những tình cảm thật thắm thiết, nồng nàn.
  • Thông qua bài giảng Tập đọc: Đường đi Sa Pa, các em cần nắm được:
    • Đọc lưu loát toàn bài.
    • Hiểu các từ ngữ trong bài. Nắm được những ý chính của bài: Ca ngợi vẻ đẹp độc đáo của Sa Pa, thể hiện tình cảm yêu mến tha thiết của tác giả đối với cảnh đẹp của đất nước.
  • Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng 
    Chính tả Nghe - viết: Ai đã nghĩ ra các chữ số 1, 2, 3, 4...? cho tiết học tiếp theo.

 

Copyright © 2021 HOCTAP247