Tóm tắt bài
1.1. Hướng dẫn luyện đọc Nghĩa thầy trò
a. Luyện đọc
- Đọc đúng các từ:
- Dạ ran, sáng sủa, cuốn sách quý, tề tựu, bảo ban, rất nặng, thôn Đoài, nghiêng đầu.
- Đọc bài văn với giọng nhẹ nhàng, lời của thầy giáo Chu nói với học trò thì ôn tồn, thân mật, nói với cụ già thì kính cẩn.
b. Đọc - hiểu
- Hiểu các từ ngữ khó trong bài:
- Cụ giáo Chu: tức Chu Văn An (1292-1370), một nhà giáo nổi tiếng đời Trần.
- Môn sinh: học trò của cùng một thầy giáo.
- Áo dài thâm: áo dài màu đen.
- Sập: giường gỗ, mặt liền với chân, xung quanh có diềm.
- Vái: chấp tay giơ lên hạ xuống, đồng thời cúi đầu, để tỏ lòng cung kính.
- Tạ: cảm ơn hoặc xin lỗi một cách kính cẩn.
- Cụ đồ: người dạy chữ Nho thời trước.
- Vỡ lòng: bắt đầu học (chữ).
- Bố cục
- Chia làm 3 đoạn
- Đoạn 1. Từ đầu..."mang ơn rất nặng".
- Đoạn 2. "Các môn sinh"..."tạ ơn thầy"
- Đoạn 3. Còn lại
- Nội dung
- Ca ngợi truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta, nhắc nhở mọi người cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
- Luyện đọc diễn cảm
Từ sáng sớm, các môn sinh đã tề tựu / trước sân nhà cụ giáo Chu / để mừng thọ thầy. Cụ giáo đội khăn ngay ngắn, mặc áo dài thâm / ngồi trên sập. Mấy học trò cũ từ xa về / dâng biếu thầy những cuốn sách quý. Cụ giáo hỏi thăm công việc của từng người, bảo ban các học trò nhỏ, rồi nói:
- Thầy cảm ơn các anh. Bây giờ, nhân có đông đủ môn sinh, thầy muốn mời tất cả các anh theo thầy đến thăm một người / mà thầy mang ơn rất nặng.
Các môn sinh đồng thanh dạ ran.
1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi Nghĩa thầy trò
Câu 1 (trang 80 sgk Tiếng Việt 5): Các môn sinh của cụ giáo Chu đến nhà thầy để làm gì? Tìm những chi tiết cho thấy học trò rất tôn kính cụ giáo Chu.
Gợi ý:
- Các môn sinh của cụ giáo Chu đến nhà thầy để mừng thọ thầy, tỏ bày lòng yêu quí kính trọng thầy, người đã hết lòng dạy dỗ dìu dắt họ trưởng thành.
- Những chi tiết cho thấy học trò rất tôn kính cụ giáo Chu là:
- Các môn sinh từ sáng sớm đã tề tựu trước sân nhà thầy giáo Chu để mừng thọ thầy.
- Họ dâng biếu thầy những cuốn sách quý.
- Họ “đồng thanh dạ ran”, cùng xếp hàng theo sau thầy sau khi nghe thầy nói muốn tới thăm "một người mà thầy mang ơn rất nặng”.
Câu 2 (trang 80 sgk Tiếng Việt 5): Tình cảm của cụ giáo Chu đối với người thầy đã dạy cho cụ từ thuở học vỡ lòng như thế nào? Tìm những chi tiết biểu hiện tình cảm đó.
Gợi ý:
- Đối với người thầy đã dạy mình từ thuở học vỡ lòng, thầy giáo Chu rất mực tôn kính.
- Những chi tiết biểu hiện sự tôn kính đó là:
- Thầy mời học trò cùng thầy tới thăm một người mà thầy mang ơn rất nặng.
- Thầy chắp tay cung kính với cụ đồ.
- Thầy cung kính thưa với cụ: “Lạy thầy, hôm nay con đem tất cả các môn sinh đến tạ ơn thầy.”
Câu 3 (trang 80 sgk Tiếng Việt 5): Những thành ngữ, tục ngữ nào dưới đây nói lên bài học mà các môn sinh nhận được trong ngày mừng thọ cụ giáo Chu?
a) Tiên học lễ, hậu học văn.
b) Uống nước nhớ nguồn.
c) Tôn sư trọng đạo.
d) Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy.)
Gợi ý:
Những câu tục ngữ nói lên bài học mà các môn sinh nhận được trong ngày mừng thọ cụ giáo Chu là:
a) Uống nước nhớ nguồn.
b) Tôn sư trọng đạo
c) Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
- Thông qua bài giảng Tập đọc: Nghĩa thầy trò, các em cần nắm được:
- Đọc lưu loát toàn bài, biết đọc bài với giọng nhẹ nhàng, lời của thầy giáo Chu nói với học trò thì ôn tồn, thân mật, nói với cụ già thì kính cẩn.
- Đọc đúng ngữ điệu của các câu trong truyện.
- Hiểu các từ ngữ trong bài. Nắm được những ý chính của từng đoạn trong câu chuyện. Hiểu ý nghĩa của câu chuyện: Ca ngợi truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta, nhắc nhở mọi người cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
- Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng
Chính tả: Nghe - viết: Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động cho tiết học tiếp theo.