Đề bài: Dàn ý Phân tích nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc
A. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm Lão Hạc: “Lão Hạc” là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn hiện thực- nhân đạo Nam Cao.
- Giới thiệu và khái quát những nét chính về nhân vật ông giáo: Nhân vật ông giáo trong tác phẩm tuy không phải là nhân vật chính nhưng lại vô cùng quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng của tác giả.
B. Thân bài:
Luận điểm 1: Lý lịch và hoàn cảnh nhân vật.
- Ông giáo là một tri thức nghèo ở nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn.
+ Nếu như với một người nông dân như lão Hạc, sự nghèo đói khiến lão phải bán đi con chó – người bạn thân nhất của lão, thì với một trí thức như ông giáo, thứ ông quý trọng nhất, nâng niu nhất nhưng cuối cùng ông vẫn phải bán chúng đi để chữa bệnh cho con – đó là sách.
+ Cuộc sống khó khăn của ông giáo còn được thể hiện qua hình ảnh người vợ của ông. Sự nghèo đói, khổ cực đã khiến thị trở nên ích kỉ với tất cả mọi người, ngoại trừ những đứa con của thị.
⇒ Cuộc sống khó khăn bao trùm lên ngôi làng nhỏ, dù là một người trí thức cũng không thể thoát khỏi vòng vây của cái đói, cái khổ.
Luận điểm 2: Ông giáo là một người giàu tình cảm, giàu lòng yêu thương.
- Ông giáo khác vợ ông ở chỗ, dù nghèo đói, túng quẫn, nhưng ông vẫn giữ được cái phẩm chất, cái lòng thương người, đồng cảm của mình, đặc biệt là với ông bạn già – lão Hạc.
+ Từ khi con trai lão Hạc ra đi, ngoài cậu Vàng thì có lẽ, ông giáo chính là người thấu hiểu và đồng cảm với lão nhất, ông luôn lắng nghe mọi tâm sự của lão Hạc, từ việc con trai không có tiền cưới vợ phải bỏ đi đồn điền, đến việc lão muốn bán chó, muốn gửi vườn, gửi tiền,…
+ Ông giáo luôn muốn giúp đỡ lão Hạc, dù chỉ là củ khoai, chén rượu, khi lão Hạc từ chối sự giúp đỡ của ông, ông giáo vừa buồn vừa thông cảm. Sự giúp đỡ duy nhất của ông dành cho lão, có lẽ là giữ vườn và tiền làm ma hộ lão.
- Không chỉ với lão Hạc, ông giáo cũng hiểu và thông cảm cho sự ích kỉ của người vợ: “ Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi”
Luận điểm 3: Ông giáo là một trí thức vừa đáng thương vừa đáng quý.
- Tưởng như trong câu chuyện này, lão Hạc đã là người khổ nhất, đáng thương nhất, nhưng nếu như nhìn lại tất cả, có lẽ ông giáo mới là người đáng thương nhất.
+ Ông giáo là nhân vật đại diện cho tầng lớp trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ.
+ Sự bế tắc ấy được thể hiện ở chỗ ông chính là người chứng kiến mọi đau khổ của lão Hạc, con lão, của vợ ông, và có lẽ của rất nhiều người khác, những ông chỉ có thể đứng nhìn mà không thể cứu giúp họ khỏi cái khổ đau ấy.
+ Ông giáo không chỉ gánh trên vai sựu thiếu thốn về vật chất mà còn gánh cả nỗi đau về tinh thần, đó là sự dày vò, day dứt khi không thể làm gì cho xã hội, cho đất nước, như chính trách nhiệm của một nhà nho, nhà trí thức đương thời.
+ Khi vợ ông ích kỉ với lão hạc, ông chỉ “buồn chứ không nỡ giận”, khi nghe Binh Tư nói lão Hạc muốn đánh bả chó, ông chỉ biết thốt lên “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”. Và cho đến khi chứng kiến cái chết của lão Hạc, điều duy nhất ông có thể làm đó là giữ trọn lời hứa với lão.
⇒ Tình cảnh bế tắc và tấm lòng nhân đạo của ông giáo khiến người đọc thấy đâu đó trong con người ông là nỗi lòng, tâm sự của chính tác giả - nhà văn Nam Cao.
C. Kết bài:
- Khẳng định lại phẩm chất của nhân vật ông giáo và vai trò của nhân vật trong toàn bộ tác phẩm: Ông giáo có những phẩm chất đại diện cho tầng lớp trí thức đương thời.
- Liên hệ và đánh giá về cảm hứng nhân đạo, nhân văn của truyện: Đọc truyện, người ta thấy lấp ló đằng sau nhân vật ông giáo ấy chính là hình ảnh tác giả với tấm lòng nhân đạo cao cả và nỗi lòng bế tắc trước cảnh ngộ của những người dân lao động.
Copyright © 2021 HOCTAP247