Đề: Phân tích bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu.
BÀI LÀM 1
Bài thơ Khi con tu hú được sáng tác vào tháng 7 năm 1939, khi nhà thơ trong bước đường hoạt động cách mạng đang bị địch bắt giam tại lao Thừa Phủ - Huế. Bài thơ phản ánh tâm trạng ngột ngạt của một người cộng sản trẻ tuổi sôi nổi yêu đời bị giam cầm giữa bốn bức tường vôi lạnh. Tâm trạng ấy càng trở nên bức xúc khi nhà thơ hướng tâm hồn mình đến với bầu trời tự do ở bên ngoài. Đặc biệt giữa không gian tự do ấy bỗng vang ngân tiếng chim tu hú gọi bầy. Với âm thanh da diết đó, nỗi ngột ngạt, u uất còn dồn nén và biến thành niềm khát vọng tự do cháy bỏng không thể kìm hãm nổi:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Mở đầu bài thơ, với tựa đề Khi con tu hú, tác giả muốn khẳng định đây là một thứ âm thanh mở ra mạch cảm xúc của toàn bài thơ. Tác động của âm thanh này đặt vào tâm cảnh của nhà thơ càng trở nên tha thiết và thôi thúc hướng đến tự do.
Ta biết rằng, người thanh niên cộng sản Tố Hữu dù bị tù đày, tra tấn nhưng không nản chí sờn lòng. Nhà thơ đã xác định:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
(Trăng trối)
Trở lại câu thơ mở đầu của bài thơ: “Khi con tu hú gọi bầy”. Đó là cái thời điểm thiết tha và thiếu thốn khi nghe con tu hú gọi bầy, tiếng gọi trở về với bạn bè, đồng đội. Tiếng chim gọi bầy càng tăng thêm nỗi cô đơn của nhà thơ giữa bốn bức tường lạnh lẽo. Tố Hữu bị bắt giam giữa lúc nhiệt tình cách mạng của tuổi thanh xuân đang sục sôi, muốn đem tất cả nhiệt huyết để cống hiến cho cách mạng.
Tiếng chim tu hú gọi bầy đã thức dậy một nỗi nhớ sâu xa trong Tố Hữu. Trong thế giới tăm tối của ngục tù, nhà thơ đã huy động nhiều giác quan để hình dung, tưởng tượng đồng quê thân thuộc ngoài kia:
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào.
Một bức tranh đựơc “vẽ" trong tâm tưởng bằng nỗi nhớ da diết. Nhịp sống của đồng quê thật rộn rã và tràn đầy sức sống. “Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần”, sự vật đang vận động tiến dần đến sự hoàn thiện, hoàn mĩ (đang chín, ngọt dần). Một mùa hè đã báo hiệu, một mùa hè với những cảnh vật, âm thanh, màu sắc, ánh nắng quen thuộc. Phải là một người tha thiết yêu cuộc sống, gắn bó máu thịt với quê hương mới có nỗi nhức nhối không nguôi đến như thế!
Trí tưởng tượng của nhà thơ được chắp cánh đến với bầu trời khoáng đạt:
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...
Cũng là bầu trời xanh thân thiết của tuổi thơ với “đôi con diều sáo lộn nhào từng không”. Giữa khoảng trời bao la, cao, rộng vài con sáo nhào lộn như nét chấm nhỏ nhoi giữa cái mênh mông của đất trời. Hình ảnh con diều sáo lộn nhào giữa từng không cũng là niềm khát vọng được tự do của người chiến sĩ cách mạng bị giam cầm.
Niềm khát khao đó bị dồn nén lúc này đây đã bùng lên mãnh liệt:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!
Nhịp sống trào dâng, mời gọi, thôi thúc tràn ngập vào tận ngõ ngách tăm tối của chốn ngục tù, len lỏi vào tâm hồn người cộng sản trẻ tuổi biến thành nỗi khát khao hành động: “muốn đạp lan phòng”.
Bài thơ có 10 câu, câu mở đầu và câu kết thúc là tiếng kêu của con tu hú. Âm hưởng tiếng kêu xuyên suốt toàn bài, tiếng kêu liên hồi, khắc khoải và da diết. Tiếng kêu vang vào thế giới chật chội, tăm tối của nhà lao và tâm trạng nhà thơ trở nên bực bội, ngột ngạt, đến nỗi phải kêu lên:
Ngột làm sao, chết uất thôi.
Bài thơ khép lại nhưng là nghe tiếng tu hú “cứ kêu”, kêu hoài, kêu mãi...
Bài thơ cho ta hiểu thêm nét đẹp trong tâm hồn người cộng sản trẻ tuổi. Người chiến sĩ gang thép đó có một thế giới nội tâm rất mực phong phú, rung động mãnh liệt với nhịp đập của cuộc sống, gắn bó thiết tha với quê hương ruộng đồng, và một niềm khát khao tự do cháy bỏng.
(Trích Văn chọn lọc - SĐD)
Copyright © 2021 HOCTAP247