Trang chủ Lớp 11 Soạn văn Lớp 11 SGK Cũ Hạnh phúc của một tang gia - Vũ Trọng Phụng Phân tích giá trị hiện thực và giá trị tố cáo của Hạnh phúc của một tang gia

Phân tích giá trị hiện thực và giá trị tố cáo của Hạnh phúc của một tang gia

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích giá trị hiện thực và giá trị tố cáo của Hạnh phúc một tang gia

Hướng dẫn giải

    Vũ Trọng Phụng cây bút hiện thực đặc biệt trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Bằng con mắt sắc sảo, sự quan sát tinh tường, Vũ Trọng Phụng đã vạch trần bộ mặt, bản chất chó đểu của xã hội Âu hóa đương thời. Trong các tác phẩm của ông luôn thấm đẫm giá trị hiện thực và tố cáo. Hạnh phúc một tang gia tuy chỉ là một trích đoạn nhỏ trong cuốn tiểu thuyết Số đỏ nhưng giá trị hiện thực mà nó phản ánh cũng vô cùng to lớn.

    Giá trị hiện thực của một tác phẩm tức là toàn bộ hiện thực cuộc sống được nhà văn nắm bắt và phản ánh trong tác phẩm văn học. Hiện thực đó có thể đồng nhất với thực tế cuộc sống có thể cường điệu hóa nhưng vẫn phải xuất phát từ hiện thực nhằm nêu lên một vấn đề, phản ánh một hiện tượng xấu trong cuộc sống xã hội lúc bấy giờ.

    Trước hết đoạn trích Hạnh phúc một tang gia mang giá trị hiện thực lớn bởi nó đã phản ánh được sự lên ngôi của đồng tiền. Trong văn học Việt Nam, phản ánh sức mạnh, sự tên ngôi của đồng tiên có rất nhiều, có thê kể đến Truyện Kiều của Nguyễn Du :

    Một ngày lạ thói sai nha

    Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền

    Hay : Trong tay có sẵn đồng tiền

    Dễ dàng đổi trắng thay đen khó gì

    Như vậy, ngay từ xưa, người ta đã ý thức rất rõ về sức mạnh ghê gớm của đồng tiền, nó có thể mua bán trao đổi con người, mua bán nhân phẩm, lương tâm. Trong đoạn trích này, Vũ Trọng Phụng một lần nữa nhấn mạnh vào sức mạnh khủng khiếp của nó. Cái chết của cụ cố tổ là điều mong mỏi với tất cả mọi người trong gia đình. Nghe thì có vẻ nghịch lí nhưng sự thật lại chính xác như vậy. Khi Xuân Tóc Đỏ gây nên cái chết của cụ cố tổ cả gia đình tri thức, văn minh ấy sung sướng đến cực độ: Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm, bởi bản di chúc trên giấy sắp được đưa vào giai đoạn thực thi, họ sắp được thừa hưởng những món tiền khổng lồ. Ai nấy đều vui mừng, một niềm vui sướng thầm kín: người ta tưng bừng, vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma,… . Đồng tiền đã làm mất đi tình nghĩa, làm tha hóa con người. Cảnh cuối khi hạ huyệt cụ cố tổ, ông Phán mọc sừng đã lén lút đưa cho Xuân Tóc Đỏ tờ năm đồng gấp làm tư và cũng thật nhanh nhẹn, Xuân nắm chặt để không ai trông thấy. Một thương vụ công khai mà bí mật diễn ra vô cùng nhanh chóng vạch trần bộ mặt xấu xa của hiện thực xã hội đương thời.

    Không chỉ vậy, hiện thực được Vũ Trọng Phụng phản ánh trong tác phẩm còn là hiện thực của những con người băng hoại, tha hóa về đạo đức, đó là những kẻ lố lăng, kệch cỡm. Cái chết của một người không hề khiến cho họ cảm thương, xót xa hơn nữa đây lại là cái chết của một người trong gia đình, người ông, người cha của họ. Họ chỉ thấy sung sướng, hạnh phúc cực điểm, niềm vui chung hòa với niềm vui riêng của mỗi cá nhân. Niềm vui chung ấy là cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa. Và niềm vui chung của mỗi thành viên lại càng thể hiện rõ hơn sự bất nhân, đạo đức tha hóa của họ. Đầu tiên phải kể đến là cụ cố Hồng, dù mới ngoài năm mươi tuổi nhưng luôn muốn những người xung quanh gọi là cụ cố, khi bố chết, cụ cố Hồng nằm mơ màng nghĩ đến khoảnh khắc mặc áo xô gai, chống gậy lụ khụ và để cho thiên hạ phải khen rằng con chết lớn đã già thế kia kìa. Là con đẻ, bố chết nhưng không một phút xúc động, một chút xót thương chỉ nghĩ đến sự khoa trương cho bản thân. Ông Văn Minh thì sung sướng vì sắp được chia gia tài, vừa băn khoăn khó xử trước hai cái tội nhỏ, một cái ơn to của Xuân Tóc Đỏ, khuôn mặt đăm chiêu thành ra rất hợp với khuôn mặt nhà có đám tang. Vợ chồng bà Văn Minh và ông TYPN thì hạnh phúc bởi đây chính là cơ hội giúp họ lăng xê những bộ đồ tân thời nhất, mốt nhất của tiệm may Âu hóa, đây chính là cơ hội làm ăn lớn. Kẻ vô sỉ, thiếu nhân cách tiếp theo chính là ông Phán mọc sừng. Bị vợ cắm sừng nhưng hắn ta không lấy làm ê chề, nhục nhã, ngược lại cảm thấy sung sướng khi nghe cụ Hồng nói sẽ chia con gái và rể thêm một vài nghìn đồng coi đó là tiền bồi hoàn danh dự, chính ông ta cũng không ngờ giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến như thế . Với cô Tuyết đây là cơ hội để mặc những bộ đồ ngây thơ, nửa kín nửa hở, và trưng diện bộ mặt buồn lãng mạn rất đúng mốt. Cô buồn vì gia đình có việc mà sao mãi người tình vẫn chưa đến. Niềm hạnh phúc của cậu Tú Tân là được sử dụng cái máy ảnh mà bấy lâu nay không có cơ hội dung đến. Cậu cứ điên hết cả lên, trong ngày hạ huyệt, cậu chỉnh người này, nắn người kia sao cho có những bức hình bi thương đẹp đẽ nhất. Cả gia đình văn minh đó bối rối trong nỗi niềm rất riêng nhưng đó là cái bối rối trong cách diễn làm sao cho thật đạt, thật chuẩn, cái bối rối của sự băng hoại, phi đạo đức.

    Không chỉ những người trong gia đình, thói đạo đức giả, tha hóa về nhân cách còn thể hiện trong những kẻ đi đưa đám tang. Bề ngoài họ buồn rầu, đau đớn mà thực chất là họ gặp gỡ, bàn tán, chim chuột nhau : Con bé nhà ai kháu thế ; Mỏ vàng hay mỏ chì ; Vợ béo thế, chồng gầy thế thì mọc sừng mất,… những câu chuyện chẳng hề liên quan đến tang lễ. Hay như các vị bạn cụ cố Hồng đến dự đám tang xúc động sâu sắc về chiếc ngực trắng lấp ló của cô Tuyết thay vì xúc động cho cái chết của một người đã lìa đời. Tất cả hợp lại một màn đại hài kịch lớn, vạch trần bộ mặt bất nhân, phi đạo đức của những kẻ giả dối, bịp bợm.

    Với việc cảnh khắc họa đám tang và những chân dung hài hước, châm biếm Vũ Trọng Phụng đã phản ánh thực trạng suy thoái về đạo đức của một bộ phận không nhỏ tầng lớp tư sản thượng lưu đương thời đang theo đuổi trào lưu Âu hóa. Qua đó , ông cũng lên án, phê phán và thể hiện sự căm phẫn tột cùng với thói đạo đức giả trong gia đình và xã hội tư sản thành thị bấy giờ.

Copyright © 2021 HOCTAP247