Đề bài: Phân tích tấn bi kịch của Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt cửu trùng đài
Nguyễn Huy Tưởng là nhà viết kịch tài năng, một trong những kịch gia xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Ông để lại số lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó nổi bật hơn cả là tác phẩm Vũ Như Tô. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Vũ Như Tô một nhà kiến trúc tài năng, nhưng vì mượn quyền lực và tiền bạc của bạo chúa để thực hiện khát vọng nên ông rơi vào bi kịch. Bi kịch đó được thể hiện rõ nhất trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”.
Bi kịch có thể hiểu là tình cảnh chứa đựng những éo le, mau thuẫn dẫn đến đau thương mất mát. Bi kịch đó khiến con người ta không thể giải quyết được, buộc phải tìm đến cái chết, hoặc bị buộc phải nhận cái chết. Chỉ khi đó bi kịch mới có thể được giải quyết.
Vũ Như Tô cũng rơi vào bi kịch không thể hóa giải nổi, ông vốn là người nghệ sĩ tài năng, luôn ôm ấp khát vọng nghệ thuật cao cả song lại mẫu thuẫn với thực tại phũ phàng. Chính điều đó đã đẩy ông vào bi kịch.
Trước hết, Vũ Như Tô là một người có tài năng siêu việt, là người kiến trúc sự tài bà, điều đó được thể hiện rõ qua lời nhận xét của Lê Tương Dực: “một tài năng khác thường, một nhà kiến trúc, một tay hội họa thần tinhg, một kiến trúc sư có khả năng xây những những lâu đài tráng lệ mà không hề tính sai một viên gạch” tài năng của ông đến độ “chỉ cần vẩy bút là chim, hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công”. Không chỉ vậy, ông còn mang trong mình khát vọng cao cả, lớn lao, đem hết tài năng của mình để xây dựng một công trình tuyệt mĩ, “tranh tinh xảo với hóa công”. Xây dựng Cửu Trùng Đài vừa là cơ hội để ông bộc lộ tài năng, đồng thời cũng giúp ông thực hiện khát vọng cao cả của bản thân, đây chính là tâm huyết cả đời của ông.
Vũ Như Tô còn là người có bản lĩnh vững vàng, không sợ cường quyền. Lê Tương Dực đã yêu cầu ông xây dựng cửu Trùng Đài, nhưng ông không khuất phục, ngay cả khi bị dọa sẽ giết chết, Như Tô vẫn không thuận ý. Chỉ vì nghe lời khuyên giải của Đan Thiềm, Vũ Như Tô mới chấp nhận xây dựng Cửu Trùng Đài để điểm tô cho đất nước.
Nhưng thực tế đời sống lại trái ngược hoàn toàn với lí tưởng cao siêu của ông. Nếu ông xây dựng Cửu Trùng Đài với mong muốn khiến cho đất nước đẹp hơn, thì tên vua vô đạo Lê Tương Dực lại chỉ muốn sử dụng công trình nghệ thuật ấy để ăn chơi, trác táng. Cũng bởi Vũ Như Tô không nhận ra điều ấy nên khi xây dựng Cửu Trùng Đài ông gặp phải mâu thuẫn lớn với nhân dân lao động. Cửu Trùng Đài được xây nên từ mồ hôi, xương máu, từ của cải của nhân dân. Như Tô từ chỗ cùng một chiến tuyến với nhân dân lao động trở thành kẻ đối nghịch, bị người ta căm ghét đến tột cùng. Tình cảnh khốn cùng ấy tất yếu sẽ dẫn đến những cuộc nổi loạn để phá hủy Cửu Trùng Đài và tiêu diệt người đã tạo ra nó.
Trong đoạn trích này, Vũ Như Tô lâm vào bi kịch bị hiểu nhầm và kết tội. Mục đích ban đầu của ông là lợi dụng tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện khát vọng nghệ thuật cao cả, nhưng cuối cùng ông lại bị đánh đồng là kẻ thù ác: “ai ai cũng cho ông là thủ phạm. Vua xa xỉ là vì ông, công khố hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán giận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông”. Như vậy, Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài trở thành mục tiêu tiêu diệt của những kẻ phản loạn. Dù ông vẫn luôn mang trong mình niềm hi vọng, lấy hết lời lẽ để giải thích với viên quan An Hòa Hầu: “Ta tội gì. Không, ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài ra xây dựng cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công”. Nhưng tất cả họ chỉ nhìn thấy ở ông sự ngông cuồng, điên rồ. Chỉ duy nhất có Đan Thiềm là người hiểu được những khát vọng và mục đích cao đẹp của ông, nhưng bà cũng hoàn toàn bất lực. “Lỗi lầm của Vũ Như Tô là lỗi lầm của người nghệ sĩ tưởng rằng có thể thực hiện khát vọng nghệ thuật của minh trong cuồng vọng của bạo chúa […] Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ khát khao sáng tạo trong một xã hội không có chỗ cho sự khát khao đó” (Tất Thắng).
Không chỉ vậy, bi kịch của Vũ Như Tô còn là bi kịch vỡ mộng. Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, trước khi bị dẫn ra pháp trường, tự bản thân Vũ Như Tô vẫn không hiểu vì sao lại phá Cửu Trùng Đài, ông đã làm gì để nhân dân căm hận. Ông chỉ có một mục đích duy nhất đó là xây một “cảnh Bồng Lai” cho đất nước. Vậy việc ông làm có gì là sai? Cái sai của ông chính là chỉ làm nghệ thuật thuần túy mà không hề quan tâm đến đời sống nhân dân. Ông không biết rằng vì xây dựng Cửu Trùng Đài mà biết bao gia đình phải li tán, vợ mất chồng, con mất cha,… cuộc sống người dân điêu linh, cực khổ. Ông trở thành kẻ ác, kẻ cô đơn nhất trong hành trình nghệ thuậ của mình. Cửu Trùng Đài bị tiêu hủy, ông vỡ mộng, đau đớn đến tuyệt vọng: “Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! ÔI Cửu Trùng Đài” “Thôi thế là hết. Dẫn ta đến pháp trường”.
Bi kịch của Vũ Như Tô xuất phát từ việc ông nhận thức sai lầm, không nhận thấy mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Vũ Như Tô luôn chìm đắm trong niềm say mê sáng tạo nghệ thuật, ông chỉ hướng đến khao khát duy nhất của mình, mượn tay kẻ ác để xây dựng Cửu Trùng Đài. Khát vọng của ông là cao đẹp song nó lại không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Chính điều ấy đã khiến ông trở thành phe đối địch với nhân, trở thành kẻ ác và là mục tiêu hướng đến để tiêu diệt. Vũ Như Tô là điển hình của người nghệ sĩ tài hoa nhưng lại đi ngược với lợi ích nhân dân nên lâm vào bi kịch bi thương. Bi kịch của Vũ Như Tô đã góp phần thể hiện những vấn đề sâu sắc của cuộc sống muôn đời: cái đẹp, nghệ thuật bao giờ cũng phải bám rễ và phục vụ đời sống nhân dân. Nó sẽ chết yểu, sẽ bị tiêu diệt khi nó hoàn toàn chỉ là thứ nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật chân chính bao giờ cũng phải là nghệ thuật vị nhân sinh.
Bằng việc xây dựng bi kịch của Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện tài năng nghệ thuật bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ. Lớp ngôn từ cô đọng, mang tính tổng hợp cao. Nhịp điệu linh hoạt, gấp gáp diễn tả được không khí khẩn trương lúc bấy giờ. Đồng thời kịch tính được đẩy lên cao trào giúp thể hiện tính cách nhân vật sinh động, rõ nét.
Qua bi kịch của Vũ Như Tô ta có thể thấy rằng ông là người tiêu biểu cho lớp nghệ sĩ có tài năng, có hoài bão cao cả song xa rời thực tế nên lâm vào bi kịch đau đớn. Cái chết của ông là bài học cho nghệ thuật muôn thế hệ sau, nghệ thuật bao giờ cũng phải gắn bó chặt chẽ với nhân dân, xuất phát và phục vụ lợi ích con người. Chỉ khi dung hòa được hai khía cạnh đó thì nghệ thuật và người nghệ sĩ mới có thể tồn tại, phát triển.
Copyright © 2021 HOCTAP247