Là bài văn nổi bật thể hiện ý chí làm trai của Phan Bội Châu nên nghị luận văn học lưu biệt khi xuất dương giúp bạn hiểu rõ hơn về tác phẩm cũng như chí làm trai này.
Vạn dân nô lệ cương quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung.
(Muôn dân nô lệ một đàn,
Văn chương bát cổ nồng nàn giấc say.)
(Phan Châu Trinh)
Đúng như cụ Phan Châu Trinh nói, đất nước ta lúc bây giờ đang trong một hoàn cảnh chính trị đen tối, các cuộc đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp hầu như tan rã. Đất nước lầm than, nhân dân khổ cực do chế độ thống trị của thực dân Pháp. Lúc này, Phan Bội Châu đã quyết định lên đường sang Nhật Bản để tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Ông được nhắc đến là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý thức dùng văn chương để tuyên truyền cách mạng. Ông cũng chính là người khơi dòng cho văn chương trữ tình chính trị. "Lưu biệt khi xuất dương" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Cùng nghị luận lưu biệt khi xuất dương để hiểu rõ hơn về tác phẩm.
Nghị luận về tác phẩm văn học Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
Chúng ta cùng tìm hiểu nghị luận văn học bài lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu để hiểu rõ hơn về tac phẩm, về chí làm trai, về trách nhiệm và cống hiến của ông.
Trong một bộ phận những trí thức dân tộc, ý chí cứu nước không bị mất đi, tuy nhiên vấn đề cấp thiết nhất lúc bấy giờ là cứu nước bằng con đường nào? Và chân lý mặt trời đã le lói khi mà người ta đón nhận các tư tưởng mới tiến bộ từ các nước Âu truyền sang, người ta đồng tình với sự cất tân của nước Nhật Bản, Trung Hoa. Đặng Thai Mai từng nói: “Kì diệu thay là sức quyến rũ của lí tưởng… thực tế càng ủ dột bao nhiêu thì cái viễn cảnh của tưởng tượng lại càng đẹp đẽ, thấm thía bấy nhiêu. Luồng máu nóng trong quả tim trai trẻ bị kích thích đã bùng lên đến tột độ”. Phan Bội Châu vì niềm say mê lí tưởng đó với một sứ mệnh lịch sử đè nặng vai là khôi phục giang sơn, xây dựng đất nước đã lên đường ra đi, di chuyển đến nước Nhật Bản.
Lưu biệt khi xuất dương được viết vào năm 1905, trước khi Phan Bội Châu cùng một số thanh niên ưu tú khác lên tàu vượt biển sang Nhật Bản học tập. Bài thơ có ý nghĩa như là một lời động viên, cổ vũ tinh thần cho người ra đi, đồng thời cũng có tác dụng củng cố tinh thần, niềm tin, hướng người ở lại về một tương lai tốt đẹp hơn của đất nước. Thể hiện được rõ chí khí làm trai của một nhà nho, với tinh thần yêu nước sâu sắc, quyết tâm trả món nợ công danh cho đời khi Tổ quốc lâm nguy, lịch sử có nhiều biến động.
Phân tích về ý chí làm trai trong tác phẩm của Phan Bội Châu
Chí làm trai trong thời kỳ thời kì đạo Nho được phát triển mạnh mẽ. Nam nhi đáng làm trai là một đấng mày râu có công danh, sự nghiệp. Phạm Ngũ Lão đã từng viết:
"Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu"
Hay Nguyễn Công Trứ cũng từng viết:
"Chí làm trai nam, bắc, tây, đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể".
Muốn trở thành bậc nam nhi được mọi người công nhận thì phải biết phấn đấu, lập được công trạng, có được danh vọng, có sức vóc "vẫy vùng" khắp bốn bể để chứng minh tài năng, bản lĩnh của bản thân. Kế thừa tư tưởng chí làm trai của Nho giáo, Phan Bội Châu đã đưa ra một quan điểm như một tuyên ngôn đầy khí thế:
"Sinh vi nam tử yếu hi kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di".
(Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời)
Phan Bội Châu quan niệm rằng thân nam nhi “vai năm tấc rộng, thân mười tấc cao” sống ở trên đời phải tạo ra được chữ “lạ” cho riêng mình, tức là không cam chịu cuộc sống bình thường mờ nhạt, mà phải tự làm cho mình có điểm nhấn, nổi bật thông qua những lý tưởng cao đẹp, những kỳ vọng tráng chí ở khắp bốn phương. Đã là nam nhi thì phải dám tự thách thức chính mình vượt ra khỏi vòng an toàn, ra khỏi những chướng ngại chi li, được mất, ra khỏi mọi giới hạn một cách mạnh mẽ và dũng cảm. Vượt ra những điều khác lạ đó để làm nên sự nghiệp hiển hách, phi thường khác người. Sống là có cống hiến cho cuộc đời, phải trả nợ công danh mới xứng đáng là đấng nam nhi. Hãy sống sao cho cuộc sống mình trở nên có giá trị như câu nói của Xukhôm Linxki: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”.
Xem thêm:
Dàn ý phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương Phan Bội Châu
Tìm hiểu bài thơ Lưu biệt khi xuất dương
Hai câu thơ trên thể hiện thái độ hiên ngang, ý chí mạnh mẽ, muốn thách thức, ngang tầm với vũ trụ. Nó nói lên rằng thân trai tráng cần phải tự quyết định lấy vận mệnh một cách quyết liệt và mạnh mẽ nhất. Ý thơ của thi nhân không chỉ nằm ở việc thể hiện tráng chí của bản thân mà còn mang ý nghĩa khích lệ các thanh niên trong thời đại mới, biết đứng lên, tự sức mình theo đuổi lý tưởng cao đẹp, phụng sự Tổ quốc, nâng tầm bản thân lên tầm vũ trụ, rũ bỏ những thứ tầm thường, hư danh.
Con người mang tầm vóc lớn lao, tầm vóc vũ trụ ấy luôn mang trong mình ý thức, trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc:
"Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy?"
(Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở, há không ai?)
Câu thơ khẳng định, biểu lộ niềm tự hào lớn lao của kẻ sĩ trong cảnh nước mất nhà tan. Hai câu đối nhau, lấy cái phủ định (“há không ai?” để làm nổi bật điều khẳng định (“cần có tớ”). Đây là một ý thơ sâu sắc thể hiện vai trò cá nhân trong lịch sử đó là sẵn sàng gánh vác mọi trách nhiệm mà lịch sử giao phó. Bỗng đến đây ta lại nhớ đến lời của Hưng Đạo Vương: “… Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng”. (Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn).
Nghị luận văn học lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
Cống hiến cho đời, phụng sự Tổ quốc vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm của đấng trượng phu. Trong một trăm năm hữu hạn ấy, người nam nhi phải thực hiện được chí làm trai và cũng trong ngàn năm sau đó phải để lại được tiếng thơm cho đời. Hai câu thơ như lời thúc giục khơi dậy tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của con người, đặc biệt là những thanh niên trai tráng phải góp hết sức mình vào công cuộc cứu nước, tìm ra hướng đi mới cho dân tộc. Gắn với hoàn cảnh thực tại của đất nước, Phan Bội Châu đã nêu lên trách nhiệm mà người nam nhi cần có đối với vận mệnh dân tộc:
"Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!”
(Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!)
Câu trên như một lời khẳng định khi chủ quyền rơi vào tay người khác thì non sông coi như đã mất. Sống trong cuộc đời nô lệ, không có tự do thì khác gì làm nhục chính mình. Bốn chữ “Giang sơn tử hĩ” chất đầy đau đớn và phẫn uất. Câu dưới ý nói là Hiền thánh đã mất bóng thì cho dù có đọc sách vẫn cứ ngu thôi! Tất cả chỉ là những lời phủ định dứt khoát, quyết liệt cho việc còn theo đòi sách vở trong thời buổi này là điều nhục nhã đối với một trang nam nhi trong cảnh nước mất nhà tan. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc lúc này ngay lập tức được đặt lên hàng đầu. Phải chăng Phân Bội Châu làm được như vậy vì ông ý thức được tính cấp bách của đất nước lúc bấy giờ?
Xem thêm:
Cảm nhận về bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
Bình giảng bài thơ Lưu biệt khi xuất dương
Phan Bội Châu là một người yêu nước và luôn mong rằng phong trào Đông du do mình lãnh đạo sẽ thành công để giúp nước, cứu dân. Hơn thế nữa, hai câu luận đó là ý nghĩa cho sự thức tỉnh những người con yêu nước. Chính thời điểm này là lúc để họ xoay chuyển càn khôn, xoay chuyển cục diện chính trị của dân tộc.
Tiếp nối là hai câu kết của bài thơ cũng đã thể hiện được khí thế, sự quyết tâm cao độ trên con đường cứu nước, sự nghiệp giải phóng dân tộc mà mình đã chọn của người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu:
"Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi".
(Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.)
Ông có khát vọng lớn lao cùng với không gian mênh mông đó là muốn vượt bể theo ngọn gió băng qua biển Đông. Khát khao đó thể hiện được ý chí, khát vọng hành động và tâm thế của nhân vật trữ tình. Tác giả muốn bay lên cùng cơn gió là để thoát khỏi những cái lạc hậu, là để bắt kịp thời đại. Những hình ảnh thơ kì vĩ với những cụm danh từ "bể đông", "cánh gió", "sóng bạc" chính là những hình ảnh ẩn dụ cho khát vọng vượt lên hiện thực tăm tối để tìm đường cứu nước. Phan Bội Châu "nguyện" vì lí tưởng cao đẹp, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân mà vượt qua tất cả những gian khó, thử thách để đạt được mục tiêu, hoàn thành chí làm trai của đấng nam nhi ở đời.
Thời thế thay đổi, con người cũng cần phải đổi thay. Cần phải có những tư tưởng hành động bắt kịp thời đại mới có thể tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, mang lại sự tự do cho dân tộc, cho nhân dân. Với Phan Bội Châu, con đường mới chính là con đường sang Nhật Bản để học tập, chuẩn bị cả kiến thức lẫn lực lượng hùng mạnh để nắm bắt thời cơ giành lại nền độc lập cho nước nhà.
“Lưu biệt khi xuất dương” được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật viết bằng chữ Hán cùng với giọng điệu hào hùng, trang nghiêm, đĩnh đạc hào hùng, mạnh mẽ, lôi cuốn. Bài thơ mang âm điệu anh hùng ca, chứa chan tình yêu và giàu tâm huyết lên đường cứu nước nên có sức mạnh tác động mạnh mẽ đến các thanh niên yêu nước. Bài thơ là tiếng nói tự hào của một nhà yêu nước, thương dân, của đấng nam nhi thực thụ, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bài thơ đã khắc họa tâm thế, khát khao ra đi tìm đường cứu nước của một nhà cách mạng đầu thế kỉ XX và một hình ảnh Phan Bội Châu mang vẻ đẹp tràn đầy khí thế của thời đại. Đồng thời cũng truyền cảm hứng yêu nước và lí tưởng anh hùng của cụ Phan Bội Châu đến các thế hệ con cháu mai này.
Có thể bạn quan tâm:
Phân tích bài chơi xuân của Phân Bội Châu
Bài ca chúc tết thanh niên của Phan Bội Châu
Trên đây là bài nghị luận văn học lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu. Đừng quên tham khảo các bài soạn văn 11 tại CungHocVui để đạt kết quả học tập tốt hơn.
Copyright © 2021 HOCTAP247