Trang chủ Lớp 12 Soạn văn Lớp 12 SGK Cũ Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên Soạn bài Tiếng hát con tàu Chế Lan Viên - Ngữ văn 12

Soạn bài Tiếng hát con tàu Chế Lan Viên - Ngữ văn 12

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, các bạn học sinh sẽ được học và tìm hiểu tác phẩm Tiếng hát con tàu của nhà thơ Chế Lan Viên. Để giúp các bạn có thể phân tích được tác phẩm này, .com xin gửi đến các bạn bài soạn Tiếng hát con tàu đầy đủ và ngắn gọn nhất. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!

Câu 1 (Trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

   Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con tàu, địa danh Tây Bắc

- Ý nghĩa thông qua nhan đề: bài thơ ra đời khi thực tế chưa có đường tàu lên Tây Bắc. Hình ảnh “con tàu” thực chất là hình ảnh biểu tượng thể hiện khát vọng lên đường và niềm mong ước của nhà thơ được đến với mọi miền đất nước. Đó là con tàu của tâm hồn nhà thơ khao khát về với ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật. "Tây Bắc" ngoài ý nghĩa cụ thể chỉ miền đất vùng cao phía Tây Bắc của tổ quốc, nó còn biểu tượng cho mọi miền xa xôi của đất nước, nơi có cuộc sống gian lao mà sâu nặng tình nghĩa, khắc ghi kỉ niệm một thời kháng chiến. Tây Bắc chính là Tổ quốc.

- Ý nghĩa xuyên suốt bài thơ:

+  Biểu tượng cho những miền đất xa xôi của đất nước, nơi có cuộc sống gian lao nhưng nặng nghĩa tình

+ Tây Bắc là Tổ Quốc, ghi dấu kỉ niệm thời kháng chiến

+ Tiếng hát con tàu là tiếng hát của tâm hồn nhà thơ, hăm hở, sôi nổi của tuổi trẻ trong hành trình đến Tây Bắc

tiếng hát con tàu

Xem thêm các bài viết tìm hiểu về tác giả, tác phẩm Soạn bài Tiếng hát con tàu

Bài Bình giảng đoạn thơ Tiếng hát con tàu hay nhất

Câu 2 (Trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

   Bố cục của bài thơ: Bài thơ được chia làm 3 phần

Phần 1: 2 khổ đầu

Nội dung: Sự trăn trở của nhà thơ và lời vẫy gọi lên đường từ con tàu Tây Bắc

Phần 2: 9 khổ tiếp theo

Nội dung: Khát vọng được về với nhân dân và những kỉ niệm nghĩa tình trong kháng chiến

Phần 3: Còn lại

Nội dung: Khúc hát lên đường đầy niềm tin và hy vọng của tác giả.

Câu 3 (Trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

   Sự trăn trở lên đường của nhà thơ trong khổ thơ 1+2:

- Đoạn thơ mang giọng điệu đối thoại như mời gọi, như sự hối thúc.

- Dường như hình ảnh con tàu là một hình ảnh ẩn dụ nghệ thuật có ý nghĩa tượng trưng cho ước mơ, khát vọng vượt ra khỏi cuộc sống chật hẹp, quẩn quanh để đến với cuộc sống rộng lớn của nhân vật trữ tình.

- Tây Bắc – tên gọi cụ thể, chỉ địa danh một vùng đất xa xôi của Tổ quốc.

- Tây Bắc chính là cội nguồn cảm hứng của hồn thơ, của sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, lời giục giã lên Tây Bắc cũng là về với chính lòng mình, với những tình cảm trong sáng, nghĩa tình gắn bó sâu nặng với nhân dân và đất nước.

=> Hai khổ thơ đầu cho thấy đặc điểm nghệ thuật thơ của Chế Lan Viên với chất suy tưởng triết lí, do gắn bó với thực tế cuộc sống nên nó rất thực.

Câu 4 (Trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

   Những kỉ niệm với nhân dân qua những hình ảnh trong 9 khổ giữa của bài thơ:

a) Hình ảnh con người cụ thể đại diện cho nhân dân Tây Bắc trong nỗi nhớ của nhà thơ:

+ Người anh du kích

+ Thằng em liên lạc

+ Người "mế" với hình ảnh "lửa hồng soi tóc bạc".

Đây là những hình ảnh khái quát, tượng trưng cho con người Tây Bắc trong kháng chiến, tuy nhiên đã được tác giả thể hiện bằng những con người, những câu chuyện cụ thể rất sinh động.

b)  Tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn của nhà thơ đối với nhân dân được thể hiện qua những câu chuyện, những kỉ niệm cụ thể, sâu sắc:

- Người anh du kích trước đêm tấn công đồn địch còn để lại chiếc áo nâu cho nhân vật trữ tình.

- Thằng em liên lạc (cách gọi thân mật): "Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư!"

- Người "mế" lửa hồng soi tóc bạc, "năm con đau" (Tức "hồi con ốm") mẹ thức một mùa dài, khiến cho “trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”.

- Cách xưng hô trong đoạn thơ thể hiện tình cảm rất thân thiết, sự gắn bó sâu nặng giữa nhân vật trữ tình với nhân dân Tây Bắc: đó là lời tâm tình trực tiếp giữa "hai mẹ con", giữa nhân vật trữ tình với một người "mế" tưởng tượng.

Câu 5 (Trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

   Những câu thơ mang sự suy tưởng, triết lí của nhà thơ Chế Lan Viên:

"Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương"

Đoạn thơ thể hiện chất triết lí, suy tưởng của nhà thơ: các sự vật, hiện tượng có mối quan hệ khăng khít với nhau, như người nghệ sĩ gắn bó với nhân dân. Tình yêu ở đây là tình cảm lớn, giữa anh - em, và tình yêu quê hương, đất nước.

Câu 6 (Trang 146 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

   Nhận xét về phong cách thơ Chế Lan Viên:

   Tiếng hát con tàu là bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, thơ ông giàu tính triết luận, cảm xúc thơ luôn được nung nóng trong lí trí, vì thế ý thơ đậm đặc những suy tưởng và mang tính khái quát cao.
 
   Hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên luôn được đi ra từ những sáng tạo độc đáo, bất ngờ. Những hình ảnh đó lại được kết hợp với cách sử dụng những biện pháp tu từ linh hoạt đã tạo cho hình thức thơ ông luôn mới mẻ, cuốn hút người đọc. Chế Lan Viên là người luôn ý thức tìm tòi đổi mới hình thức thơ.

Thông qua bài soạn Tiếng hát con tàu của nhà thơ Chế Lan Viên, hy vọng các bạn học sinh sẽ hiểu hơn về tác phẩm này và đạt được kết quả học tập thật tốt!

Copyright © 2021 HOCTAP247