Sông Thái Bình chở phù sa về xuôi, hằng năm cứ lấn dần ra biển. Con đường ngăn nước mặn ngày một thêm dài, thêm cao. Cùng với những bãi sú, bãi vẹt cửa rừng ngăn mặn là những đồng cói bát ngát bao la.
Màu xanh của cói đang lấn dần ra biển. Những làng mới Nam Cường, Thụy Tân, Hồng Quỳnh.. là những làng cói. Quê em có nghề trồng cói và dệt chiếu lâu đời.
Chiếu làng Hới ở Thái Bình nổi tiếng xưa nay. Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ thời Hồng Đức đã dạy dân trồng cói và dệt chiếu, được nhân dân làng Hới tôn làm Thành hoàng, đúc tượng đồng để thờ. Thi dệt chiếu là một trong những hội thi lớn vào đầu xuân ở làng Hới hằng năm. Có hàng chục loại chiếu: chiếu gon, chiếu đậu, chiếu hoa, chiếu cặp điêu.... Nhiều nơi có nghề dệt chiếu. Nhưng chiếu Hới quê em đẹp nổi tiếng xưa nay, đã trở thành câu ca truyền tụng: "Ăn cơm Hom, nằm giường Hòm, đắp chiếu Hới .
Chiếu cói được đóng thành kiện xuất khẩu sang Tây Âu. Nhiều mặt hàng mĩ nghệ xuất khẩu nức tiếng gần xa như làn cói, thảm cói, mũ cói, dép cói, quạt cói, v.v..
Mùa hè là mùa thu hoạch cói. Trên những dòng sông nhỏ, những cô gái đồng biển mắt sắc như dao cau chở những thuyền cói đầy ắp mới cắt. Trên bờ mương, trên sân phơi, chỗ nào cũng thấy những cói là cói. Cói tốt cao ngập đầu người, cắt về buộc thành từng bó, rải ra phơi la liệt. Trong nắng, hương thơm của cói gợi hương thơm mùa gặt.
Cói có nhiều loại, nhiều giống. Loại búp đòng khoang cổ, cói ngô là hai loại cói tốt nhất, được ưa chuộng nhất. Loại cói này mới có thể dột nên những lá chiếu óng nuột, mượt mà.
Cuối năm, mùa cưới xôn xao xóm trên làng dưới. Chiếu Hới dệt không kịp để bán ra. Các cô gái làng Hới vừa dệt chiếu vừa hát giao duyên:
"Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau".
(Ca dao)
Copyright © 2021 HOCTAP247