** Bạn tham khảo dàn ý và bài viết dưới đây nhé
* Dàn ý
A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Dẫn dắt vấn đề
B. Thân bài
1. Khái quát nội dung tác phẩm
2. Phân tích
- Mở đầu là tiếng chửi, Chí Phèo vừa đi vừa chửi
- Chí Phèo tồn tại như một con vật. Ấy là một kẻ lưu manh, liều lĩnh trong tình cảnh cô độc tuyệt đối.
- Tính cách điên khùng, số phận bi thảm của Chí Phèo, tác phẩm đã khái quát lên quy luật tha hóa con người nghiệt ngã của xã hội thực dân nửa phong kiến.
- Chí Phèo luôn luôn say, say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm.
- Phần sau tác phẩm, nhân vật này được thể hiện như một tính cách người đang hồi sinh.
- Sự chăm sóc ân cần và bát cháo hành nóng hổi của Thị Nở thật sự đã mang hương vị ngọt ngào của tình yêu khiến cho Chí Phèo lại biết khóc, biết cười như một con người.
- Bị cự tuyệt quyền làm người để đi đến hành động trả thù, tự sát quyết liệt ở nhân vật Chí Phèo.
C. Kết bài
- Đánh giá chung
- Liên hệ mở rộng
Cùng viết về đề tài người nông dân nhưng Nam Cao lại đi sâu vào khai thác bi kịch con người bị lưu manh, tha hóa. Tác phẩm tiêu biểu nhất cho mảng đề tài này của ông là truyện ngắn "Chí Phèo". Đây là tác phẩm được đánh giá như một kiệt tác của nền văn học Việt Nam hiện đại với nhân vật điển hình là Chí Phèo.
"Chí Phèo" được sáng tác năm 1941 với nhan đề đầu tiên là "Cài lò gạch cũ". Sau đó, nhà xuất bản Đời mới đã đổi tên thành "Đôi lứa xứng đôi" và khi in lại trong tập "Luống cày" Nam Cao đã đặt lại tên tác phẩm là "Chí Phèo". Truyện ngắn này đã khắc họa số phận của một con người từ anh canh điền hiền lành, lương thiện trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Không ai khác, đó là Chí Phèo.
Chí Phèo là nhân vật chính, nhân vật trung tâm của tác phẩm. Chí có hoàn cảnh xuất thân thật đáng thương, tội nghiệp. Hắn bị bỏ rơi bên cái lò gạch cũ ở trạng thái "trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp". Một người đi thả ống lươn nhặt được Chí rồi "đem cho một người đàn bà góa mù". Người đàn bà này "bán hắn cho một bác phó cối không con và khi bác phó cối này chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ". Chí bị chính bố mẹ của mình bỏ rơi và trở thành một món hàng mang ra trao đổi, mua bán. Đến năm hai mươi tuổi, hắn đi ở cho nhà bá Kiến, một người có nguồn gốc gia đình thuộc tầng lớp thống trị. Chí Phèo mang bản chất của con người hiền lành, lương thiện. Thuở bé, Chí được nuôi nấng bởi những người nông dân chất phác. Lớn lên, Chí biết lao động để tự nuôi sống bản thân. Khi bà ba bá Kiến bắt hắn "bóp chân mà lại bóp lên trên nữa" khiến chí "thấy nhục hơn là thấy thích", thấy nhục chứ không thấy yêu đương gì. "Hai mươi tuổi, người ta không hoàn toàn là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt" và "người ta không thích những gì người ta khinh". Trước khi đi ở tù, Chí Phèo là một người lương thiện, có nhân cách và lòng tự trọng.
Vậy mà, sau quãng thời gian ở tù, hắn thành một người khác, một kẻ lưu manh, côn đồ. Cơn ghen vô cớ của bá Kiến là nguyên nhân đẩy Chí vào tù và trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại. Nam Cao đã miêu tả Chí: "Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà lại rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét trạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế". Ngoại hình ấy đã khiến mọi người thấy hắn "trông khác hẳn" và "trông gớm chết". Chí không mang bộ mặt của con người mà hắn mang bộ mặt của "một con vật lạ". Không chỉ biến dạng về nhân hình, Chí Phèo còn tha hóa cả về nhân tính. Hắn triền miên trong những cơn say, "cứ rượu xong là hắn chửi". Hắn chửi trời, chửi đời, chửi tất cả làng Vũ Đại, "chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn" và chửi cả "đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nổi này". Hắn cất tiếng chửi vì hắn say rượu, vì hắn cô đơn lạc loài giữa xã hội. Tiếng chửi của Chí tuy vô thức nhưng lại hoàn toàn có ý thức. Hắn chửi vì sự bất lực, bế tắc, chửi vì không ai thèm giao tiếp với hắn. Hắn đã bị tước đoạt quyền làm người khi sự tồn tại của hắn không được ai công nhận. Chí sống bằng nghề rạch mặt ăn vạ và trở thành tay sai đắc lực cho bá Kiến. Lần thứ nhất Chí đến nhà cụ bá để đòi món nợ máu vì hắn đã xác định được kẻ thù. Hắn hung hăng, gọi cả tên tục nhà bá Kiến ra mà chửi nhưng bằng những lời dụ dỗ ranh mãnh, bá Kiến đã mua chuộc được Chí làm tay sai cho mình. Khi bá Kiến nói Chí Phèo với lí Cường có họ hàng với nhau hắn đã tự đắc, thấy lòng cũng "nguôi nguôi". Hắn đã "phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện". Hắn làm tất cả những việc ấy trong khi say, "hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm".
Tưởng chừng con quỷ dữ ấy đã mất hết đi nhân tính nhưng bản chất lương thiện chỉ bị khuất lấp đi và nó chưa hoàn toàn lụi tắt. Sự xuất hiện của thị Nở trong cuộc đời Chí như làn gió thổi vào đống tro tàn đã tắt từ lâu, thị đã khơi dậy bản chất vốn có của hắn. Cuộc gặp gỡ ấy tuy tình cờ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Chí Phèo. Đây là cuộc gặp gỡ kì lạ và có lẽ sẽ không xuất hiện lần thứ hai trong văn học hiện đại. Trong một đêm uống rượu say, hắn gặp thị ngủ quên khi ra sông kín nước rồi họ "ăn nằm" với nhau. Năm ngày sống với thị Nở là năm ngày Chí trở về làm một người lương thiện đúng nghĩa.Thị Nở đã làm hồi sinh, thức tỉnh Chí Phèo, tình yêu và sự quan tâm của thị khiến Chí cảm động. Chí Phèo đã thức tỉnh lương tâm, muốn làm hòa với tất cả mọi người và muốn làm một người hiền lành, lương thiện. Bát cháo hành thị Nở nấu cho Chí ăn giải cảm khiến Chí "thấy mắt mình hình như ươn ướt" bởi đây là lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho, là lần đầu tiên hắn "được săn sóc bởi một bàn tay đàn bà". Sau khi gặp thị Nở, Chí Phèo rất tỉnh táo và sợ rượu. Trong trạng thái ấy, Chí nghe thấy những thanh âm của cuộc sống thường ngày như tiếng chim hót, tiếng cười nói của những người đi chợ, anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Rồi hắn "nao nao buồn". Hắn nhớ đến ước mơ "có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải", "nuôi một con lợn làm vốn liếng", "khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Chí thấy mình già, cô độc, thấy mình đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời. Lần đầu tiên sau bảy, tám năm ở tù về, Chí được sống với cảm giác của con người. Hắn đã ý thức được thực tại của mình: tuổi già, đói rét, ốm đau và hắn sợ sự cô đơn. Trước lòng tốt và tình thương yêu của thị Nở, Chí tỉnh táo để nhận ra thị có duyên và khi yêu thị cũng biết lườm. Lúc tỉnh táo, trông Chí rất hiền, những tính cách của một con vật đã nhường chỗ cho sự lương thiện lên ngôi. Chí khao khát có một mái ấm với thị Nở. Chí đã bộc lộ niềm ước mong ấy qua câu nói: "Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ"? và câu nói được coi như một lời cầu hôn, tỏ tình: "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui". Trong văn chương hiện đại có câu tỏ tình nào chân thật và hay đến thế? Chí Phèo đã thực sự sám hối. Nam Cao đã khơi dậy lòng đồng cảm nơi bạn đọc, nhà văn khiến chúng ta nhận ra một con quỷ dữ như Chí Phèo cũng có ước mơ về hạnh phúc gia đình. Nhưng ước mơ ấy không thể thực hiện bởi định kiến xã hội đã không chấp nhận và ủng hộ đôi lứa xứng đôi này. Lời nói của bà cô thị Nở đã thể hiện rất rõ ràng điều ấy: "Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ra ăn vạ". Vì những lẽ trên mà thị Nở cự tuyệt tình yêu của Chí Phèo. Đây cũng là lúc Chí không còn nơi bám víu bởi thị đã từ chối hắn, chiếc phao cứu sinh duy nhất của cuộc đời Chí đã không còn nữa. Chí rơi vào bi kịch bị cự tuyệt tình yêu, cự tuyệt quyền làm người. Còn gì đau đớn hơn khi bị chặn đứng con đường hoàn lương? Định kiến xã hội đã đè bẹp, bóp nát khát vọng chân chính của Chí.
Hắn đến nhà bá Kiến để đòi lương thiện vì hắn biết không ai khác ngoài bá Kiến đã đẩy mình rơi vào bi kịch này. Tiếng nói đòi lương thiện của Chí đã để lại bao day dứt: "Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa". Hắn rút dao, xông vào và giết bá Kiến rồi tự sát. Cái chết của Chí là cái chết đầy tức tưởi: hắn "giãy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi", mắt trợn ngược, mồm "ngáp ngáp", "ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra", hắn muốn nói nhưng không ra tiếng. Con đường trở về làm người lương thiện phải trả giá bằng cái chết đau đớn. Chí Phèo chết để giải thoát cho sự bế tắc của chính mình, Chí chết để đòi quyền được sống. Cái chết ấy đã lấy đi bao nước mắt, sự xót xa của bạn đọc. Chi tiết kết thúc tác phẩm là chi tiết thị Nở "nhìn nhanh xuống bụng" và "thoáng thấy hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua". Nam Cao thật tài tình khi xây dựng chi tiết này. Phải chăng, ông muốn khái quát rằng nếu xã hội vẫn còn những kẻ thống trị lừa lọc, xảo trá như bá Kiến thì cũng sẽ còn những số phận bi kịch như Chí Phèo. Và biết đâu bên cái lò gạch bỏ hoang ấy lại xuất hiện một Chí Phèo con ra đời. Chí Phèo là nhân vật điển hình cho những người nông dân bị tha hóa, biến dạng cả về nhân hình và nhân tính ở làng quê Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Nhà văn đã xây dựng nhân vật Chí Phèo bằng nghệ thuật trần thuật tự nhiên, linh hoạt và hệ thống ngôn từ đặc sắc, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả đã đạt đến đỉnh cao. Giọng điệu Nam Cao lạnh lùng nhưng luôn chan chứa tinh thần nhân đạo.
Chí Phèo là một sáng tạo độc đáo của Nam Cao, được ông xây dựng là nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Ngoài ra, thông qua nhân vật này, nhà văn còn lên tiếng tố cáo hiện thực xã hội vô nhân đạo, cướp đi sự lương thiện của con người và chặn hết mọi con đường hoàn lương của họ. Đồng thời, ông cũng thể hiện tiếng nói nhân đạo sâu sắc khi lên tiếng đòi quyền sống, quyền lương thiện cho con người.
Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 11 - Năm thứ hai ở cấp trung học phổ thông, gần đến năm cuối cấp nên học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nghe nhiều đến định hướng sau này rồi học đại học. Ôi nhiều lúc thật là sợ, hoang mang nhưng các em hãy tự tin và tìm dần điều mà mình muốn là trong tương lai nhé!
Nguồn : ADMIN :))Copyright © 2021 HOCTAP247