Từ văn bản Mẹ hiền dạy con nghĩ về những bài học em đã được cha mẹ, thầy cô, chú bác, dạy dỗ trong cuộc sống
A. Hướng dẫn làm bài
- Từ văn bản “Mẹ hiền dạy con”, đề bài yêu cầu bày tỏ suy nghĩ về những bài học đã được cha mẹ hoặc thầy cô dạy dỗ trong cuộc sống
- Lấy dẫn chứng từ thực tế đời sống, có thể hư cấu, tưởng tượng để bài viết thêm phần sâu sắc.
- Bài viết chú ý sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả và biểu cảm.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
- Giới thiệu và nêu cảm nghĩ về truyện Mẹ hiền dạy con.
- Từ câu chuyện trên, nghĩ về những bài học đã được cha mẹ hoặc thầy cô dạy dỗ.
Thân bài:
- Kể về những bài học của mình:
• Hoàn cảnh, điều kiện khi đó.
• Em đã mắc lỗi gì hoặc xảy ra một biến cố nào đó.
• Cha mẹ hoặc thầy cô đã làm gì để giúp em có được bài học quý.
(Có thể kể một vài câu chuyện nhỏ, mỗi câu chuyện là một bài học về lòng trung thực, sự cố gắng nổ lực, sự tiết kiệm,... Chú ý tham khảo cách dựng truyện của truyện Mẹ hiền dạy con).
+ Bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của em về mỗi bài học (hổ thẹn, xúc động, cảm động, ghi ơn, thấm thía,...).
Kết bài:
- Tác dụng của những bài học trên đối với cuộc sống của em.
- Bày tỏ lòng biết ơn và quyết tâm đền đáp tấm lòng của cha mẹ hoặc thầy cô.
B. Bài văn mẫu
Những bậc đại hiền từ xưa đến nay thành tài đâu phải dễ dàng mà có được. Đó là nhờ có công lao giáo dục và tình yêu của cha mẹ dành cho con từ khi còn nhỏ. Truyện “Mẹ hiền dạy con” đã cho ta một suy ngẫm rất sâu sắc về những bài học mà cha mẹ dạy dỗ trong cuộc sống.
Mạnh Tử từ nhỏ vốn chưa phải là người tài giỏi, hiểu biết rộng. Nhờ có mẹ, thầy Mạnh Tử mới có được môi trường sống tốt đẹp. Ba chỗ ở của mẹ con Mạnh Tử là ba môi trường khác nhau, mỗi môi trường là sự tác động khác nhau đến sự phát triển nhân cách của con nên cuối cùng mẹ đã chọn cho thầy chỗ ở gần trường học. Từ môi trường ấy thầy Mạnh Tử học được bao điều hay lẽ phải, biết được bao điều bổ ích.
Có lần thầy Mạnh Tử hỏi mẹ nhà hàng xóm thịt lợn làm gì. Bà chỉ lỡ miệng một câu mà sau đó đã ân hận. Nhưng sau đó bà đã ra chợ mua thịt lợn về cho con ăn thật chỉ vì bà không muốn sau này con bà sẽ thành người không trung thực hay mất lòng tin ở người khác và với cuộc đời. Bài học giữ chữ tín ấy luôn được cha mẹ, thầy cô dạy bảo chúng ta. Ở nhà, không bao giờ cha mẹ cho phép con nói dối. Một lần nói dối sẽ là tiền đề cho những lần nói dối về sau và không thể trở thành người trung thực. Một lần làm vỡ bình hoa mà mẹ rất thích, tôi đã sợ hãi mà đổ lỗi cho con mèo. Cha mẹ rất buồn và đợi ở tôi một lời thành thực. Khi dũng cảm nhận lỗi, bố mẹ sẵn sàng tha thứ và mong tôi đừng bao giờ nói dối vì nói dối sẽ làm người khác mất lòng tin ở mình, bản thân cũng luôn nghi ngờ mọi thứ và bởi vì chữ “tín” rất quan trọng. Bài học giản dị, nhẹ nhàng ấy đã theo tôi suốt những năm qua. Không chỉ ở nhà mà ở trường, tôi cũng được thầy cô chỉ bảo điều đó. Thầy cô cũng như cha mẹ, luôn mong những điều tốt đẹp nhất cho học trò thân yêu. Sự trung thực được thầy cô dạy dỗ từ những điều nhỏ nhất: không nói dối, không quay bài trong giờ kiểm tra, trung thực với chính mình trước và với mọi người xung quanh....bởi biết tôn trọng bản thân mới biết tôn trọng người khác. Những điều tưởng khô khan, giáo lí ấy được thầy cô đưa vào các bài học, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa thật tự nhiên, lí thú. Từng lời thầy cô tựa như những lời tâm sự khiến học trò chúng tôi nhận thức được bao điều. Có cậu học sinh hối hận, dũng cảm nhận lỗi với cô. Nhìn giọt nước mắt lăn trên má học trò, cô giáo hạnh phúc vô cùng. Nhưng có lẽ điều thuyết phục nhất là chính thầy cô, cha mẹ là tấm gương về giữ chữ tín cho chúng tôi. Đó là cách giáo dục hiệu quả và chân thực nhất.
Cha mẹ, thầy cô luôn dành cho chúng ta tình yêu thương lớn lao nhất. Dân gian ta có câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Yêu thương luôn đồng hành với sự quan tâm, nghiêm khắc. Có đôi lúc bị bố mẹ mắng tôi đã thầm oán trách và nghĩ bố mẹ chẳng yêu tôi. Nếu yêu sao lại trách phạt, sao không làm theo những điều tôi mong muốn...Nhưng khi đọc câu chuyện mẹ dạy Mạnh Tử, tôi mới ngộ ra điều mà từ lâu tôi chưa hiểu. Mạnh Tử hồi nhỏ cũng rất hiếu động, thích nghỉ học đi chơi như bao đứa trẻ khác. Nhưng mẹ không đánh mắng mà bất ngờ cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung cửi. Đây mới là cách dạy hiệu quả. Bà dù rất yêu con nhưng không nuông chiều hay nương nhẹ. Hành động ấy của bà nhẹ nhàng nhưng kiên quyết khiến người con nhận ra lỗi lầm. Đôi khi roi vọt không có sức nặng bằng hành động im lặng của cha mẹ tôi. Sự im lặng ấy khiến tôi dường như nghẹt thở. Vì quá yêu và lo lắng cho tôi mà cha mẹ rất đau lòng mỗi khi tôi mắc lỗi. Nếu không có bài học từ câu chuyện “Mẹ hiền dạy con” thì tôi đã không hiểu được điều này.
Vốn là đứa trẻ hiếu động, thông minh, tôi cũng chểnh mảng việc học hành. Bố mẹ đã bao lần nhắc nhở nhưng ngựa quen đường cũ, chỉ mấy hôm nghiêm túc tôi lại lơ là. Bỗng một hôm, mẹ dắt tôi qua nhà dì chơi. Em bé nhà dì vừa được một tuổi nên đang tập đi. Em bé thích tập đi lắm, hôm nào cũng bám xe đẩy lò dò khắp nhà. Mấy tuần sau, tôi đã thấy em không cần bám xe nữa mà đã tự đi được mấy bước. Có lúc ngã oạch nhưng bé lại nhanh nhẹn đứng lên ngay, cười rất ngộ để lộ chiếc răng sữa xinh xinh. Cứ như thế, chẳng bao lâu, em bé đi rất vững. Lúc đó, mẹ mới nói với tôi về tính kiên trì, bền bỉ sẽ giúp người ta thành công như thế nào. Nếu lười biếng thì dù là việc dễ cũng khó mà làm nên. Bài học của mẹ mới gần gũi và thực tế làm sao. Chính mắt tôi đã nhìn, chính tai tôi nghe, chính tôi cảm nhận được bài học chuyên cần ấy bởi “có công mài sắt có ngày nên kim”. Thầm cảm ơn mẹ, tôi tự hứa sẽ sửa mình và sẽ làm bố mẹ vui lòng.
Câu chuyện “Mẹ hiền dạy con” tuy ngắn gọn, đơn giản nhưng thật xúc động. Truyện giúp ta cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc từ những bài học mà cha me, thầy cô chỉ bảo trong đời thường. Mỗi lời nói hay việc làm của cha mẹ, thầy cô đều xuất phát từ tình thương yêu vò bờ bến mà thôi...
Copyright © 2021 HOCTAP247