Trang chủ Lớp 7 Soạn văn Lớp 7 SGK Cũ Văn học dân gian lớp 7 Em hãy trình bày những điều mình cảm nhận được sau khi học truyện cổ tích "Sự tích dưa hấu"

Em hãy trình bày những điều mình cảm nhận được sau khi học truyện cổ tích "Sự tích dưa hấu"

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Em hãy trình bày những điều mình cảm nhận được sau khi học truyện cổ tích "Sự tích dưa hấu"

Đọc truyện cổ tích Sự tích dưa hấu và gặp nhân vật trên trang sách, em như thấy lại cuộc sống của cha ông ta thời xưa, những người lao động cần cù và dũng cảm. Truyện đã cho em bao nhận biết sâu sắc.

Gia đình Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang vì câu nói của chàng: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Câu nói của An Tiêm rất đúng, “của biếu, của cho” dù của ai cũng là món nợ phải trả. Qua câu nói ấy, ta thấy Mai An Tiêm là một con người tự lập, muốn xây dựng cuộc sống không cần nhờ vả vào ai. Mai An Tiêm đúng là một chàng trai tài giỏi.
 
Nhưng câu nói của Mai An Tiêm lại làm cho vua Hùng tức giận. Ông nghĩ rằng: nhờ của cải mới sống được, vì vậy Mai An Tiêm phải nâng niu, ca tụng của cải vua cho. Ông không hiểu được câu nói của Mai An Tiêm, nhà vua đã đẩy gia đình chàng ra ngoài đảo hoang.

Đọc truyện ta vừa lo lắng, vừa xót thương cho số phận gia đình An Tiêm. Cuộc sống trong hang đá, cuộc sống săn bắn, hái lượm quả thật cực khổ. Họ bị đẩy khỏi xã hội loài người, không có đồ dùng cần thiết. Họ phải sống trên hòn đảo hoang vu, thức ăn chỉ là mấy cây rau dại, chẳng khác nào thời tiền sử của cha ông ta. Nhưng với ý chí kiên cường, gia đình An Tiêm đã vươn lên không ngừng. Chỉ cần đôi bàn tay lao động mà gia đình An Tiêm vẫn sống đàng hoàng. Cái quý, cái đẹp ở đây là cuộc vật lộn với sự khó khăn buổi ban đầu của gia đình An Tiêm. Họ biết làm những công việc theo sức lực. Đẹp vô cùng hình ảnh An Tiêm đi thăm dò đảo hoang, không chịu đầu hàng trước cuộc sống khó khăn.

Sự dũng cảm, cần cù của gia đình An Tiêm đã được đền bù: Một hôm, An Tiêm ra ngoài bãi thấy miếng dưa đo dỏ mà chim vứt lại. Chàng thật thông minh khi nghĩ rằng chim ăn được thì người cũng ăn được. An Tiêm đã gieo hạt và chăm sóc chu đáo. Công lao chăm sóc của gia đình An Tiêm đã có kết quả: Cây dưa lạ đã nở hoa, kết trái, quả dưa ăn rất ngon miệng và mát ruột. Mặc dù vậy, An Tiêm vẫn nghĩ rằng phải liên lạc với đất liền thì cuộc sống gia đình sẽ khá hơn. Cứ mỗi lần thu hoạch, An Tiêm lại thả mấy quả dưa ra biển. Chỉ nhờ những ý nghĩ đơn sơ mà An Tiêm đã tìm được cách nuôi gia đình mình. Rồi An Tiêm cũng làm cuộc sống khá hơn nhờ sự tin tưởng của mình, An Tiêm đã đổi dưa lấy đồ dùng của một chiếc thuyền buôn. Không những thế, gia đình An Tiêm còn được trở về đất liền khi nhà vua ăn được trái dưa mà chàng trồng. Cuộc sống quả thật công bằng. An Tiêm quả là một chàng trai tài trí.

Người xưa thật tài tình khi mượn cuộc phiêu lưu của gia đình Mai An Tiêm do giải thích nguồn gốc một loại dưa quý. Sự tích quả dưa hấu gắn liền với sự lao động cần cù của dân tộc ta. Thế giới có chàng Rô-bin-sơn, Việt Nam có chàng Mai An Tiêm, truyện Sự tích dưa hấu mãi mãi không phai mờ trong tâm trí dân Việt Nam. Câu chuyện sẽ luôn hấp dẫn và lôi cuốn học sinh Việt Nam và thế giới.

Copyright © 2021 HOCTAP247