Trang chủ Lớp 7 Soạn văn Lớp 7 SGK Cũ Nghị luận xã hội lớp 7 Phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong truyền thuyết “An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ”

Phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong truyền thuyết “An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ”

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong truyền thuyết “An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ”

An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ là một trong những truyền thuyết đặc sắc của người Việt Nam. Ở đó, sức hấp dẫn không chỉ được tạo nên bởi tính chất bi tráng của sự thực lịch sử mà một phần là nhờ sự có mặt của yếu tố kì ảo.

Cũng như nhiều truyền thuyết khác, yếu tố kì ảo trong truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thuỷ là một “đường viền” không thể thiếu trong diễn biến của câu chuyện mất nước. Câu chuyện bắt đầu từ việc xây thành giữ nước của An Dương Vương. Công việc xây thành thất bại, mọi chuyện sẽ rơi vào bế tắc nếu như không có sự động lòng của yếu tố thần linh. Cụ già bí ẩn từ phương Đông tới mách bảo sứ Thanh Giang sẽ giúp vua xây thành. Sứ Thanh Giang hiện thân trong hình hài của Rùa Vàng xuất hiện, mọi khó khăn trong xây thành được giải quyết, thành được xây xong nhanh chóng. Đó là lần thứ nhất yếu tố kì ảo thế hiện vai trò của mình.
 
Hiện hình trong sứ mệnh của Rùa Vàng, yếu tố thần kì lại giúp An Dương Vương làm lẫy nỏ. Nỏ thần được làm bằng lẫy của Rùa Vàng. Lẫy nỏ thần có một sức mạnh kì diệu. Quân Triệu Đà ồ ạt, hung hãn kéo sang xâm lược. Thế giặc mạnh như vũ bão. Nhưng chỉ ngay lần đầu chiến đấu, Loa thành đã chiến thắng lẫy lừng. Sức mạnh ấy có được chính là nhờ có nỏ thần mà Rùa Vàng đã giúp đỡ. Lần thứ hai, yếu tố thần kì đã tỏ rõ sức mạnh của mình. Nhờ vào yếu tố kì ảo này, nhân dân đã lí giải được nguồn gốc của những chiến thắng kì diệu đã từng có trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng thể hiện được thái độ ủng hộ, tôn vinh của mình đối với một nhà vua biết chăm lo công việc của đất nước.

Sau chiến thắng là câu chuyện về âm mưu và tình yêu, câu chuyện của bài học cảnh giác. Sự ỷ lại vũ khí mạnh và mất cảnh giác của An Dương Vương, sự cả tin ngây thơ của Mỵ Châu vào tình yêu đã dẫn đến một bi kịch đau thương. Loa Thành thất thủ, cha con An Dương Vương bỏ chạy nhưng giặc vẫn đuổi sau lưng. Một lần nữa, Rùa Vàng - yếu tố kì ảo lại xuất hiện.
 
An Dương Vương sau khi chém con gái, cầm sừng tê bảy tấc theo Rùa Vàng rẽ nước đi xuống biển. Người anh hùng không chết như trong sự thực lịch sử. Ông đi vào một thế giới khác, thế giới của thần linh, của sự bất tử. Kết thúc câu chuyện như vậy, cùng với yếu tố kì ảo ấy đã làm giảm bớt sự đau thương, giảm bớt nỗi xót xa trước bi kịch lịch sử. Yếu tố kì ảo ấy cũng phản ánh ý nguyện, lòng biết ơn của nhân dân đối với An Dương Vương.
 
Còn Mỵ Châu và Trọng Thuỷ, hai nhân vật chính trong câu chuyện tình yêu, mỗi người có một kết cục riêng. Mỵ Châu biến thành châu ngọc. Trọng Thuỷ gửi hồn vào nước giếng. Hình ảnh châu ngọc cũng như nước giếng có hồn là những yếu tố kì ảo, thể hiện thái độ bao dung của nhân dân ta đối với cả hai nhân vật.
 
Với Mỵ Châu, mặc dù nàng bị kết tội là “giặc” nhưng chỉ vì ngây thơ, cả tin mà vô tình đã trở thành phản quốc. Tuy nhiên, tấm lòng của nàng thì vẫn trong sáng và long lanh như ngọc trai biển Đông.
 
Với Trọng Thuỷ, tuy là một kẻ phản bội tình yêu, vong ân bội nghĩa với An Dương Vương, nhưng xét cho cùng, Trọng Thủy cũng là kẻ nặng tình, cho nên mới ngày đêm tưởng nhớ Mỵ Châu, rồi nhảy xuống giếng mà chết. Chuyện kể: Trọng Thủy thấy hồn Mỵ Châu dưới giếng nước, thương nhớ không cùng, liền nhảy xuống chết theo nàng. Có bản kể hồn Mỵ Châu dìm chết Trọng Thủy. Cả hai bản kể đều sử dụng yếu tố kì ảo: đó là hồn ma Mỵ Châu. Rồi tính chất kì ảo cuối cùng là việc đem ngọc trai dưới biển Đông, rửa vào giếng nước Trọng Thuỷ, ngọc trai sẽ sáng hơn lên. Tất cả những yếu tố kì ảo ấy đều là sản phẩm của trí tưởng tượng, dù hoang đường nhưng nó cũng phản ánh tấm lòng, thái độ đánh giá của nhân dân lao động thời xưa đối với các nhân vật này. Có thể nói, đó là tâm lòng bao dung, vị tha, nhân hậu đỏi với con người.
 
Rõ ràng, với sự có mặt của yếu tố thần kì, những câu chuyện lịch sử đã thực sự trở nên sinh động, hấp dẫn. Nó là sản phẩm của trí tưởng tượng, là đôi cánh nghệ thuật giúp cho hình tượng trở nên lung linh, rực rỡ và thiêng liêng. Nó cũng phản ánh tình cảm, thái độ của nhân dân đôi với các sự kiện và nhân vật lịch sử.

Copyright © 2021 HOCTAP247