Kể về một câu chuyện dân gian nước ngoài
Dưới thời Vạn Lịch triều Minh (Trung Quốc), nạn chuột hoành hành. Đồng điền kho đụn, ngũ cốc... bị chúng ăn và phá sạch. Trong cung cấm, chuột càng phá phách dữ Thức ngon của lạ, các đồ quý giá của nhà vua bị chuột ngốn hết, phá hết.
Triều đình phái lệnh cho dân gian dâng mèo để trị chuột. Nhưng chẳng hao lâu, số mèo này đều bị chuột ăn thịt hết. Các quan nội thi, hoàng tộc, thân vương... đều vô cùng bối rối. Lấy đá ném chuột, lấy gậy sắt đập chuột thì lại sợ làm vỡ, làm nát các bình ngọc, vàng, các đồ sứ quý giá khác...
Thế rồi, có một sứ thần đem tiến cống Hoàng đế một con mèo sư tử. Lông trắng muốt như tuyết. Cặp mắt như hai viên ngọc. Với bao vuốt nhọn đầy thần khí. Các quan rất mừng. Lệnh được ban ra: hãy thả mèo sư tử vào cung !
Đóng cửa lại ! Các quan nội thị đứng rình.
Mèo đi đi lại lại. Rồi mèo ngồi im một chỗ rất lâu. Lũ chuột thập thò thận trọng, về sau, chúng mạnh bạo đến gần. Như thăm dò, như khiêu khích. Mèo tránh, nhảy lên cao. Chuột leo theo. Mèo lại nhảy xuống. Chuột kéo đến ngày một đông. Có lúc mèo thu mình lại. Cặp mắt mèo có lúc lại lim dim. Các quan đều ngán ngẩm, thở dài cho rằng mèo sợ chuột, mèo vô tích sự.
Thấy chuột có vẻ mệt mỏi, chậm chạp vì cái bụng to, phải ngồi mà thở, mèo xoay mình. Bỗng cặp mắt mèo sáng rực lên. Mèo từ cao lao xuống, dùng vuốt sắc, dùng răng nhọn vồ lấy chuột, cắn xé. Chuột cậy đông kéo đến vây lấy mèo. Nhưng hết con này đến con khác đều bị mèo vổ xé xác. Gần một tháng sau hầu như không còn một con chuột nào nữa.
Than ôi! Nạn chuột phá phách thật đáng sợ! Mèo thường thì đã bị chuột giết mất rồi. Ném chuột thì lại sợ làm vỡ bình ngọc lọ vàng! May mà có mèo sư tử. Mèo sư tử có răng sắc, vuốt nhọn. Cái dũng của mèo đã ghê. Nhưng cái trí của mèo mới lạ. Mèo phải lui, phải né tránh, lúc đâu là để dò xét, đâu phải vì mèo sợ? Và đến lúc mèo sư tử ra tay thì lũ chuột bị tiêu diệt. Than ôi! chuột bốn chân đã đáng ghê tởm. Nhưng loại chuột - hai - chân thì còn đáng sợ biết chừng nào! Tìm đâu ra loại mèo sư tử?
Copyright © 2021 HOCTAP247